Sau du lịch, hàng không điêu đứng, dệt may, da giày, điện tử… cũng đang gồng mình với virus corona, khẩn chờ các gói giải cứu từ Chính phủ.
Chị Minh (Đống Đa, Hà Nội) vừa gọi điện hủy 3 phòng khách sạn tại Đà Lạt nơi chị cùng nhóm bạn dự định sẽ đi vào cuối tuần này. Dịch nCoV khiến kế hoạch lùi vô thời hạn.
Chị chỉ là một trong 10.000 khách đã hủy phòng loại 3-5 sao ở Đà Lạt trong tháng 2, theo số liệu mới nhất của Sở Văn hóa Thể thao & Du Lịch Lâm Đồng. Số này cũng chưa tính đủ các loại phòng bị hủy ở những khách sạn từ 1-2 sao, homestay, khách sạn và nhà nghỉ bình dân… Không riêng Đà Lạt, hàng loạt điểm du lịch khác, đặc biệt Nha Trang – nơi phụ thuộc nhiều khách Trung Quốc – cũng đang gồng mình với dịch nCoV.
Lưu trú – khách sạn chỉ là một góc nhỏ trong nhiều hoạt động của ngành công nghiệp không khói.
Doanh nghiệp vận tải, các đơn vị kinh doanh tại các điểm du lịch cũng chịu cảnh tương tự. Trong tháng Giêng, mỗi chiếc xe loại 16 và 29 chỗ của Công ty Nguyên Phát thường hoạt động hết công suất, mang về doanh thu vài triệu mỗi ngày thì nay nằm đắp chiếu trong bãi đỗ, nhân viên ngồi chơi. Các hợp đồng thường xuyên là đưa đón học sinh cũng chưa có doanh thu do các trường vẫn nghỉ học. Trong khi đó chi phí vận hành mỗi tháng không dưới nửa tỷ đồng.
Theo tính toán bước đầu của Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB), ngành du lịch, trong quý I có thể thiệt hại 7 tỷ USD và nếu kéo dài tới quý II, mức độ thiệt hại có thể vượt 15 tỷ USD.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch TAB và cũng đang là HĐQT Tập đoàn Thiên Minh còn đánh giá, một số ngành, nghề có thể bị ảnh hưởng từ 6-12 tháng với mức tổn thất lớn.
Hàng không cũng là ngành bị ảnh hưởng lập tức bởi nCoV. Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành nói việc tạm dừng các chuyến bay của hãng đến/đi từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 70.000 du khách di chuyển mỗi tháng giữa hai quốc gia, chưa kể khách nối chuyến qua Trung Quốc. Chưa kể, để phòng ngừa dịch, hãng phải thay đổi rất nhiều quy trình, dịch vụ từ mặt đất đến trên không, gây tốn kém chi phí.
“Nếu thị trường phục hồi vào tháng 7/2020, tổng thiệt hại tài chính do virus corona có thể gây ra cho hãng lên tới 196 triệu USD”, ông Thành giả định.
Nhiều ngành nghề khác như dệt may, da giày, điện tử, nội thất… có nguyên liệu phụ thuộc thị trường Trung Quốc cũng sắp cạn nguyên liệu. Lãnh đạo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, nhiều doanh nghiệp dệt may “chỉ đủ nguyên liệu cơ bản sản xuất trong một tháng nữa” và nguy cơ bị đình trệ sản xuất nếu không có nguồn thay thế.
Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Công ty May Hưng Yên nói chỉ cầm cự được nguyên liệu đến cuối tháng 2. Lượng nguyên liệu thiếu hụt cho sản xuất tương đương nửa tháng chạy máy. Và nửa tháng đó, người lao động vẫn đi làm nhưng không ra sản phẩm, ông vẫn phải trả lương, bảo hiểm xã hội. Chưa kể, nếu không kịp giao hàng còn có thể bị đối tác hủy. Ông Dương ước tính, tổng mức thiệt hại có thể lên tới hàng chục triệu USD.
Một nhà máy dệt may tại Thái Nguyên. Ảnh: Ngọc Thành
“Có những khách hàng họ chỉ đồng ý gia hạn thêm một tuần, nếu hàng trễ hẹn 3 tuần là họ không nhận nữa. Lúc đó chỉ còn cách xếp hàng vào kho”, ông Dương nêu thách thức.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cảnh báo nếu sau tháng 3, doanh nghiệp trong ngành vẫn thiếu nguyên liệu thì nhiều đơn vị sẽ nguy cơ đóng cửa, người lao động mất việc.
“Ông lớn” FDI cũng lo đình trệ sản xuất, kinh doanh trong ngắn hạn. Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư gửi Chính phủ, LG sẽ không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh nếu dịch nCoV không được ngăn trong vòng 2 tuần tới. Hàng trăm container nhập khẩu nguyên liệu đang bị ách tắc tại Cửa khẩu Lạng Sơn, nếu không được thông quan có thể giảm tới 50% doanh số của Samsung trong năm 2020. Còn Formosa cho hay, không thể nhập khẩu nguyên liệu thép từ Trung Quốc và việc hàng nghìn lao động Trung Quốc làm việc tại dự án Formosa phải sau ngày 15/2 mới được phép nhập cảnh vào Việt Nam đang ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này.
Trước tình huống cấp bách này, các hiệp hội và nhiều doanh nghiệp cho biết họ cần được “cấp cứu” khẩn từ Chính phủ. Dự kiến hôm nay (12/2), Chính phủ sẽ có cuộc họp để bàn phương án hỗ trợ các doanh nghiệp.
Theo khảo sát nhanh của Ban IV các doanh nghiệp kỳ vọng cơ quan quản lý hỗ trợ để duy trì dòng tiền kinh doanh, tái cơ cấu nợ, mở rộng thị trường. Trong đó, một số biện pháp cần là các gói kích cầu như giảm thuế, cho phép chậm trả hoặc không phạt đối với các doanh nghiệp chưa nộp thuế sau dịch khoảng 12 tháng. Cùng với đó là các biện pháp giãn nợ, tái cấu trúc nợ, ưu đãi vay…
Hiện Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã xây dựng dự thảo kịch bản ứng phó với những tác động của dịch nCoV tới nền kinh tế Việt Nam và sẽ báo cáo Chính phủ vào ngày 12/2. Trong đó, các giải pháp được ưu tiên bao gồm tái cơ cấu, giãn nợ, miễn – giảm thuế, hỗ trợ lao động và doanh nghiệp khi dừng sản xuất…
Theo tính toán của lãnh đạo bộ này, trong tháng 2 hiện chưa nảy sinh các vấn đề lớn, song nếu kéo sang tháng 3/2020, mức độ ảnh hưởng sẽ phức tạp từ góc độ sản xuất, người lao động cho đến thu ngân sách…
Nguồn VnExpress-TT