Đi chùa không chỉ đơn giản là để ước nguyện mà còn là khoảnh khắc con người hòa mình vào chốn tâm linh. Đây là nét văn hóa đẹp của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, đi lễ chùa như thế nào cho đúng thì không phải ai cũng biết.
Đền Trần
Lễ chùa đầu năm đã dần trở thành một thói quen không thể thiếu trong những ngày Tết. Đây cũng là một nghi lễ quan trọng, không thể xuề xòa. Ngay từ những điều nhỏ nhặt nhất tới nơi cửa Phật linh thiêng ấy, bạn nên chỉn chu từng chút và lưu ý những điều dưới đây để có chuyến đi lễ chùa đầu năm tốt đẹp.
Đi lễ chùa đầu năm cần lưu ý những điều sau:
1.Về trang phục
Đây là nơi thờ Phật, thờ thần linh nên khi vào đền chùa bạn nên mặc những trang phục lịch sự, nhã nhặn và kín đáo. Đừng mặc những trang phục hở hang hay lòe loẹt. Nó không chỉ tạo nên cái nhìn đẹp nơi linh thiêng mà còn thể hiện thái độ kính trọng tới thần linh. Áo dài, hay những bộ quần áo phật tử sẽ là những trang phục phù hợp hơn cả tại nơi lễ chùa.
2.Nguyên tắc ra – vào Chùa
Khi đi qua cổng Tam quan vào chùa nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Phải lưu ý rằng cửa chính giữa – Cửa Trung quan chỉ dành cho Thiên tử, bậc cao tăng, bậc khoa bảng. Vì thế nếu để ý một chút bạn sẽ thường thấy, ngày thường nhiều chùa không mở cửa chính để tránh có những sai phạm không đáng có. Một điều nhỏ nữa là đi lễ chùa bạn tuyệt đối đừng giẫm lên bậu cửa mà phải bước qua bậu cửa vào Phật đường và Tam Bảo không nên đi giày dép, nhai trầu, hút thuốc.
3.Lưu ý khi thắp hương
Việc thắp hương tưởng chừng đơn giản nhưng không phải vậy, bạn cần ghi nhớ: Không để hương bị tắt trong khi đang sử dụng. Nếu là hương que bạn chú ý phải cắm thẳng, không để nghiêng lệch. Nếu thấy đã có hương cháy, không cần thắp và cắm tiếp. Chỉ dùng một nén hương là được, không cắm hay thắp cả thẻ/gói hương. Với hương tháp bạn phải đặt vào giữa đĩa hương hoặc lư hương. Hương vòng chú ý đặt thuận theo chiều kim đồng hồ.
Không phải chỗ nào cũng cắm hương được. Chỉ cắm vào bát hương, nếu bát hương có hương rồi không cần cắm tiếp. Không cắm hương tùy tiện vào tay tượng, gốc cây, hay đồ lễ… Nhiều người cho rằng cắm hương vào đồ lễ của mình thì mới thiêng, Phật Thánh mới biết, là không đúng.
4.Về lễ vật và công đức
Hãy là người đi chùa “văn hóa”: Không phải cứ có thật nhiều lễ vật, hay công đức thật nhiều tiền mới là có tâm với Phật với thần linh.
Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật, khi thắp hương bạn nên dâng hương tại đỉnh đặt bên ngoài, hạn chế thắp hương bên trong chùa, vì có thể gây ảnh hưởng đến tượng Phật, pháp khí. Không cắm hương tùy tiện vào tay tượng, gốc cây, hay đồ lễ…
Khi công đức bạn cũng nên nhớ rằng, tiền nên đặt trong hòm công đức, tránh trường hợp đi rải tiền ở khắp nơi, khắp các ban bệ hay đặt vào tay tượng. Điều này không mang lại may mắn cho bạn nhưng một phần sẽ trở thành một hành động dung tục, làm mất đi vẻ đẹp linh thiêng và tôn kính nơi đền thờ, miếu mạo.
5.Các bước hành lễ khi đi chùa
Thành tâm kính Phật
– Đặt lễ vật: Thắp hương và làm lễ ở ban thờ Đức Ông trước.
– Sau khi đặt lễ ở ban Đức Ông xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang rồi làm lễ chư Phật, Bồ Tát.
– Sau khi đặt lễ chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà bái đường. Khi thắp hương lên đều có 3 lễ hay 5 lễ. Nếu chùa nào có điện thờ Mẫu, Tứ phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện.
– Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ Tổ (nhà Hậu).
– Cuối buổi lễ, sau khi đã lễ tạ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tùy tâm công đức.
6.Một số lưu ý khác
– Xưng hô ở chùa: Bạn nên dùng Phật danh “A di đà Phật” thay tên gọi để mở lời chào trụ trì và tăng ni trong chùa. Khi ra về cũng nên dùng câu này để bái biệt. Với nhà sư thì xưng là A di đà Phật, bạch thầy,… xưng mình là con.
– Chú ý hành xử, nói năng đúng mực.
– Tuyệt đối không tự ý lấy sử dụng hoặc mang bất kỳ loại đồ đạc gì của nhà chùa về làm của riêng.
– Không sử dụng đồ của chùa như ăn uống, thụ lộc, nên lưu công đức, dù ít hay nhiều.
– Khi bước đi không nên cắt ngang qua mặt những người đang quỳ lạy.
– Muốn làm lễ thì không nên quỳ phía sau những người đang đứng thắp hương.
