VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Dâng hương tưởng niệm các vua Hùng

Trong thời khắc thiêng liêng, tại thượng cung trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội cùng các đại biểu đã thành kính dâng hương, hoa, lễ vật tri ân và tưởng nhớ công đức các vua Hùng, cầu mong xã tắc thịnh vượng, quốc thái dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn, đất nước bình an, phát triển vững mạnh, hùng cường.
Sáng 14-4 (tức mùng 10 tháng 3 âm lịch), tại đền Thượng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và một số tỉnh, thành địa phương cùng đông đảo người dân cả nước đã dự Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng, tri ân công đức tổ tiên, hướng về cội nguồn, bồi đắp thêm niềm tự hào dân tộc.
 Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội , các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và một số tỉnh, thành địa phương cùng đông đảo người dân cả nước đã dự lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng, tri ân công đức tổ tiên, hướng về cội nguồn
Đúng 6 giờ sáng, trong không khí trang nghiêm, thành kính, tiếng nhạc lễ âm vang, đoàn dâng hương bắt đầu khởi hành từ sân Trung tâm lễ hội để lên Đền Thượng.
Đi đầu đoàn hành lễ là các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam rước Quốc kỳ, cờ hội và vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các vua Hùng đã có công dựng nước”. Đi sau là các thiếu nữ mang hương, hoa, lễ vật và 100 thanh niên tượng trưng cho con Lạc, cháu Hồng trong trang phục cổ cùng đoàn rước kiệu dâng lễ vật hương, hoa, bánh chưng, bánh dày gắn liền với những truyền thuyết về hoàng tử Lang Liêu và quan niệm Trời tròn – Đất vuông của cha ông ta.
Dâng hương tưởng niệm các vua Hùng ảnh 2 Từ sáng ngày 14-4 (tức mùng 10-3 âm lịch), đông đảo người dân đã có mặt tại Đền Hùng để dâng hương tưởng nhớ vua Hùng 
Phát biểu mở đầu trong lễ dâng hương, đồng chí Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm Kỷ Hợi 2019, nhấn mạnh: Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày lễ trọng đại của cả dân tộc ta đã trở thành tình cảm thiêng liêng, in sâu trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài; là biểu tượng của giá trị văn hóa tinh thần vô cùng độc đáo và sâu sắc, thể hiện tinh thần đại đoàn kết, đạo lý truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”; nhớ về tổ tông, về nghĩa “đồng bào” để cùng nhau làm nên sức mạnh Việt Nam trong tiến trình dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta.
Trước anh linh các vua Hùng, thay mặt đồng bào cả nước, đồng chí Bùi Văn Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Chủ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Kỷ Hợi 2019 đã đọc Chúc văn khẳng định ý nghĩa to lớn của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Bày tỏ lòng tự hào, biết ơn công đức tổ tiên, ca ngợi, khắc ghi công lao to lớn của các vua Hùng; ca ngợi tinh thần quật khởi, kiên cường của các bậc tiền nhân đã không tiếc xương máu đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ đất nước; đồng thời kính cáo trước anh linh, các bậc tiền nhân về những thành tựu mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đạt được trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Trong thời khắc thiêng liêng, tại thượng cung trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội cùng các đại biểu đã thành kính dâng hương, hoa, lễ vật tri ân và tưởng nhớ công đức các vua Hùng, cầu mong xã tắc thịnh vượng, quốc thái dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn, đất nước bình an, phát triển vững mạnh, hùng cường.
Sau lễ dâng hương tại Đền Thượng, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu đặt vòng hoa và thắp hương tại Lăng Hùng Vương; dâng hoa tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân tiên phong” tại ngã năm Đền Giếng.
Mặc dù lượng khách năm nay không đông như mọi năm nhưng tính đến 8 giờ sáng 14-4, du khách trên khắp cả nước đổ về khu di tích lịch sử Đền Hùng ước tính cũng lên đến hàng vạn người.
Ngay sau khi đoàn đại biểu Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn lên đền dâng hương, hành lễ, lực lượng chức năng đã tổ chức phân luồng, hướng dẫn người dân và du khách lên đền dâng hương, hành lễ, tham quan nhưng tình trạng chen lấn, xô đẩy vẫn còn ngay sau khi mở cửa cho người dân lên dâng hương.
Theo ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thời tiết trong ngày chính hội năm nay khá mát mẻ, thuận lợi nên lượng người đổ về khu di tích lịch sử Đền Hùng trong ngày hôm nay sẽ trên 1 triệu lượt khách. Để chuẩn bị cho công tác an ninh trật tự mùa lễ hội Đền Hùng 2019, đơn vị đã huy động hơn 5.000 người. Trong đó, lực lượng công an là 987 người, quân đội 400 người, tình nguyện viên và các lực lượng khác khoảng 4.500 người.
Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2019 được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và TP Việt Trì. Hội trại văn hóa của các huyện, thành, thị trong tỉnh và tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh Phú Thọ; Liên hoan văn nghệ quần chúng và dân ca Phú Thọ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Trưng bày hoa, cây cảnh tại TP Việt Trì; Tổ chức ngày Hội sách Đất Tổ; Hội thi gói bánh chưng, giã bánh dày tỉnh Phú Thọ mở rộng; Hội chợ Thương mại và giới thiệu sản phẩm các vùng miền năm 2019 tại TP Việt Trì; Hội thi bơi Chải truyền thống trên sông Lô; Các hoạt động thể dục, thể thao và trò chơi dân gian truyền thống: bóng chuyền nam, cờ tướng, vật dân tộc, đẩy gậy, bắn nỏ; Khai mạc giải bóng đá phong trào tỉnh Phú Thọ; Giải bóng chuyền các đội mạnh cúp Hùng Vương.
Cũng trong sáng nay (14-4), tại Khu Tưởng niệm các vua Hùng, Công viên Lịch sử – Văn hóa Dân tộc (quận 9, TPHCM), Thành ủy – HĐND – UBND – UBMTTQ Việt Nam TPHCM long trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Việt Nam; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; cùng các đồng chí lãnh đạo TP, nguyên lãnh đạo TP, các lão thành cách mạng, nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, kiều bào, Hội Cựu Chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, đoàn viên thanh niên TPHCM…
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để mỗi người dân Việt Nam ghi nhớ và tự hào về cội nguồn thiêng liêng, về đất nước ngàn năm văn hiến.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM khẳng định: Nhớ ơn Tổ tiên và bao thế hệ cha anh đi trước, không có gì hơn là sự nỗ lực phấn đấu không ngừng trong cuộc sống, lao động, học tập để xứng đáng làm người kế thừa, lớp hậu sinh; tập trung nâng cao tinh thần thi đua lao động, sáng tạo, góp phần vào công cuộc kiến tạo, phát triển, hội nhập của đất nước, của TP.
Với tinh thần đó, những người con từ mảnh đất Sài Gòn – Gia Định – TPHCM tiếp nối truyền thống kiên cường, vẻ vang của cha ông, tiếp tục nỗ lực, phấn đấu và sáng tạo không ngừng để từng bước “cùng cả nước – vì cả nước” thực hiện công cuộc xây dựng, phát triển TP mang tên Bác trong giai đoạn mới.
Ở đó, thành quả cuối cùng, có ý nghĩa quan trọng nhất chính là chất lượng sống của người dân, là TP thông minh với các dịch vụ công cộng xã hội nhằm phục vụ con người, là thái độ phục vụ nhân dân đi cùng hiệu quả công việc, mang lại một hệ sinh thái khởi nghiệp ngay trên vùng đất văn minh – hiện đại – nghĩa tình.
Tiếp đó, trong không khí tôn nghiêm, Ban tổ chức trọng thể tiến hành nghi thức Giỗ Tổ vua Hùng với các nội dung: diễu hành đón rước lễ và dâng hương, dâng hoa, lễ tế theo nghi thức cổ truyền của dân tộc.
Ngoài các hoạt động Lễ, Ban quản lý Công viên Lịch sử – Văn hóa dân tộc còn tổ chức các chương trình Hội với chủ đề “Hướng về Quốc Tổ Hùng Vương” với các hoạt động như: Hội trại truyền thống “Tự hào nòi giống Tiên Rồng” lần thứ 11 thu hút hơn 1.000 sinh viên tham gia; hội sách; trò chơi dân gian; triển lãm thư – họa, trà Việt; biểu diễn võ cổ truyền, múa rồng, trống hội; biểu diễn nghệ thuật…
Dịp này, TPHCM cũng tổ chức chương trình nghệ thuật kỷ niệm 10 năm khánh thành Khu Tưởng niệm các vua Hùng.
Sáng cùng ngày, đoàn lãnh đạo TPHCM thực hiện nghi thức dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Toàn văn bài phát biểu của đồng chí Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương sáng 14-4.
Kính thưa:
– Thưa đồng bào thành phố,
– Các đồng chí nguyên lãnh đạo, lãnh đạo Trung ương, thành phố,
– Các vị đại diện chức sách tôn giáo, Hội người Cao tuổi ở thành phố và các Ban Quý tế.
Hôm nay, ngày mùng 10 tháng 3 năm Kỷ Hợi, những người con Lạc Việt trên khắp mọi miền đều thành kính hướng về Quốc Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Tổ tiên và những vong linh đã vị quốc vong thân mà khai sinh, tạo dựng nên non nước Việt Nam giàu đẹp, đắp bồi và gìn giữ mảnh đất thiêng của cha ông qua mấy ngàn năm lịch sử.
Chim có tổ, người có tông; từ cội nguồn trăm trứng, từ cốt nhục đồng bào mà dân tộc chúng ta đã ra đời, đã tiến hóa và thích ứng – phát triển không ngừng theo dòng chảy đa dạng, từ dòng dõi Mẹ Âu Cơ – miền núi xuống, Cha Lạc Long Quân – miền biển lên, sinh trăm trứng, nở trăm con, 50 người con lên non, 50 người con xuống biển; từ cội nguồn tông tổ này mà dải đất chữ S mấy ngàn năm qua vững bền, sắt son như núi, bao dung, cởi mở như biển.
