Tiếp theo thành công của Hội nghị năm 2016, sáng 25/6, Hội nghị “Hà Nội 2017 – Hợp tác đầu tư và phát triển” đã diễn ra với quy mô lớn theo chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp với sự tham dự của hơn 800 đại biểu là các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nếu như ở Hội nghị năm ngoái đã cấp vốn đầu tư ngoài ngân sách trên 290 nghìn tỷ đồng thì tại Hội nghị lần này, Hà Nội đã quyết định chủ trương đầu tư cho 48 dự án với tổng vốn trên 74,37 nghìn tỷ đồng, ký kết 15 Bản ghi nhớ hợp tác trị giá gần 135 nghìn tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị: Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải.
Dự hội nghị còn có Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố thuộc các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Quốc hội, Ban, bộ, ngành, thành phố Hà Nội dự Hội nghị “Hà Nội 2017 – Hợp tác đầu tư và phát triển”. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).
Hợp tác để cùng phát triển
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, năm 2016, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào thành phố với số vốn rất ấn tượng. Song, trước những yêu cầu, đòi hỏi của thời kỳ phát triển mới, cùng với những đô thị lớn khác trên thế giới, Hà Nội đang đứng trước những thách thức rất lớn cần phải giải quyết để đáp ứng mong mỏi của người dân và cộng đồng doanh nghiệp như áp lực gia tăng dân số; quá tải cơ sở hạ tầng, dịch vụ công thiết yếu; ô nhiễm môi trường…
Lãnh đạo Hà Nội xác định “chìa khóa cho bài toán siêu đô thị” chính là “đồng hành cùng doanh nghiệp,” “hợp tác đầu tư và phát triển,” coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Hà Nội mong muốn thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, theo hình thức PPP, thu hút đầu tư nước ngoài.
Cụ thể là các dự án về cơ sở hạ tầng, các dự án nước sạch, xử lý nước thải, rác thải, các khu công nghiệp, các công viên cây xanh; các hạ tầng y tế, giáo dục… Tổng vốn đầu tư cho các dự án này dự kiến lên tới 1,1 triệu tỷ đồng.
Vượt qua nỗi ám ảnh “Hà Nội không vội được đâu”
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mở đầu bằng phần tham luận tại hội nghị về các biện pháp hỗ trợ thành phố tăng tính cạnh tranh, hội nhập và phát triển.
Theo Bộ trưởng, cần di dời nhanh một số cơ sở của Nhà nước ra khỏi trung tâm nhằm giảm áp lực quá tải về hạ tầng ở khu vực trung tâm, tạo không gian phát triển thương mại và dịch vụ, tạo cơ hội để phát triển các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian thành phố, sử dụng hiệu quả quỹ đất ở các khu vực vùng ven còn chưa phát triển; đồng thời nghiên cứu các giải pháp đồng bộ để chống ùn tắc giao thông, đặc biệt là các chính sách về quản lý dân cư và phương tiện giao thông cá nhân.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phản ánh nhận định của doanh nghiệp dành cho Hà Nội đó là thời gian qua, Hà Nội đã “nhanh chân” hơn trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là đã vượt qua được nỗi ám ảnh “Hà Nội không vội được đâu”.
Cùng quan điểm này, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội Trần Anh Vương kiến nghị, Hà Nội phải đi đầu, tiên phong cả nước về phong trào khởi nghiệp, trong đó, thành phố cần chú trọng đào tạo lực lượng doanh nhân, bao gồm doanh nhân trẻ trước khi khởi nghiệp và cả các doanh nhân hiện nay.
“Chính phủ kiến tạo” đang lan tỏa tại Hà Nội
Sau các ý kiến tham luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng, đánh giá cao sự chuẩn bị tốt của Hà Nội cho Hội nghị này với nhiều đổi mới, lắng nghe ý kiến nhiều chiều hơn.
Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu.
“Chúng ta đến đây để hiểu về Hà Nội, đóng góp xây dựng Thủ đô ngàn năm văn hiến. Những ý tưởng hết sức tốt đẹp, những góp ý hết sức chân thành sẽ được Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu để từng bước chuyển hóa thành hành động,” Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng cho biết, tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động thời gian qua đã nhận được sự ủng hộ tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và đang từng bước lan tỏa cụ thể và chắn chắn tại Hà Nội.
