VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Doanh nghiệp Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để thâm nhập vào thị trường EU

 – Được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, sau 6 năm, quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã khép lại và mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng EU, với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD.
Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng
Trả lời câu hỏi của PV về những lợi ích cho Việt Nam khi ký kết EVFTA, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, EU là một trong những đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 đạt 55,8 tỷ USD (trong đó xuất khẩu đạt 41,9 tỷ USD, nhập khẩu đạt 13,9  tỷ USD). Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.
Được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, sau 6 năm, quá trình đàm phán EVFTA đã khép lại và mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD.
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019 – 2023); 4,57 – 5,30% (năm 2024 – 2028) và 7,07 – 7,72% (năm 2029 – 2033).
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng EU
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng EU
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, gần như toàn bộ 100% biểu thuế và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (tối đa là 7 năm). Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết.
Cụ thể, đối với các mặt hàng nông sản, các nước châu Âu sẽ cắt giảm thuế quan về 0% lần lượt năm đầu tiên và sau 10 năm là 74,6% và 97,3% số dòng thuế nông nghiệp cam kết. Nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như các sản phẩm từ hạt… Đối với mặt hàng rau củ quả, EU cũng cam kết xóa bỏ thuế khi EVFTA có hiệu lực. Đối với thuỷ sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xoá bỏ, 50% dòng thuế còn lại cũng sẽ được xoá bỏ trong lộ trình 5 – 7 năm.
Với các cam kết trên, Hiệp định EVFTA giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho  những sản phẩm mà ta có thế mạnh như nông sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau, củ, quả, v.v) và thủy sản, tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam tiếp cận với thị trường 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu với hơn 500 triệu dân. Từ đó, nông sản Việt Nam có thể mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á.
Sức ép cạnh tranh là vấn đề đầu tiên đối với nền kinh tế 
Bên cạnh những cơ hội lớn, người đứng đầu Bộ Công Thương cũng cho rằng, Hiệp định EVFTA cũng tạo ra một số thách thức mà doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt khi Hiệp định chính thức có hiệu lực.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, sức ép cạnh tranh là vấn đề đầu tiên đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, cạnh tranh luôn có tính hai mặt rõ ràng. Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các doanh nghiệp yếu kém, nhất là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu. Mặt khác, cạnh tranh mang lại động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
Thứ hai, các cam kết nhiều lĩnh vực mới trong Hiệp định EVFTA cũng đặt ra yêu cầu điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật. Trong thời gian qua, Quốc hội đã chủ động đưa ra lộ trình sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Bộ Luật Lao động, Luật Sở hữu trí tuệ… Đây chính là các bước đi chủ động để chuẩn bị cho quá trình hội nhập, trong đó có việc thực hiện Hiệp định EVFTA.
Cuối cùng, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, thị trường EU là một trong những thị trường có đòi hỏi cao nhất trên thế giới. Việc bước qua được các rào cản thuế quan không có nghĩa là hàng hóa và dịch vụ của ta sẽ được thị trường EU chấp nhận. EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó. Chính vì vậy, doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước của ta phải không ngừng vươn lên thì mới có thể vượt qua được các thách thức, khai thác được các cơ hội do Hiệp định EVFTA đem lại.
Theo quy định của mỗi bên, Hiệp định EVFTA sẽ cần phải được Quốc hội phê chuẩn thì mới chính thức có hiệu lực, đi vào thực thi. Do vậy, trước mắt chúng ta vẫn còn phải trải qua một chặng đường nữa là phê chuẩn cả 2 Hiệp định này. Chặng đường này dài hay ngắn phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của cả Việt Nam và Liên minh châu Âu. Đối với Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA), quá trình phê chuẩn có thể sẽ lâu hơn vì còn cần tất cả các nước Thành viên EU phê chuẩn thì mới có hiệu lực
FTA Việt Nam – EU là Hiệp định đầu tiên của EU với một nước đang phát triển trong khu vực. Để Hiệp định được ký kết và có hiệu lực thì ta phải chứng minh được là Việt Nam có khả năng thực thi các tiêu chuẩn cao của Hiệp định FTA.
Nguồn -TT