VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Thế giới tuần qua: Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai diễn ra tại Hà Nội

 – Tổng thống Mỹ khẳng định, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều sắp tới diễn ra tại Hà Nội, Giáo hoàng Francis công du vùng Vịnh để viết trang sử mới về quan hệ giữa hai tôn giáo, Venezuela công bố bằng chứng về âm mưu đảo chính, Anh và EU cố gắng tránh kịch bản Brexit không thỏa thuận… Đó là một số tin tức quốc tế đáng chú ý tuần qua.

Tổng thống Mỹ khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều sắp tới diễn ra tại Hà Nội

Ngày 8/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết cuộc gặp của ông với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào cuối tháng 2 sẽ diễn ra tại Hà Nội.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau lần đầu tại Hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, tháng 6/2018. (Ảnh: AFP)

Trên trang mạng xã hội Twitter, ông Trump viết: “Các phái viên của tôi vừa rời Triều Tiên sau một cuộc họp rất hiệu quả và đã thống nhất thời gian địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai với ông Kim Jong-un. Cuộc gặp này sẽ diễn ra tại thành phố Hà Nội của Việt Nam vào ngày 27 và 28/2. Tôi mong đợi cuộc gặp với ngài Kim Jong-un và tiến tới xây dựng hòa bình”.

Trước đó, ngày 6/2/2019, trả lời câu hỏi của phóng viên về bình luận của Việt Nam trước phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong Thông điệp Liên bang đề cập đến việc Thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên dự kiến diễn ra tại Việt Nam vào ngày 27-28/2/2019 tới, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh việc Hoa Kỳ và Triều Tiên gặp thượng đỉnh lần hai. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ đối thoại nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực, phối hợp với các bên liên quan để cuộc gặp thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai thành công, góp phần vào mục tiêu nói trên”.

Giáo hoàng Francis công du vùng Vịnh để viết trang sử mới về quan hệ giữa hai tôn giáo

Ngày 3/2, Giáo hoàng Francis đã tới thăm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), trở thành vị giáo hoàng đầu tiên đặt chân tới Bán đảo Arab.

Giáo hoàng đã được Hoàng Thái tử Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan đón tiếp và hộ tống đến gặp Đại giáo chủ Sheikh Ahmed al-Tayeb – Viện trưởng Đại học Al-Azhar của Ai Cập, vốn là một trong những nơi học chính của người Hồi giáo dòng Sunni. Giáo hoàng sẽ gặp các lãnh đạo Hồi giáo và tiến hành buổi cầu nguyện ngoài trời cho khoảng 135.000 người Cơ đốc giáo, trong một sự kiện chưa từng có tiền lệ trên Bán đảo Arab. Giáo hoàng Francis cho biết chuyến công du của ông là cơ hội để “viết nên một trang sử mới về quan hệ giữa hai tôn giáo”.

Về phần mình, UAE coi 2019 là Năm của Lòng vị tha, và cho biết chuyến thăm của Giáo hoàng cho thấy lịch sử của vương quốc này là “cái nôi của sự đa dạng”. UAE là nơi có khoảng 1 triệu người Cơ đốc giáo xa quê, đa phần đến từ Philippines. Khoảng 1 triệu người Cơ đốc giáo khác đang sống tại các quốc gia khác trên Bán đảo Arab. Các linh mục và các nhà ngoại giao mô tả UAE là một trong những nơi áp dụng ít quy định hạn chế nhất ở vùng Vịnh đối với việc cầu nguyện của người theo đạo Thiên chúa. Các nước vùng Vịnh, trừ Saudi Arabia, cho phép các tín đồ Cơ đốc giáo vào nhà thờ nhưng phải cầu nguyện trong yên lặng. Tại Saudi Arabia, những người không theo đạo Hồi phải cầu nguyện bí mật tại nhà riêng.

Venezuela công bố bằng chứng về âm mưu đảo chính

Ngày 7/2, Bộ trưởng Thông tin Venezuela Jorge Rodríguez đã công bố các bằng chứng về âm mưu lật đổ chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro do phe cực hữu tiến hành với sự hậu thuẫn của chính phủ Mỹ và Colombia.

Theo hãng thông tấn Venezuela AVN, tại cuộc họp báo diễn ra ở Phủ tổng thống, ông Rodriguez cho biết âm mưu lật đổ chính quyền hợp hiến do Tướng quân đội về hưu Oswaldo Valentín García Palomo cầm đầu và lên kế hoạch. Đối tượng này đã bị lực lượng tình báo Venezuela bắt giữ cuối tháng 1 vừa qua khi đang cố nhập cảnh từ Colombia vào Venezuela. Kế hoạch lật đổ Tổng thống Maduro ban đầu dự định vào ngày 27/1, sau đó lùi lại sang ngày 31/1 và cuối cùng là 3/2, song âm mưu đã bị đập tan.

Trong đoạn video mà Bộ trưởng Rodriguez công bố tại buổi họp báo, đối tượng Garcia Palomo đã thừa nhận về âm mưu quân sự được lên kế hoạch để chống chính quyền và gây bất ổn xã hội với sự hỗ trợ của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và một số quan chức Colombia. Theo lời khai của đối tượng trên, các mục tiêu chính trong chiến dịch quân sự này gồm Phủ tổng thống, căn cứ không quân Carlota và hệ thống thông tin liên lạc tại thủ đô Caracas.

