VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Doanh nghiệp Việt, làm sao để lớn?

Sau hơn 30 năm đổi mới Việt Nam mới có rất ít doanh nghiệp lớn, 97% vẫn là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ…

Hội trường chật kín chỗ ngồi từ 14h đến hơn 18h.

Thành bại đều do khách hàng, khách hàng bỏ mình là mình chết, khi đó đối thủ cạnh tranh chả làm gì mình thì mình cũng chết, Tổng giám đốc (CEO) của Thế giới di động, doanh nhân Nguyễn Đức Tài đã chia sẻ như vậy tại diễn đàn “Doanh nghiệp Việt, làm sao để lớn?”, vừa được Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng tổ chức.
Diễn đàn thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nhân không của riêng thành phố sông Hàn.
Hai vị diễn giả chính tại diễn đàn là CEO của Thế giới di động và U&I Group, cùng tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, cùng được coi là ông chủ thành đạt của những doanh nghiệp lớn.
Doanh nhân Mai Hữu Tín, Chủ tịch U&I Group đang đầu tư tại 56 công ty còn doanh nhân Nguyễn Đức Tài đang sở hữu chuỗi 2.400 cửa hàng Thế giới di động.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng nhắc đến một điều trăn trở, đó là sau hơn 30 năm đổi mới Việt Nam mới có rất ít doanh nghiệp lớn, 97% vẫn là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Ông Hùng cho rằng, cũng chỉ có doanh nhân Việt mới đủ cởi mở, cởi lòng chia sẻ kinh nghiệm để các doanh nghiệp khác cùng phát triển, cùng lớn.
Trước hàng trăm doanh nhân mà đa số là ít hơn cả về tuổi đời và cả trải nghiệm thương trường, hai vị diễn giả không đề cập doanh nghiệp thế nào là lớn và làm sao để lớn bằng những định nghĩa hay những rao giảng lý thuyết khô khan.
Sau phần chia sẻ quan điểm và trải nghiệm cá nhân khá ngắn gọn, thời gian được dành để các vị diễn giả hồi âm các câu hỏi, và các vị doanh nhân khác không chỉ muốn nghe về những thành công, mà cả những thất bại.
Ông Tín nói, đã làm nhiều thì sai nhiều, sai nhất vẫn là đánh giá sai con người, “chúng tôi có thể mua doanh nghiệp nào đó với niềm tin lãnh đạo ở đó có tâm có tầm, có thể cùng mình thực hiện những dự định ban đầu nhưng sau đó mới phát hiện không phải thế thì thoát được sẽ vô cùng khó khăn. Và hiện tại vẫn sai, chắc không bao giờ hết sai, cái sai lớn nhất là tin người sai, thất bại ở gần 20 công ty của chúng tôi đều do nguyên nhân đánh giá sai về con người”.
Nhưng, Chủ tịch U&I cũng cho biết một trong những bí quyết thành công là văn hoá chia sẻ, quản trị bằng yêu thương và đó cũng là lý do để ông chọn tên cho công ty của mình ngay từ khi thành lập là U&I.
Với ông chủ lớn của Thế giới di động, một doanh nhân khác cũng từng kinh doanh trong lĩnh vực này và đã nhanh chóng thất bại, nêu câu hỏi về lý do thành công khi mà lĩnh vực này có những đối thủ rất đáng gớm.
CEO Nguyễn Đức Tài nhấn mạnh rằng thành bại là do khách hàng chứ đối thủ cạnh tranh chả quan trọng gì cả.
Ông Tài trao đổi, khách hàng bỏ mình là mình chết, thế nên làm mọi thứ luôn nghe theo khách hàng.
Vị doanh nhân này kể, cái thời mới lập nghiệp, khi mà đến nhiều nơi luôn có hai cô gái xinh đẹp áo dài thướt tha mở cửa cho khách hàng khiến ông còn thấy thiếu tự tin thì ông “cấm” nhân viên của Thế giới di động không được đi theo mà để khách hàng thoải mái xem xét ở cửa hàng. Sau này, khi mà khách hàng phàn nàn rằng sao tôi đến Thế giới di động đến chả có nhân viên nào hỏi tôi cần gì thì khách đến cửa đã có người hỗ trợ nhiệt tình.
Ở Thế giới di động không có nhân viên bảo vệ đơn thuần như nhiều nơi khác mà bảo vệ chính là người đầu tiên tiếp đón khách hàng, họ hiểu rằng khách hàng chính là người đem đến cho họ thu nhập, niềm vui chứ không phải đem đến sự mệt mỏi nên bất cứ giờ nào họ cũng đón tiếp khách hàng niềm nở, họ có thể cầm cái vé giữ xe bằng hai tay đưa cho khách hàng chỉ bằng tuổi con mình, ông Tài trao đổi.
Tất nhiên, doanh nhân Đức Tài cũng từng nếm trải thất bại. Và ông cũng đồng tình với vị CEO của U&I về nguyên nhân đến từ đánh giá con người sai. Vì thế khi đã chọn được người năng động, tâm huyết thì ông luôn đối xử với họ không như người làm công ăn lương bình thường mà đưa cho họ một niềm tin vào tương lai của họ khi họ gắn bó lâu dài với công ty.
Những chia sẻ của doanh nhân Đức Tài nhận được những tiếng vỗ tay kéo dài, trao đổi của doanh nhân Hữu Tín cũng nhận được sự tán đồng ngay lập tức.
Doanh nhân Trương Phước Ánh, một người cũng có rất nhiều trải nghiệm thương trường nói, ông rất tâm đắc với những điều được Chủ tịch U&I đúc kết, từ quan điểm thứ duy nhất mình có thể kiểm soát được chắc chắn là tư duy, sự khác biệt giữa người này và người khác là tư duy, cho đến những triết lý khác về cuộc đời.
Có được sự bình an để chấp nhận những gì không thể thay đổi, lòng can đảm để thay đổi những gì có thể và trí khôn để phân biệt được sự khác nhau, tôi thích nhất thông điệp này trong phần trao đổi của ông Tín, doanh nhân Trương Phước Ánh chia sẻ.
Chúng ta không nghe thấy các con số doanh thu lợi nhuận hay số tiền đầu tư khủng, chính “Đức Tài” và “Hữu Tín” là cảm nhận rõ nhất cho câu hỏi được nêu tại chủ đề của diễn đàn hôm nay, Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng Lê Trí Hải chia sẻ sau khi kết thúc diễn đàn.

Nguồn VnEconomy-TT