Để từ đó, tạo dựng nên sức mạnh nội sinh của một dân tộc khởi nguồn từ niên hiệu Hùng Vương – đủ điện kiện để dựng nước, đủ uy lực để chế ngự thiên tai, đủ sức mạnh để chiến thắng giặc ngoại xâm, đủ sự kiên cường để sinh tồn và phát triển. Để từ đó đắp bồi nên nền văn hoá Đông Sơn của Nhà nước Văn Lang – Âu Lạc trong dòng chảy văn hoá Đại Việt của thời đại Lý Trần, được tiếp nối và kết tinh thành văn hóa Việt Nam của thời đại Hồ Chí Minh.
Kính thưa đồng bào TP
Kính thưa quý vị đại biểu
Từ bao đời nay, tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam ta, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ cháu con với công đức của Tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Thờ cúng các vua Hùng không chỉ là hoạt động cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng, mà còn có ý nghĩa sâu xa nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam, những người cùng chung một cội nguồn. Sức mạnh cội nguồn ấy đã đưa dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển.
Chính vì vậy, trong giờ phút linh thiêng, trang trọng này, cho phép tôi được thay mặt lãnh đạo TPHCM cùng tất cả quý vị đại biểu và toàn thể đồng bào TP cùng thành kính hướng về Quốc Tổ với lòng biết ơn sâu sắc, lòng tự hào của lớp cháu con về công ơn tạo dựng đắp bồi nên giang sơn, Tổ quốc. Biết ơn Quốc Tổ là biết ơn bao thế hệ cha ông đã ngã xuống cho đất nước được đứng lên, tự do, độc lập, thống nhất và phát triển.
Mang theo ý thức độc lập, tự chủ, tự cường của Quốc Tổ Hùng Vương, qua từng giai đoạn lịch sử, là ý thức bảo vệ chủ quyền, giữ gìn bản sắc văn hoá Việt cùng ý chí “dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải dành cho được độc lập” [1], để ngày chiến thắng Nam – Bắc sum họp một nhà, chung một dòng Tiên Tổ như chân lý đã được Ức Trai viết trong Quốc Âm thi tập:
Đồng bào cốt nhục nghĩa càng bền
Cành Nam, cành Bắc một cội nên.
Trong giờ phút trang nghiêm này, đồng bào ta một lòng hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng biết hơn vô hạn:
Bốn ngàn năm ta lại là ta.
Trên bãi Thái Bình Dương sóng gió.
Phơi phới bay cờ đỏ sao vàng. [2]
Đó là minh chứng cho công cuộc thực hiện trọn vẹn lời căn dặn của Người: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Giữ nước luôn đi cùng dựng nước, phát triển đất nước, phát huy dân chủ, xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân, bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân – sức mạnh trường tồn của dân tộc, cũng chính là giá trị cốt lõi của bản Di chúc thiêng liêng mà Người để lại cho toàn đảng, toàn quân và toàn dân ta từ 50 năm trước.
Kính thưa đồng bào TP,
Kính thưa quý vị đại biểu
Nhớ ơn Tổ tiên và bao thế hệ cha anh đi trước, không có gì hơn là sự nỗ lực phấn đấu không ngừng trong cuộc sống, lao động, học tập để xứng đáng làm người kế thừa, lớp hậu sinh; tập trung nâng cao tinh thần thi đua lao động, sáng tạo, góp phần vào công cuộc kiến tạo, phát triển, hội nhập của đất nước, của TP.
Với tinh thần đó, những người con từ mảnh đất Sài Gòn – Gia Định – TPHCM tiếp nối truyền thống kiên cường, vẻ vang của cha ông, tiếp tục nỗ lực, phấn đấu và sáng tạo không ngừng để từng bước “cùng cả nước – vì cả nước” thực hiện công cuộc xây dựng, phát triển TP mang tên Bác trong giai đoạn mới. Ở đó, thành quả cuối cùng, có ý nghĩa quan trọng nhất chính là chất lượng sống của người dân, là TP thông minh với các dịch vụ công cộng xã hội nhằm phục vụ con người, là thái độ phục vụ nhân dân đi cùng hiệu quả công việc, mang lại một hệ sinh thái khởi nghiệp ngay trên vùng đất văn minh – hiện đại – nghĩa tình.
Xin thành kính hướng về đức Quốc Tổ, về các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, về lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu với tất cả niềm tự hào, sự thiêng liêng và lòng biết ơn vô hạn, đời đời ghi khắc công ơn, xin nguyện sống xứng đáng với Tổ tiên, cha ông và các thế hệ đi trước.
Từ khắp mọi miền, tự trong huyết quản, những người con Việt đang tụ hội về đây, trong ngày này, mùng 10 tháng 3, trong thời khắc này, đang vang lên hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng Đồng – Bào.
Xin trân trọng cám ơn!
[1] Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh
[2] Trích Lộng gió (Tố Hữu)
Nguồn SGGPO-TT