Một số tiền lớn đọng tại Kho bạc Nhà nước, trong khi Chính phủ vẫn phải trả lãi huy động, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nghịch lý này trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2017.
Kiểm toán Nhà nước cho rằng Chính phủ cần kịp thời rà soát, xem xét phương án điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn ngoài nước năm 2016, 2017 để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội – Ảnh minh hoạ.
Nghịch lý, tréo ngoe cũng là điều được một số vị đại biểu Quốc hội nhấn mạnh về tình trạng của ngân sách, trong phiên thảo luận tổ sáng 24/10.
Nguy cơ hụt thu 3 năm liên tiếp
Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán từ đầu năm đến hết 9 tháng, Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh một số vấn đề nổi lên qua thu – chi ngân sách.
Về thu cả năm, Chính phủ ước vượt 27.320 tỷ đồng so với dự toán là thấp nhất so với kết quả thực hiện dự toán trong 3 năm gần đây (đều tăng từ 8,6% – 9,6%).
Bên cạnh đó, 13/48 địa phương dự kiến không đạt dự toán thu trên địa bàn, trong đó có Hà Nội ước đạt 92,03%, Tp.HCM 97,9%, Vĩnh Phúc 77,6%, Bình Dương 89,1%, Đồng Nai 89%, Ninh Thuận 84%…
Thu ngân sách 9 tháng mới đạt 69,5% dự toán, đạt thấp cả về tiến độ dự toán và tăng trưởng so với cùng kỳ 3 năm gần đây, trong đó một số khoản thu rất thấp như thu bán vốn đạt 16,7%.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại được cơ quan kiểm toán nhấn mạnh là tiến độ các khoản thu quan trọng từ hoạt động sản xuất kinh doanh, như thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước (đạt 60,1% dự toán), thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (đạt 66,3% dự toán), thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (đạt 60,1%)… hầu hết đều rất thấp so với cùng kỳ những năm trước.
Cụ thể, 9 tháng năm 2016, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 79,2% dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 73,9% dự toán.
Do đó, Chính phủ cần phân tích, làm rõ và báo cáo Quốc hội nguyên nhân, giải pháp nhằm hoàn thành dự toán thu theo dự kiến, Kiểm toán Nhà nước đề nghị.
Phân tích tiếp theo được nêu là về cơ cấu thu, toàn bộ số vượt thu ngân sách là từ vượt thu ngân sách địa phương. Thu ngân sách Trung ương 9 tháng mới đạt khoảng 63,2% dự toán, mặc dù cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (đạt 62% dự toán), song tiềm ẩn nguy cơ hụt thu năm thứ 3 liên tiếp (năm 2016 hụt thu 321 tỷ đồng, 2015 hụt thu 2.144 tỷ đồng).
Kiểm toán Nhà nước nhận định, nếu thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn theo tiến độ như 9 tháng đầu năm, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và bán vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn không đạt kế hoạch đề ra.
Cơ quan này cũng nhấn mạnh, việc ngân sách Trung ương năm 2017 có khả năng hụt thu là điều cần được lưu ý, do năm 2017 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020, khi điều chỉnh tỷ lệ điều tiết giữa các cấp ngân sách so với giai đoạn trước đã xác định trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo ngân sách Trung ương với vai trò chủ đạo theo điều 55 của Hiến pháp.
Kiểm toán Nhà nước cho rằng Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu để khắc phục, đảm bảo nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương.
Huy động cao, giải ngân thấp
Trong chi ngân sách, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra không ít hạn chế.
Theo báo cáo thì chất lượng công tác lập, xây dựng kế hoạch vốn năm 2017 được cho là còn hạn chế. Rồi kế hoạch vốn chi đầu tư năm 2017 còn bố trí vốn cho một số dự án không đáp ứng tiêu chí, nguyên tắc đã được Chính phủ quyết định.
Một số bộ, ngành vẫn có những dự án không đủ điều kiện giao kế hoạch năm 2017 trong khi không có nhu cầu điều chuyển nội bộ, dẫn đến phải điều chỉnh kế hoạch vốn.
Kết quả kiểm toán tại một số bộ, cơ quan trung ương 9 tháng đầu năm 2017 cho thấy Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, rà soát, trình phê duyệt phương án cắt giảm 10% tổng mức đầu tư đối với một số dự án đã hoàn thành hoặc dự kiến hoàn thành trước 31/12/2017 theo Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ là không phù hợp, có thể dẫn tới phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, báo cáo nêu rõ.
Hạn chế nữa là việc phân bổ, giao kế hoạch vốn chậm.
Đến ngày 21/8/2017, kế hoạch vốn năm 2017 chưa được giao còn khoảng 47.800 tỷ đồng (trong đó riêng vốn trái phiếu Chính phủ chưa giao khoảng 44.800 tỷ đồng/50.000 tỷ đồng kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ).
Đó là chưa kể kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2016 cũng còn 10.159 tỷ đồng chưa được phân giao (trên tổng số 16.458 tỷ đồng kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2016 chưa phân bổ, chuyển nguồn sang năm 2017).
Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, việc chậm phân giao vốn đầu tư, nhất là vốn trái phiếu Chính phủ dễ dẫn đến lãng phí ngân sách do phải trả lãi huy động, gia tăng chi phí đầu tư xã hội khi nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ ứng trước vốn đầu tư chưa thu hồi còn lớn, nhu cầu bố trí chi đầu tư phát triển cao.
Lưu ý nữa là tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng thấp. 9 tháng đầu năm ước thực hiện chi từ nguồn ngân sách Nhà nước chỉ đạt 53,1% dự toán, thấp nhất so với cùng kỳ 2 năm gần nhất (năm 2015 là 64,8% và năm 2016 là 54,5%).
Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ đạt rất thấp, chỉ đạt khoảng 7% dự toán, trong khi đó tỷ lệ huy động vốn này cao (đến hết tháng 9/2017 đã thực hiện phát hành 148,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 80,8% tổng khối lượng phát hành dự kiến 183,3 nghìn tỷ đồng, lãi suất bình quân khoảng 6,1%/năm).
Điều đó cho thấy một số tiền dư lớn đọng tại Kho bạc Nhà nước trong khi Chính phủ vẫn phải trả lãi huy động. Việc chậm giải ngân tác động tiêu cực tới tăng trưởng, đồng thời gây lãng phí nguồn vốn huy động trái phiếu Chính phủ, hiệu quả sử dụng vốn ngân sách không cao.
Ở chiều ngược lại, kế hoạch vốn nước ngoài có thể vượt dự toán cả năm (60.000 tỷ đồng), tuy giải ngân trong 6 tháng đầu năm chỉ là 30,6% kế hoạch.
Chẳng hạn, dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên, vốn ODA của nhà tài trợ có nhưng không thể giải ngân, có lý do vì trần bội chi và trần nợ công.
Cần cân nhắc điều chỉnh
Kiểm toán Nhà nước cho rằng Chính phủ cần kịp thời rà soát, xem xét phương án điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn ngoài nước năm 2016, 2017 để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Quan điểm của Kiểm toán Nhà nước là trong điều kiện vốn trái phiếu Chính phủ chậm phân bổ và chậm giải ngân, Chính phủ cân nhắc nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng kế hoạch vốn ngoài nước gắn với điều chỉnh giảm kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ để đảm bảo bội chi.
Song Kiểm toán Nhà nước lưu ý Chính phủ, việc điều chỉnh cần tính tới mức vốn (vốn ngoài nước, vốn trái phiếu Chính phủ) theo kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội phê duyệt.
Nguồn VnEconomy-TT