Với diện tích đất được cấp lên đến hàng nghìn hecta, Công ty Xây dựng Xuân Trường không chỉ có thể kiếm doanh thu từ chính công trình tâm linh mà còn từ hạng mục dịch vụ xây kèm.
Những năm gần đây, quần thể tâm linh đồ sộ đã không còn xa lạ với người Việt Nam. Nổi tiếng nhất phải kể đến khu du lịch Tràng An – Bái Đính mới được xây dựng tại tỉnh Ninh Bình hay quần thể chùa Tam Chúc, ngôi chùa lớn nhất thế giới, nằm trong khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao (tỉnh Hà Nam) – nơi đăng cai đại lễ Vesak 2019 (Lễ Phật đản 2019).
Đứng sau cả hai dự án này là Công ty Xây dựng Xuân Trường (có trụ sở tại Ninh Bình), một trong những doanh nghiệp đi đầu cả nước trong việc phát triển du lịch tâm linh ở Việt Nam.
Khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao dự kiến đạt doanh thu khoảng 1.700 tỷ đồng/năm vào 2030.
Chuỗi “siêu dự án” tâm linh
Tràng An – Bái Đính hay Tam Chúc nằm trong cả chuỗi “siêu dự án” tâm linh do doanh nghiệp xây dựng có trụ sở ở Ninh Bình này đầu tư. Một vài dự án khác nằm rải rác ở Thái Nguyên, Hải Phòng hay Hà Tây cũ.
13 năm trước, “siêu dự án” tâm linh Tràng An – Bái Đính chính thức được khởi động.
Bái Đính cổ tự trước kia được đầu tư 15.000 tỷ đồng và xây dựng thành một ngôi chùa lớn hàng đầu châu Á với 9 kỷ lục lớn nhỏ về khuôn viên, tượng phật, bảo tháp, giếng ngọc hay số lượng tượng la hán.
Sau khi khu du lịch đi vào hoạt động, ngày càng nhiều khách thập phương đến với Bái Đính. Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình từng thống kê vào dịp năm mới 2018, có ngày Bái Đính đón đến 220.000 lượt du khách, trong khi ngày cao nhất ở Tràng An đạt đến 31.000 lượt.
Sau thành công ở Ninh Bình, doanh nghiệp Xuân Trường được chào đón ở các tỉnh khác.
Ngôi cổ tự Tam Chúc (huyện Kim Bảng, Hà Nam) cũng được công bố rót 11.000 tỷ đồng. Mục tiêu là xây dựng ngôi chùa lớn nhất thế giới bên trong một khu du lịch rộng 5.100 ha (bằng kích thước của gần 300 sân vận động quốc gia Mỹ Đình cộng lại).
Tại Hải Phòng, doanh nghiệp này đang đầu tư 9.800 tỷ đồng làm khu du lịch tâm linh tại đảo Cái Tráp với diện tích 450 ha, trong đó khu tâm linh rộng 88,7 ha. Xuân Trường dự kiến tượng Phật cao 150 m.
Số đất dành cho khu dịch vụ là 108 ha, trong đó dự kiến xây dựng cả khu biệt thự, câu lạc bộ thủy thủ, casino…
Còn tại Thái Nguyên, xây dựng bảo tháp lớn nhất thế giới cũng được doanh nghiệp này tuyên bố khi đầu tư vào dự án Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc rộng 18.940 ha (gồm diện tích hồ là 2.500 ha) với số tiền 15.000 tỷ đồng.
Xuân Trường dự định xây dựng xây tháp Phật giáo lớn nhất thế giới với chiều cao 150m, có thể chứa được từ 5.000-10.000 người cùng lúc.
Gần đây nhất, tại Hà Nội, Xuân Trường cũng đề xuất xin 1.000 ha đất để đầu tư 15.000 tỷ đồng làm khu du lịch tại chùa Hương.
To lớn, đồ sộ, nắm nhiều kỷ lục hay thường “mở rộng” những di tích cổ là điểm chung của nhiều công trình tâm linh mà công ty xây dựng Xuân Trường thực hiện nhiều năm qua.
