6 tháng đầu năm 2018, nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng với GDP cả nước ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhỏ và vừa, vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, số lượng các DN giải thể không giảm.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn về vốn, công nghệ sản xuất… để phát triển. Ảnh: Cao Thăng
Chiếm dụng vốn ngày càng trầm trọng
Gặp chúng tôi trong một cuộc họp, ông T.T.M., giám đốc một công ty chuyên đầu tư về hạ tầng viễn thông (đề nghị giấu tên), kể doanh thu 6 tháng đầu năm 2018 bị sụt giảm hơn 50% so với cùng kỳ, cùng với đó là tiến độ đầu tư các dự án cũng rất chậm trong khi các thiết bị nhập về vẫn phải nằm trong kho, khiến cho DN đã khó càng thêm khó.
Theo ông M., từ nhiều năm qua, công ty đã trở thành đối tác đi đầu tư, thi công hạ tầng cho các nhà mạng lớn là Vinaphone, Mobifone, Viettel… lắp đặt thiết bị thu phát sóng trong các tòa nhà, thì cũng chừng đó năm ông M. phải chịu sự lấn lướt của các tập đoàn này. Có năm thì họ thanh toán chậm, có năm thì ép giảm giá trị hợp đồng, nhưng 2 năm gần đây thì dường như họ muốn sử dụng “chùa” các trạm của công ty. “Thậm chí, có những trạm họ đặt thiết bị đã 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa có ý định thanh toán cho chúng tôi”, ông M. ngán ngẩm nói. Nghị quyết số 10-NQ/TW “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế, xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng. Nhưng trên thực tế, DN nhỏ và vừa nói chung, kinh tế tư nhân nói riêng, vẫn chịu nhiều thua thiệt. Nguyên nhân chính là môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng. Tình trạng DN lớn ép DN nhỏ thông qua nhiều cách khác nhau đang diễn ra khá phổ biến. Nói cách khác, DN lớn chưa thực sự làm đầu tàu, làm chỗ dựa cho DN nhỏ và vừa. Tình trạng này nếu kéo dài, chúng ta sẽ rất khó có được một đội ngũ DN thực sự lớn mạnh.
Tương tự, một DN chuyên sản xuất ba lô, cặp xách học sinh cũng cho rằng 2 năm gần đây, việc bán hàng vào các hệ thống phân phối hiện đại gần như không có lời vì tỷ lệ chiết khấu nâng lên mức rất cao, thời gian thanh toán cũng lâu hơn, hoặc phải đưa hàng vào theo dạng ký gửi. Để ổn định sản xuất, DN buộc phải tìm mọi cách phát triển thêm nhiều điểm bán mới nhằm đa dạng kênh phân phối. Cũng có không ít DN, mặc dù doanh thu có tăng nhưng lợi nhuận lại giảm vì nhiều lý do.
Cần chính sách nuôi dưỡng DN
Theo số liệu khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới gần 70% DN kinh doanh không có lãi trong 6 tháng đầu năm. Tương tự, số liệu của Tổng cục Thống kê trong cùng thời gian cũng rất đáng lo ngại, cả nước có hơn 59.400 DN tạm ngừng hoạt động và phá sản. Cụ thể: số DN tạm ngừng hoạt động là 52.800, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước; số DN hoàn tất thủ tục giải thể là 6.600, tăng 21,8%, trong số đó có 6.000 DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,3% và tăng 20,6%. Một số ý kiến lo ngại, số DN phá sản có số vốn 10 tỷ đồng trở xuống tăng cao, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển. Nếu so sánh về số DN phá sản, ngừng hoạt động, với số DN thành lập mới và quay lại hoạt động thì sẽ thấy rõ sự chênh lệch. Cụ thể, số DN thành lập mới 6 tháng qua chỉ tăng 5,3% và tăng gần 9% về số vốn; số DN tạm ngừng hoạt động quay trở lại chỉ tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, số DN mới thành lập và quay lại hoạt động không đạt tỷ lệ 10% trên tổng số. Những con số này phản ánh tình hình kinh tế của khu vực DN tư nhân đang gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Tại diễn đàn Phát triển DN năm 2018 tổ chức vào trung tuần tháng 6-2018, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhận định việc cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển DN là một điểm mạnh của Việt Nam khi cam kết chính trị đã có ở mức cao nhất, đây là yếu tố tiên quyết bảo đảm cho cải cách thành công. Đồng thời, những giải pháp thể hiện các nghị quyết và chương trình hành động cũng rất toàn diện, đầy đủ và cụ thể. Tuy nhiên, việc cải cách “thành hay bại” vẫn là chuyện cần bàn. Theo ông Hiếu, tháng 8-2017, tại Nghị quyết 98, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành cắt giảm, bãi bỏ từ 1/3 – 1/2 số điều kiện kinh doanh đang quản lý. Nhưng đến tháng 1-2018, mới chỉ có Bộ Công thương hoàn thành lần thứ nhất.
Đến tháng 6-2018, tức gần 1 năm sau, các bộ mới vẫn chỉ trong quá trình rà soát, xây dựng phương án. “Hiện chúng ta đang theo một lối mòn coi cải cách là xóa bỏ rào cản, nhưng ở nhiều quốc gia, thực hiện cải cách là nhằm tạo ra các yếu tố thúc đẩy phát triển, không đơn thuần chỉ là dẹp bỏ rào cản cho DN. Việc cải cách môi trường kinh doanh mới đang tập trung ở 2 việc: Xóa bỏ những gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật và cắt giảm điều kiện kinh doanh. Nhưng còn một loạt yếu tố quan trọng liên quan mật thiết đến sự phát triển của DN như rủi ro pháp lý, sự an toàn trong kinh doanh, đặc biệt là bảo vệ quyền tài sản và sở hữu trí tuệ hay xây dựng chính sách cạnh tranh… thì vẫn chưa có chủ trương cụ thể, rõ nét”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, để xây dựng đội ngũ DN lớn mạnh, rất cần một môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng giữa các DN, cũng như các chính sách ưu đãi về thuế, mặt bằng, vốn để nuôi dưỡng DN nhỏ và vừa. Nói cách khác, cơ quan nhà nước phải làm tròn vai trò “bà đỡ”, thông qua các cơ chế, chính sách phù hợp và đi vào cuộc sống, còn các DN lớn phải là vai trò đầu tàu, từ đó tạo dựng được một đội ngũ doanh nhân có tâm, có tầm, không vì lợi ích ngắn hạn của riêng mình mà phá lợi ích chung của cộng đồng, khi đó đất nước mới thực sự giàu mạnh.