Biểu dương mọi nỗ lực một năm qua của tập thể lãnh đạo, cá nhân lãnh đạo của Hà Nội, Thủ tướng chia sẻ tâm sự của một doanh nghiệp đánh giá cao hành động quyết đoán, dứt khoát và trách nhiệm của một lãnh đạo của Hà Nội trong việc giải quyết yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp chỉ trong vòng một ngày qua tin nhắn.
“Đó chính là hành động kiến tạo của lãnh đạo địa phương. Qua ví dụ này tôi muốn nhấn mạnh rằng mọi bộ máy cơ sở phải chuyển động, nhạy bén, kịp thời, sâu sắc các quyết sách của cấp Chính phủ và Trung ương. Điều mà nhân dân mong mỏi, doanh nghiệp mong đợi, đó là sự chuyển biến cả hệ thống từ cấp Trung ương đến xã, phường, quận, huyện,” Thủ tướng nêu rõ.
Nhấn mạnh lại vị trí và vai trò chiến lược của Hà Nội, Thủ tướng khẳng định, Hà Nội là nơi “đất lành chim đậu,” tích tụ nhiều nét di sản thiêng liêng, tiềm ẩn sức mạnh văn hóa, trí thức và bản sắc độc đáo, cũng là nơi khởi nghiệp của nhiều tinh hoa trong nước và quốc tế.
Chính những nguồn lực đó đã giúp Hà Nội thay đổi, phát triển tốt hơn, hiện đại hơn, giúp Hà Nội trở thành động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến trình phát triển hội nhập toàn cầu hóa của cả nước, lan tỏa ra các địa phương khác lân cận.
Tăng trưởng kinh tế của Hà Nội 20 năm qua đạt bình quân gần 9,5%/năm, quy mô nền kinh tế của Hà Nội so với cả nước từ chỗ chỉ chiếm 8,2% cách đây 20 năm nay đã tăng lên 13,6%, đóng góp hơn 0,91% vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% của cả nước; đóng góp hơn 16,5% ngân sách hàng năm của cả nước.
Phân tích cơ cấu thu hút đầu tư của Thủ đô, Thủ tướng chỉ rõ: Nhu cầu của Hà Nội về hạ tầng giao thông nếu 100% thì ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng được 20%, nhưng Hà Nội đã huy động theo hướng xã hội hóa, tư nhân đầu tư đến 80%. Đây là một hướng đi rất đúng.
Trong 52 dự án trọng điểm của thành phố, riêng dự án hạ tầng giao thông đô thị có tới 38 dự án, mức đầu tư tới 452 nghìn tỷ đồng cho thấy Hà Nội là địa phương có cơ sở hạ tầng được đầu tư thuộc nhóm tốt nhất cả nước. Nếu các dự án này được làm tốt bằng xã hội hóa nguồn lực, thì Hà Nội sẽ là nơi có hạ tầng giao thông tốt nhất của nước ta.
Thủ tướng gợi ý, để thu hút được nhiều nhà đầu tư, lôi cuốn những ý tưởng xuất sắc và tầng lớp tinh hoa đến với Hà Nội, chính quyền thành phố cần hành động hiệu quả mỗi ngày, có phương thức kết nối đồng hành, động viên toàn diện sự tham gia sâu sắc của người dân và doanh nghiệp trong nước và quốc tế thực hiện mục tiêu về một Hà Nội xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, bản sắc, hướng tới một thành phố toàn cầu, một Thủ đô có vị trí nổi bật trong lòng cộng đồng ASEAN và rộng hơn.
Thủ tướng mong chính quyền thành phố phát triển đô thị đồng bộ tương thích với hạ tầng xã hội, thông qua tăng cường hợp tác, liên kết; xóa bỏ sự mạnh mún và dàn trải trong chính sách phát triển, đề cao nguyên tắc tối ưu hóa các chi phí; đẩy mạnh phân công sản xuất theo chuỗi giá trị liên vùng, liên kết với các chuỗi giá trị quốc gia và quốc tế.
Tại hội nghị, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã trao 15 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hưởng ứng lời kêu gọi của thành phố Hà Nội, đông đảo doanh nghiệp đã cam kết tài trợ an sinh xã hội, hỗ trợ và nâng cao chất lượng sống cho các khu vực còn khó khăn.
Thành phố cũng đã trao 48 quyết định chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 74.000 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 4 doanh nghiệp và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 1 doanh nghiệp nhằm ghi nhận thành tích xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước và có nhiều đóng góp trong lĩnh vực an sinh xã hội của thành phố Hà Nội./.
Nguồn TTXVN/VIETNAM+TT