“Chúng tôi lỗ đau đớn nhưng vẫn kiên trì với ngành này bởi chúng tôi nhìn thấy tương lai phát triển bền vững từ công nghiệp hỗ trợ”, ông Trần Anh Vương – Chủ tịch Bắc Việt Group nói…
Con đường của một số doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp nước ngoài lớn đã trở nên sáng sủa hơn.
Nhọc nhằn theo đuổi ngành công nghiệp hỗ trợ với muôn vàn khó khăn song một số doanh nghiệp Việt vẫn kiên định con đường đã chọn với niềm tin về triển vọng phát triển của ngành trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
Theo ông Nguyễn Đình Vinh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hanel (Hà Nội), Việt Nam đã phát triển công nghiệp hỗ trợ hơn 30 năm nhưng kết quả chưa như kỳ vọng, trong khi đó, Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ cần 20 năm xây dựng đã có một nền công nghiệp phụ trợ phát triển mạnh.
Từ phía doanh nghiệp FDI, ông Bang Hyun Woo, Phó Tổng giám đốc phụ trách đối ngoại của Tập đoàn Samsung, chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp FDI khi đầu tư ở Việt Nam là không biết doanh nghiệp Việt có thể sản xuất công nghệ nào, quy mô ra sao nên chúng tôi cần có cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp, từ đó các doanh nghiệp FDI có thể tìm kiếm đối tác là nhà cung ứng”.
Trong khi đó, con đường của một số doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp nước ngoài lớn đã trở nên sáng sủa hơn.
Gần 7 năm tham gia công nghiệp phụ trợ, ông Trần Anh Vương, Chủ tịch Bắc Việt Group cho biết, ngay từ ngày đầu, công ty đã xác định chiến lược sản xuất kinh doanh trong ngành này. “Ở những ngày đầu đi vào hoạt động, Bắc Việt không kiếm nổi khách hàng. Chúng tôi mất đến 9 tháng chỉ để các anh chị em hàng ngày đến lau chùi máy móc, thiết bị để đón tiếp đại diện các đối tác. Canon là khách hàng đầu tiên của chúng tôi năm 2012”, ông Vương nói.
Thế nhưng, có được khách hàng cũng chưa hẳn doanh nghiệp đã qua được những ngày tháng gian khó. Tổng số vốn Bắc Việt đổ vào nhà máy ở thời điểm năm 2012 là khoảng 120 tỷ đồng. Sau đó, doanh nghiệp này vừa chạy đơn hàng của Canon và một số khách hàng khác vừa chịu lỗ liên tục trong 5 năm sau.
“Chúng tôi lỗ đau đớn nhưng vẫn kiên trì với ngành này bởi chúng tôi nhìn thấy tương lai phát triển bền vững từ công nghiệp hỗ trợ. Đáng chú ý, nguồn cung sản phẩm cho Samsung chiếm từ 40-45% tổng doanh thu của Bắc Việt; con số này từ Canon là 35% và khoảng hơn 20% còn lại cho các doanh nghiệp khác. doanh nghiệp đã hết lỗ và hoạt động dần ổn định, chúng tôi tin mình đã đi đúng hướng”, ông Vương chia sẻ.
Samsung Việt Nam cũng cho biết, cùng với việc hoàn thành chương trình tư vấn cải tiến cho 12 doanh nghiệp Việt tiềm năng, cũng trong năm 2017, Samsung đạt mục tiêu tăng số doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 lên tổng số 29 doanh nghiệp.
Đánh giá về kết quả từ quá trình tư vấn này, ông Shim WonHwan, Tổng giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam nhận xét: “Tôi đã thấy sự đồng lòng đoàn kết của tất cả nhân viên Bắc Việt trong nỗ lực cải tiến sản xuất. Cải tiến có thể bắt đầu từ hoạt động bình thường trong thao tác của người công nhân và họ cũng chính là người đề xuất phương pháp cải tiến đơn giản và phù hợp nhất”.
Ông Trần Quang Huy, Phó giám đốc kỹ thuật Công ty Bắc Việt cho biết, hiện doanh nghiệp vẫn gặp một số khó khăn về chính sách thuế cho lĩnh vực này. “Chúng tôi nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất linh phụ kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu hàng hoá. Tuy nhiên, nguyên phụ liệu nhập khẩu của chúng tôi không được hoàn thuế nhập khẩu theo quy định về hoàn thuế với hàng sản xuất để xuất khẩu. Đây là điểm bất hợp lý hiện nay”.
“Ngoài ra, chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp hỗ trợ ở giai đoạn đầu sản xuất kinh doanh thực sự không có ý nghĩa. Thực tế, doanh nghiệp hỗ trợ luôn phải chịu lỗ khá lớn những năm đầu nên làm gì có lợi nhuận để mà miễn giảm thuế. Do đó, cần ưu đãi thuế ở giai đoạn 5 năm sau thì doanh nghiệp mới thực sự được hưởng lợi và thêm động lực phấn đấu” ông Huy nói.
Nguồn VnEconomy-TT