Ảnh minh họa.
Phóng viên DĐDN đã có cuộc phỏng vấn TS. Phạm Sỹ Thành- Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc (MCSS) thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, xung quanh vấn đề này.
– Được biết, kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc. Ông có thể đưa ra một số dẫn chứng về vấn đề này?
Sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc luôn là vấn đề nóng được bàn luận trong thời gian qua, và được thể hiện ở nhiều khía cạnh.
Trong quan hệ thương mại và hợp tác song phương đạt 130 tỷ USD năm 2020, Trung Quốc không chỉ là đối tác đầu tư thương mại lớn nhất mà còn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong mối quan hệ này, Việt Nam luôn là nước bị thâm hụt thương mại ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại không phải là vấn đề lớn đáng lo ngại.
Trong hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, chỉ có khoảng 10% là hàng tiêu dùng, còn lại 50-55% là hàng trung gian, nguyên phụ liệu đầu vào, linh kiện, thiết bị để phục vụ cho hoạt động chế tạo và chế biến của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất phụ thuộc vào Trung Quốc, tuy nhiên, mức độ phụ thuộc của Việt Nam có khuynh hướng nặng nề hơn.

Trong hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, chỉ có khoảng 10% là hàng tiêu dùng, còn lại 50-55% là hàng trung gian, nguyên phụ liệu đầu vào, linh kiện, thiết bị để phục vụ cho hoạt động chế tạo và chế biến của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Bên cạnh đó là sự phụ thuộc về đầu tư thông qua các kênh đầu tư như đầu tư BOT hoặc tổng thầu hoặc cho vay vốn từ Trung Quốc. Đáng lưu ý, các dự án này đều rơi vào những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Ví dụ, trong lĩnh vực năng lượng, theo thống kê của tôi trong năm 2020, Việt Nam có tới 21 dự án nhiệt điện đang trong giai đoạn xây dựng với phần lớn sử dụng vốn vay từ Trung Quốc hoặc do tổng thầu Trung Quốc thi công.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, 80% lĩnh vực năng lượng, 60 – 65% lĩnh vực hóa chất- công nghiệp nặng và các nhà máy trọng điểm của Việt Nam đều do Trung Quốc xây dựng. Theo tính toán của chúng tôi, 40-50% doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng công nghệ được nhập khẩu từ Trung Quốc cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Sự gắn kết kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc đem lại nhiều cơ hội, nhưng cũng cần có những thay đổi lớn để quan hệ kinh tế với Trung Quốc trở nên lành mạnh hơn, nhằm giúp tạo ra giá trị lâu dài cho các doanh nghiệp trong nước. Trước mắt, Việt Nam cần tập trung vào một số khía cạnh, bao gồm chủ động hơn về nguồn cung, công nghệ và cách thức phân bổ nguồn lực; cải thiện chất lượng thương mại; có chính sách quản lý đầu tư và đấu thầu nước ngoài hợp lý hơn.
– Thưa ông, việc ký kết nhiều FTAs có giúp Việt Nam giảm dần phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc?
Trên thực tế, Việt Nam đã có chiến lược đa dạng nguồn cung xuất, nhập khẩu một cách rất nhanh chóng từ năm 2014. Đặc biệt, Việt Nam đã ký kết nhiều FTAs quan trọng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam- EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Vương Quốc Anh (UKVFTA). Việc ký kết nhiều FTA giúp Việt Nam dần đa dạng hóa nguồn cung và tránh phụ thuộc vào một hoặc hai thị trường xuất khẩu chủ chốt.
Doanh nghiệp Việt cần đảm bảo yêu cầu nguồn gốc xuất xứ nếu muốn tận dụng các ưu đãi thuế quan trong các FTA, từ đó giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn cung Trung Quốc, trong khi lại mở rộng nguồn cung từ các đối tác khác.
Quá trình dịch chuyển này là chiến lược dài hạn và cần nhiều yếu tố thúc đẩy, cải thiện tỉ lệ tận dụng FTA của doanh nghiệp Việt, khơi dậy những động lực và mở ra những không gian mới cho việc đa dạng hóa thị trường.
– Ngoài các FTA, Việt Nam cần làm gì để tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, thưa ông?
Ngoài việc tận dụng cơ hội từ các FTA, Việt Nam cũng có thể tăng cường các chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đang muốn dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Từ đó, Việt Nam hoàn toàn có khả năng và tiềm lực xây dựng chuỗi cung ứng của riêng mình.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các quốc gia khác. Ví dụ như trong đại dịch COVID-19, nhiều nước trên thế giới do Mỹ dẫn đầu đã đưa ra sáng kiến về chuỗi cung ứng bền vững, tập trung vào phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất về y tế cũng như sản xuất công nghệ kỹ thuật cao. Đây là cơ hội rất lớn đối với kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Việt nói riêng để trở thành một mắt xích mới trong chuỗi cung ứng đang được tái định hình trên phạm vi toàn cầu.
Cẩn trọng nhập khẩu lạm phát
Giá nguyên vật liệu, hàng hóa tại nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc đang có xu hướng tăng rất mạnh, có nguy cơ đẩy lạm phát của Việt Nam tăng.
Giá nguyên vật liệu và hàng hóa cơ bản trên thế giới được dự báo sẽ tăng mạnh trong một hoặc hai quý tới. Các nền kinh tế chủ chốt như Mỹ và Châu Âu đã gần như khống chế được dịch bệnh, và nền kinh tế của họ đã bắt đầu hoạt động trở lại. Do đó, nhu cầu phục hồi nền kinh tế đã bị “đóng băng” trong một thời gian dài sẽ tạo nên làn sóng tăng giá đối với các nguyên vật liệu, hàng hóa trên quy mô toàn cầu. Điều này không chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc mà còn phụ thuộc vào nhu cầu quay trở lại sản xuất ở trạng thái bình thường của nhiều quốc gia khác.
Tiếp đến, chính sách kinh tế của Mỹ, Châu Âu và một số nước Châu Á đang tập trung chiến lược nới lỏng tiền tệ với những nhận định lạc quan về hệ thống tài chính đã ổn định, và các quốc gia này hoàn toàn có khả năng kiểm soát rủi ro và phục hồi kinh tế.
Do đó, không chỉ giá nguyên vật liệu, hàng hóa tại Trung Quốc tăng mạnh mà giá của những mặt hàng này ở những quốc gia gắn liền với Việt Nam đều sẽ tăng, tạo sức ép lạm phát với Việt Nam.
Mặc dù vậy, Chính phủ vẫn đang đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Mục tiêu này là hoàn toàn khả thi, do đó, lạm phát thực sự chưa phải vấn đề lớn với kinh tế Việt Nam trong bối cảnh phục hồi của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, việc cẩn trọng phòng ngừa rủi ro nhập khẩu lạm phát vẫn cần được đặt lên hàng đầu.
TS. Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc (MCSS) thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn diendandoanhnghiep.vn-TT