GDP Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong 9 tháng đầu năm
– Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2019 ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm gần đây (trong đó: quý I tăng 6,82%; quý II tăng 6,73% và quý III tăng 7,31%).
GDP 9 tháng năm 2019 ước tính tăng 6,98%
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung diễn biến khó lường, căng thẳng địa chính trị leo thang ở Vịnh Ba Tư, nguy cơ Brexit không có thỏa thuận và bất ổn chính sách gia tăng trên toàn cầu, niềm tin kinh doanh và tâm lý thị trường tài chính giảm sút, thương mại và đầu tư thế giới giảm, các tổ chức quốc tế liên tục đưa ra dự báo thiếu lạc quan về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019, kết quả tăng trưởng 6,98% khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2019.
Tại buổi họp báo công bố tình hình kinh tế – xã hội quý III và tháng 9/2019, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2019 ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm gần đây (quý I tăng 6,82%; quý II tăng 6,73% và quý III tăng 7,31%). Kết quả tăng trưởng 6,98% khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2019.
Cũng theo ông Lâm, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khá với động lực tăng trưởng chính là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng đã tăng trưởng trở lại sau nhiều năm giảm liên tiếp. Tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng 9 tháng năm 2019 đạt 9,36% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính chung 9 tháng năm 2019, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 tăng 12,2%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2019 tăng 17,2% so với cùng thời điểm năm 2018 (cùng thời điểm năm 2018 tăng 13,8%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2019 đạt 72,1%(cùng kỳ năm 2018 là 63,8%).
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng năm 2019 đạt kỷ lục mới với gần 102,3 nghìn doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp đạt 12,6 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây, dự báo sức khỏe tốt hơn của các doanh nghiệp mới ra nhập thị trường.
Trong 9 tháng năm nay, cả nước có gần 102,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.290,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% về số doanh nghiệp và tăng 34% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 26,6%.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ 9 tháng năm 2019 đạt tốc độ tăng khá, trong đó kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước có tốc độ tăng 16,4%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5%). Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng ước tính xuất siêu 5,9 tỷ USD. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,5%, đây là mức tăng bình quân 9 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế
Trước những thành quả của 9 tháng đầu năm, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, nhìn chung, trong bối cảnh kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy giảm, bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam quý III và 9 tháng năm 2019 tiếp tục có những chuyển biến tích cực là nhờ sự điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước.
“Nền kinh tế 9 tháng năm 2019 đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 9 năm trở lại đây, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp”, ông Lâm nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ thị trường có mức tăng cao, giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhanh. Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, tiêu dùng tăng cao, xuất khẩu và thu hút khách du lịch quốc tế đạt khá. Số người có việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm dần, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, chất lượng lao động ngày một nâng cao, thu nhập của người dân cải thiện, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới: Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Thời tiết diễn biến phức tạp, dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng ảnh hưởng nặng nề đến kết quả sản xuất ngành trồng trọt và chăn nuôi. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản được xem là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu giảm đáng kể.
Ngoài ra, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.