– Theo quan niệm của Phật giáo, Đức Phật chỉ phù hộ an bình, che chở cho chúng sinh chứ không độ về đường công, danh, tài, lộc. Nếu muốn cầu về những đường này, bạn nên đến các đình, đền…
Nếu còn băn khoăn Tết này nên đi đâu, bạn nên ghé thăm một số địa điểm sau:
1. Đền Trần Nam Định: Xin Ấn cầu tài
Đền Trần (Trần Miếu) là một đền thờ ngụ tại đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, Nam Định (sát quốc lộ 10), là nơi thờ các vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần.
Hàng năm vào ngày 14 tháng giêng Âm lịch, Nam Định tổ chức lễ khai Ấn Đền Trần. Mặc dù Ấn được phát trong đêm 14 nhưng từ mùng 7, mùng 8 Tết quanh khu vực đền Trần đã tấp nập du khách hành hương.
Theo tương truyền, Ấn chỉ linh thiêng khi được lấy đúng vào 23 – 24h của ngày 14 tháng giêng. Vì vậy hàng vạn, hàng triệu người khắp nơi đổ về Đền Trần chen chúc, xô đẩy nhau cũng chỉ mong xin được Ấn vào thời khắc thiêng liêng ấy. Để xin được Ấn vua ban lúc nửa đêm, người dân phải xếp hàng, xin thẻ từ trước đó rất lâu, hoặc đến thời điểm khai Ấn.
2. Chùa Yên Tử (Quảng Ninh)
Là một trong những trung tâm Phật giáo của Việt Nam, Yên Tử mỗi năm vào mùa lễ hội thu hút hàng trăm nghìn lượt khách hành hương. Lễ hội Yên Tử được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng và kéo dài hết tháng 3 âm lịch.
Với nhiều doanh nhân dù đây không phải là một ngôi chùa nổi tiếng về làm ăn nhưng là một nơi rất tốt để cầu an.
Khu di tích Yên Tử bao gồm một hệ thống chùa, am, tháp và rừng cây cổ thụ hoà quyện với cảnh vật thiên nhiên, nằm rải rác từ dốc Đỏ đến núi Yên Tử theo chiều cao dần thuộc xã Thượng Yên Công, Uông Bí.
3. Đền Bắc Lệ (Lạng Sơn): Cầu may mắn và bình an
Đền Bắc Lệ Lạng Sơn thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Đây là đền thờ Mẫu điển hình ở nước ta. Lễ hội lớn nhất trong năm được tổ chức trong vòng 3 ngày từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 9 Âm lịch. Đền Bắc Lệ nằm trên một quả đồi cao, xung quanh rợp bóng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Đền là nơi thờ Bà Chúa Thượng Ngàn – nữ thần núi. Bà là người trông coi, cung cấp và ban phát nguồn của cải núi rừng cho con người. Ngoài ra, được suy tôn trong đền còn có Chầu Bé – một nhân vật có thật người vùng Bắc Lệ, đây chính là các cô, các cậu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Người dân ở đây tin rằng đến đây sẽ cầu được may mắn và bình an.
Nếu còn độc thân hay muốn cầu hạnh phúc gia đình, bạn hãy tìm đến đền Bắc Lệ. Dân gian vùng quê nơi đây luôn tin tưởng đây là ngôi đền cầu tình duyên thiêng nhất tại xứ Lạng cũng như trên đất nước Việt Nam.
4. Đền ông Hoàng Mười (Nghệ An): Cầu tài, lộc
Đền ông Hoàng Mười hay còn gọi là Mỏ Hạc Linh Từ ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Đền ông Hoàng Mười là ngôi đền nổi tiếng ở Nghệ An thờ đạo Mẫu Tứ phủ, vị thần được thờ chính là ông Hoàng Mười. Đền được xây dựng năm 1634 từ thời hậu Lê trên diện tích hơn 1 ha ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh huyện Hưng Nguyên. Đền thờ Ông Hoàng Mười còn có một địa điểm khác đó là Đền Chợ Củi, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Hàng năm vào dịp đầu năm mỗi ngày đền ông Hoàng Mười đón hàng chục ngàn người dân địa phương và khách thập phương đến đi lễ. Mọi người dâng cờ quạt, bút sách, tiền vàng… để cầu tài cầu lộc, cầu mong bình yên, cầu mong cho con em được đỗ đạt khoa cử, thành tài để làm rạng danh tổ tông.
5. Chùa Ông (Tp.HCM): Cầu duyên
Chùa Ông (còn gọi là miếu Quan Đế hay Nghĩa An Hội Quán) hiện tọa lạc tại số 676 đường Nguyễn Trãi, thuộc phường 11, quận 5, Tp.HCM.
Đây là địa chỉ tâm linh của cộng đồng người Hoa và cả người Việt tìm đến để cầu nguyện mỗi ngày. Chùa nổi tiếng linh tiếng trong cầu duyên. Rất nhiều bạn trẻ đã đến đây để mong tìm được mối nhân duyên cho mình.
Trên đây là những quy tắc “bất di bất dịch” không phải ai cũng biết. Chắc chắn chia sẻ này sẽ giúp bạn có thêm được nhiều kinh nghiệm và sự hiểu biết khi đi lễ chùa ngày đầu năm mới, hãy lưu ý một chút để có một năm bình an, may mắn và thuận lợi nhé!