Thu về lợi nhuận thế nào từ các dự án tâm linh?
Người đứng sau Công ty xây dựng Xuân Trường là ông Nguyễn Văn Trường, sinh năm 1963 tại Hoa Lư, Ninh Bình.
Trái ngược với sự đồ sộ của các công trình tâm linh ông xây dựng, thông tin về vị doanh nhân này khá hiếm hoi. Cho đến nay, những gì mà truyền thông nhắc đến ông chỉ xoay quanh “đại gia kín tiếng”, “giản dị” và “ăn chay trường”. Thậm chí bức ảnh của ông cũng khó có thể tìm được trên mạng.
Khi đề xuất các kế hoạch xây dựng quần thể tâm linh, ông Trường đều khẳng định: thu lợi chỉ là một phần, sau khi xây dựng xong, công trình này sẽ do Giáo hội Phật giáo quản lý chứ doanh nghiệp không kinh doanh thu lợi.
Câu hỏi đặt ra doanh nghiệp Xuân Trường sẽ kiếm doanh thu từ đâu để hoàn lại số vốn hàng nghìn tỷ đồng đã bỏ ra?
Với diện tích đất được cấp rộng lớn lên đến hàng nghìn hecta, Xuân Trường không chỉ có thể kiếm doanh thu từ chính công trình tâm linh mà còn từ hạng mục dịch vụ: khách sạn, sân golf, biệt thự, hay khu vui chơi.
Đi kèm với các hạng mục thờ cúng, Xuân Trường cũng xây kèm hàng loạt nhà hàng, khách sạn để kinh doanh.
Đại gia Việt ăn chay trường xây ngôi chùa lớn nhất thế giới
Năm 2018, Sở Du lịch Ninh Bình cho biết Tràng An đón khoảng 7 triệu lượt du khách trong và ngoài nước. Với giá vé khoảng 200.000 đồng/lượt cho người lớn và 100.000 đồng/trẻ em (đã bao gồm chi phí đi thuyền), tính sơ qua, doanh thu từ bán vé có thể đạt trên 1.000 tỷ đồng/năm.
Tại Bái Đính, ngôi chùa được vận hành tham quan miễn phí. Thế nhưng, với lượng khách có lúc lên đến 220.000 lượt/ngày thì những phí dịch vụ kèm theo như: trông giữ xe, vận chuyển bằng xe điện, thu từ cho thuê các kiosk dịch vụ, hay phụ thu theo yêu cầu thêm của khách cũng đem lại một khoản không nhỏ cho doanh nghiệp khai thác.
Ngoài Ninh Bình, ở các địa phương khác, Xuân Trường cũng đều được chào đón và giao cho những diện tích đất rộng lớn.
Tại Hải Phòng, Xuân Trường xin 450 ha, nhưng diện tích xây chùa chỉ chiếm 1/5. Phần diện tích đất còn lại doanh nghiệp này được toàn quyền khai thác để làm khu dịch vụ đón tiếp (108 ha), xây dựng khu trung tâm đón tiếp, khu ẩm thực, khách sạn 5 sao, bến xe điện, khu biệt thự, câu lạc bộ thủy thủ, casino…
Với 9.800 tỷ đồng bỏ ra, doanh nghiệp này có thể khai thác khu đất rộng tới 360 ha trong nhiều năm với dịch vụ, bất động sản, casino…
Dự án tại Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) cũng không là ngoại lệ. Ngoài những hạng mục chùa chiền, Xuân Trường cũng xin xây thêm khu dịch vụ đón tiếp, vui chơi giải trí có khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, khu bến thuyền hay khu làng văn hóa các dân tộc.
Tại hầu hết dự án mà Xuân Trường xin đầu tư hiện nay đều có thời hạn khai thác lên đến 70 năm.
Với những khoản doanh thu, quyền lợi được hưởng, không khó để hình dung cách chủ đầu tư thu hồi vốn và kiếm lời từ du lịch tâm linh.
Nguồn VNN-TT