Nhân vật này cho biết thêm cựu Chủ tịch của Quốc hội do phe đối lập kiểm soát Julio Borges, hiện đang tị nạn tại Colombia, là một trong những đối tượng cầm đầu thực hiện các kế hoạch chống lại Tổng thống Maduro, trong đó có âm mưu sát hại ông Maduro hồi tháng 8 năm ngoái tại lễ kỷ niệm 81 năm thành lập lực lượng Phòng vệ quốc gia Venezuela.

Anh và EU cố gắng tránh kịch bản Brexit không thỏa thuận

Thủ tướng Anh Theresa May đã có chuyến làm việc tại Brussels (Bỉ) ngày 7/2 nhằm thảo luận với các quan chức Liên minh châu Âu (EU) về giải pháp kịp thời cho tiến trình Brexit vốn đang bế tắc. Mặc dù các cuộc gặp không đạt được bất kỳ đột phá nào, song hai bên đã nhất trí tiếp tục đối thoại nhằm tránh một kịch bản Brexit không thỏa thuận

Trong một tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp Thủ tướng May, được đánh giá là “thẳng thắn”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã tái khẳng định lập trường của EU về việc không đàm phán lại thỏa thuận “ly hôn” mà hai bên đạt được hồi tháng 11 năm ngoái, đồng thời bác bỏ kế hoạch thay đổi một số điều khoản về đường biên giới giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và nước thành viên EU là CH Ireland mà bà May đề cập đến trong cuộc hội đàm. Tuy nhiên, ông Juncker cũng để ngỏ khả năng điều chỉnh cách diễn đạt trong tuyên bố song phương về quan hệ tương lai giữa Anh và EU với hy vọng phá vỡ bế tắc hiện nay.

Về phía Thủ tướng May, nhà lãnh đạo Anh cam kết sẽ đạt được một thỏa thuận với EU để đảm bảo Anh sẽ rời khỏi liên minh theo đúng kế hoạch vào ngày 29/3 tới, bất chấp nhiều ý kiến cho rằng London có thể phải lùi hạn chót này dù thỏa thuận nhận được sự đồng ý của các nghị sĩ quốc hội.

Ngày 14/2 tới, bà May sẽ khởi xướng cuộc thảo luận mới về thỏa thuận Brexit tại Quốc hội Anh sau khi văn kiện này bị cơ quan lập pháp của Anh bác bỏ trong cuộc bỏ phiếu ngày 15/1 vừa qua. Hiện, vẫn tồn tại sự bất đồng sâu sắc giữa đảng Bảo thủ cầm quyền của bà May và Công đảng đối lập về cách thức đưa Anh rời khỏi EU sau cuộc trưng cầu ý dân hồi năm 2016 với kết quả ủng hộ Brexit.

Nga tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng sau khi Mỹ rút khỏi INF

Ngày 4/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố nước này sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), song Moskva vẫn cân nhắc những đề xuất nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang.

Phát biểu tại thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh: “Chắc chắn chúng tôi sẽ sử dụng các biện pháp kỹ thuật-quân sự để đối phó với những mối đe dọa đến từ việc Mỹ rút khỏi hiệp ước INF cũng như kế hoạch chế tạo vũ khí hạt nhân dùng ít năng lượng của nước này”.

Theo ông Lavrov, Nga không muốn một cuộc chạy đua vũ trang giống như thời Chiến tranh Lạnh và Moskva sẽ làm việc trong phạm vi ngân sách của Bộ Quốc phòng nước này.

Ngày 1/2, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2/2 và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF. Ông nhấn mạnh tiến trình này sẽ được hoàn tất trong 6 tháng trừ khi Nga trở lại tuân thủ hiệp ước với việc phá hủy toàn bộ các tên lửa, bệ phóng và thiết bị vi phạm liên quan.

Đáp lại, ngày 2/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này quyết định ngừng tuân thủ INF. Tổng thống Putin nêu rõ Nga sẽ bắt tay vào việc chế tạo tên lửa mới, trong đó có tên lửa siêu thanh, đồng thời chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Nga không đối thoại với Mỹ về vấn đề giải trừ vũ khí.

Căng thẳng về INF khiến nhiều nước trên thế giới quan ngại. Một loạt quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Nga – Mỹ đối thoại để “đảo ngược” quyết định trên và tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Thủ tướng Canada chúc Tết cộng đồng người Việt

Ngày 5/2, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã gửi thư chúc Tết Nguyên đán đến cộng đồng người Việt tại Canada và trên toàn thế giới.

Trong thư có đoạn viết: “Năm mới là dịp để ghi nhận những đóng góp to lớn của những người Canada gốc Việt đối với đất nước chúng ta mỗi ngày. Các thế hệ người Canada gốc Việt đang hỗ trợ xây dựng một Canada tốt đẹp hơn, toàn diện hơn…”

Thương mại, đầu tư và giáo dục là những lĩnh vực hợp tác phát triển hết sức năng động giữa Việt Nam và Canada trong những năm qua. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Theo số liệu ban đầu của Cơ quan Thống kê Canada, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa 2 nước trong năm 2018 đạt khoảng 6,36 tỷ CAD (4,8 tỷ USD), tăng 4,2% so với 2017. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và Canada. Với lộ trình giảm thuế khá nhanh của Canada (từ 17-18% xuống 0% trong vòng 3 năm), một số nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo tăng trưởng mạnh từ năm 2019 như dệt may, giầy dép, túi xách, nhựa, đồ gỗ…/.

Nguồn ĐCSVN-TT