VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Điểm mặt những dự án lớn được cấp phép đầu tư vào Việt Nam

– Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 24,35 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính lũy kế đến ngày 20/8/2018, cả nước có 26.438 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 333,83 tỷ USD.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 190,56 tỷ USD, chiếm 57% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 56,8 tỷ USD (chiếm 17% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 22,79 tỷ USD (chiếm 6,8% tổng vốn đầu tư).
Theo đối tác đầu tư, đã có 129 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 61,08 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư). Tiếp sau là Nhật Bản; Singapore và Đài Loan, Britishvirgin Islands, Hồng Kông.
Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm, nhiều dự án lớn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Việt Nam.
Xây siêu thành phố thông minh tỷ USD
Hồi đầu tháng 5 vừa qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã nhận được văn bản và hồ sơ đề nghị thực hiện dự án đầu tư thành phố thông minh của các nhà đầu tư Việt Nam – Nhật Bản.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo đó, dự án có quy mô 271,82 ha tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc huyện Đông Anh. Tổng vốn đầu tư đăng ký vào khoảng 94.348 tỷ đồng (tương đương 4,138 tỷ USD) do Sumitomo Corporation (Nhật Bản) Bản đầu tư.
Dự án là một khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại để ứng dụng công nghệ thông tin vào vận hành, quản lý khu đô thị xanh. Thành phố thông minh này sẽ có lõi chính là ga cuối của tuyến đường sắt đô thị số 2.
Các nhà đầu tư đề xuất thành lập 5 công ty để thực hiện 5 dự án thành phần, dự kiến khởi công vào năm 2018, kết thúc năm 2030 có thời gian hoạt động 50 năm. Dự án thành phần số một có quy mô hơn 73 ha, sẽ thực hiện từ năm 2018 đến 2030 với tổng vốn đầu tư gần 13.000 tỷ đồng. Bốn dự án thành phần còn lại sẽ lần lượt triển khai sau đó.
Đồ án quy hoạch chia tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài thành 3 đoạn (trải dài từ sân bay Nội Bài đến đê tả Hồng giao với cầu Nhật Tân) được công bố giữa năm 2016 với tổng chiều dài hơn 11 km, thuộc một phần địa giới 9 xã, thị trấn của huyện Đông Anh và 3 xã của huyện Sóc Sơn.
Dự án Nhà máy sản xuất polypropylene
Dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam, cấp phép ngày 30/5/2018 với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,201 tỷ USD do HYOSUNG CORPORATION (Hàn Quốc) đầu tư tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Dự án Công ty TNHH Laguna (Việt Nam)
Cuối tháng 4 vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao quyết định cấp phép nâng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD cho Dự án Tổ hợp Khu du lịch quốc tế Laguna Lăng Cô cho Công ty Laguna Singapore.
Dự án Khu du lịch Laguna Lăng Cô do Công ty TNHH Laguna Việt Nam thuộc Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) làm chủ đầu tư được Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2007 với tổng mức đầu tư 875 triệu USD.
Dự án nhà máy LG Innitek Hải Phòng
Dự án nhà máy LG Innitek Hải Phòng (Hàn Quốc), cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 01/9/2016 với mục tiêu Sản xuất mô đun Camera điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 501 triệu USD vào ngày 23/2/2018.
93 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài
Thông tin từ Cục đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch đầu tư cho biết, trong 8 tháng năm 2018, cả nước có 93 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam 271,46 triệu USD; có 22 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam tăng thêm 42 triệu USD.
Tính chung trong 8 tháng năm 2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 313,48 triệu USD.
Cũng theo Cục đầu tư nước ngoài, trong 8 tháng năm 2018, lĩnh vực tài chính ngân hàng dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105,77 triệu USD, chiếm 33,7% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đứng thứ hai với 63,84 triệu USD và chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư; công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ 3 với 45,87 triệu USD, chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư. Còn lại là các dự án thuộc các lĩnh vực khác.
Trong 8 tháng năm 2018, Việt Nam đã đầu tư sang 29 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Lào là địa bàn dẫn đầu với 95,19 triệu USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư. Australia xếp thứ 2 với 37,7 triệu USD, chiếm 12% tổng vốn đầu tư. Với 1 dự án có vốn đầu tư Việt Nam là 35,93 triệu USD, Slovakia xếp thứ 3 và chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Campuchia, Cuba, Myanmar.
 Nguồn -TT