– Sáng nay (4/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồng, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Một số ý kiến tiếp tục băng khoăn về thời hạn cho thuê đất tới trên 90 năm cũng như vấn đề an ninh quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ.
Tại phiên họp sáng nay, các đại biểu đã cho ý kiến về 2 phương án tổ chức chính quyền, một là không tổ chức HĐND, UBND mà thực hiện Thiết chế trưởng đặc khu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm; phương án 2 là vẫn tổ chức một cấp chính quyền đầy đủ với HĐND, UBND.
Góp ý tại phiên họp, giữ quan điểm không nên tổ chức theo cấp chính quyền, tức là không nên có HĐND ở các đặc khu, ông Bùi Văn Phương nhấn mạnh: “chúng ta không hề sợ không kiểm soát được quyền lực”. Theo ông Phương, do lâu nay chưa thực sự công khai minh bạch nên mới có nhiều sai phạm mà không có kiểm soát, giám sát.
Nhấn mạnh “cái gốc là kiểm soát”, ông Phương nêu ví dụ: “Vừa rồi BOT có điều khoản bảo mật, giờ vỡ ra bao nhiêu việc. Rồi có vụ suýt thành “gói bảo mật” thì không ai sờ đến nữa. Phải công khai thì mới giám sát được. Dân có quyền nhưng mọi thứ bưng bít thì dân cũng không giám sát được và có nhiều cơ quan đến mấy cũng không giám sát được.”
Theo ông Phương, cơ quan Trung ương nào giao thẩm quyền thì cơ quan đó có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, uốn nắn. Nếu đặc khu cố tình làm sau khi có cảnh báo thì trách nhiệm thuộc về đặc khu.
“Bài học xót xa qua các vụ án đưa ra xét xử vừa qua là bị cáo nói “chúng tôi làm như thế mà không ai nói gì, nếu có cảnh báo thì đã không sai phạm, không vướng vòng lao lý” – đại biểu Phương tiếp tục nêu thực tế và nhấn mạnh, “qua một số vụ án đó thấy nhiều cơ quan nhà nước chưa làm tròn nhiệm vụ”.
Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách quan tâm đến cơ chế kiểm soát quyền lực của Chủ tịch UBND đặc khu.
“Tư duy mới là ưu đãi vượt trội thì chế tài, trách nhiệm phải vượt trội” – đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.
Ông Lê Thanh Vân nêu lên một thực tế, đó là thời gian qua, chưa có quyền lực vượt trội mà lợi ích nhóm đã hình thành, lạm dụng quyền lực, bòn rút ngân sách.
“Giờ cho vượt trội mà không có “lồng nhốt quyền lực” để giám sát chặt chẽ là rất đáng lo ngại, nên cần cân nhắc hoàn thiện thêm”.
Ông Lê Thanh Vân cũng bày tỏ không đồng tình lập Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu như dự thảo luật vì đây không phải là thiết chế quyền lực nên không đủ năng lực giám sát. Ban này chỉ là tổ chức tham vấn, khuyến nghị thì không cần thiết để Thủ tướng thành lập mà có thể để Chủ tịch UBND đặc khu thành lập trên sự chí thành tuyển người tài, như các nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải từng lập hội đồng tư vấn giúp cho mình.
Toàn cảnh phiên họp |