Tính toán của Tổng cục Hải quan cho thấy cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 4/2021 có mức thặng dư trị giá 1,52 tỷ USD.
Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan vừa công bố, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng đạt 54,32 tỷ USD, giảm 6,5% so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 26,55 tỷ USD, giảm 10,5% so với tháng trước (tương ứng giảm 3,1 tỷ USD); nhập khẩu đạt 27,77 tỷ USD, giảm 2,4% (tương ứng giảm 682 triệu USD).
Trong 4 tháng/2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 208,25 tỷ USD, tăng 30,7% với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 104,94 tỷ USD, tăng 29,6%, tương ứng tăng 23,94 tỷ USD và nhập khẩu đạt 103,31 tỷ USD, tăng 31,8%, tương ứng tăng 24,92 tỷ USD.
Trong tháng, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1,22 tỷ USD. Tính trong 4 tháng/2021, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư 1,63 tỷ USD.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng đạt 37,29 tỷ USD, giảm 7% so với tháng trước, đưa trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong 4 tháng/2021 đạt 145,97 tỷ USD, tăng 34,8%, tương ứng tăng 37,67 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng này đạt 19,41 tỷ USD, giảm 11,5% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu của khối này trong 4 tháng/2021 lên 78,35 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 4/2021 đạt 17,88 tỷ USD, giảm nhẹ 1,6% so với tháng trước, đưa trị giá nhập khẩu của khối này trong 4 tháng/2021 đạt 67,61 tỷ USD, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính toán của Tổng cục Hải quan cho thấy cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 4/2021 có mức thặng dư trị giá 1,52 tỷ USD, đưa cán cân thương mại trong 4 tháng/2021 lên mức thặng dư trị giá 10,74 tỷ USD.
Như vậy, trong mức tăng trưởng chung, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt tăng trưởng xuất khẩu.
Nhìn tổng thể, đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, sau quý đầu năm, từ nay đến cuối năm, nhiều khả năng nước ta sẽ về đích 600 tỷ USD cho tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021. Đại diện Bộ Công Thương chia sẻ, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKFTA…sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh như gạo, cà phê, chè, cao su, hạt tiêu…sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị và kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu hiện vẫn phải đổi diện với nhiều rào cản như việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm… Bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.
Ngoài ra, xuất khẩu đóng góp nhiều cho tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đem lại ngoại tệ cho Việt Nam, nhưng theo TS Nguyễn Trí Hiếu xuất khẩu là từ các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Điều đó cho thấy Việt Nam chưa tận dụng được những lợi thế của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khi chưa được chuyển giao công nghệ. TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp FDI trốn thuế qua hành vi chuyển giá bất hợp pháp. Nếu quá lệ thuộc vào các doanh nghiệp FDI, sự lệ thuộc này tạo rủi ro lớn cho kinh tế Việt Nam, khi mà Việt Nam không kiểm soát được các chiến lược và kế hoạch kinh doanh của các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.