Mỹ – Trung nỗ lực giải quyết tranh chấp thương mại
Trong hai ngày 30 – 31/1, các quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành đàm phán tại Washington để thảo luận về phương hướng hợp tác nhằm tránh đẩy tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang. Trưởng đoàn đàm phán Mỹ là Đại diện thương mại Robert Lighthizer, còn Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc là Phó Thủ tướng Lưu Hạc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (góc phải) cùng các quan chức đàm phán hai bên tại Nhà Trắng ngày 31/1/2019. Ảnh: Reuters
Trong bức thư của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi Tổng thống Mỹ Donald Trump được công bố trong cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ hy vọng hai bên sẽ cùng thỏa hiệp để đạt được một thỏa thuận thương mại trước thời hạn chót 1/3 tới. Đáp lại, Tổng thống Donald Trump cho hay ông sẽ sớm gặp Chủ tịch Tập Cận Bình để tìm cách ký kết một thỏa thuận thương mại toàn diện Mỹ – Trung.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, phía Trung Quốc đánh giá hai bên đã tiến hành thảo luận một cách thẳng thắn, cụ thể, mang tính xây dựng đối với những vấn đề mà hai bên quan tâm, như cân bằng thương mại, chuyển giao công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, ngành dịch vụ, nông nghiệp, cơ chế thực thi… Tân Hoa xã cho biết tại cuộc đàm phán trên, hai bên bày tỏ hết sức coi trọng vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, đồng ý tiếp tục tăng cường hợp tác. Hai bên cũng đã nhất trí áp dụng những biện pháp hữu hiệu để thúc đẩy sự phát triển cân bằng của thương mại Trung – Mỹ.
Tại buổi tiếp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng sau khi cuộc đàm phán thương mại lần này tại Mỹ kết thúc, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết phái đoàn thương mại Mỹ sẽ tới Trung Quốc vào giữa tháng 2 này để tiến hành vòng đàm phán mới.
Kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra từ giữa năm 2018 đến nay, tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế cao hơn của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD. Lãnh đạo hai nước đã nhất trí “đình chiến thương mại” trong 90 ngày kể từ 1/12/2018, để hai bên thương lượng một thỏa thuận nhằm chấm dứt nhiều tháng leo thang căng thẳng.

Liên hợp quốc công nhận Chính phủ hợp hiến của Venezuela

Phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh đưa tin, ngày 1/2, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Stephan Dujarric khẳng định tổ chức này công nhận tính chính danh của Tổng thống hợp hiến Venezuela Nicolas Maduro, coi đây là nguyên thủ duy nhất của quốc gia Nam Mỹ này.

Theo người phát ngôn Dujarric, TTK LHQ Antonio Guterres cho rằng việc công nhận hay không công nhận một chính phủ không thuộc chức năng của TTK mà thuộc về các nước thành viên của Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an LHQ, và đa số các nước này đã bày tỏ quan điểm ủng hộ Chính phủ của Tổng thống Maduro.
Về những yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội và “tổng thống lâm thời” tự phong Juan Guaidó về việc “LHQ cần sẵn sàng để tăng cường các hoạt động nhân đạo và phát triển tại Venezuela”, ông Dujarric khẳng định để tiến hành điều này “LHQ cần sự đồng thuận và hợp tác của Chính phủ”. Đây được coi là một cách biểu đạt khác rằng Chính phủ duy nhất tại Venezuela mà cơ quan này công nhận vẫn là Chính phủ của Tổng thống Maduro.
Bên cạnh đó, LHQ cũng bày tỏ sẵn sàng trợ giúp cho việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện tại ở Venezuela, đồng thời cho biết vẫn “theo sát” kế hoạch tổ chức cuộc họp quốc tế do Mexico và Uruguay tiến hành, dự kiến diễn ra ở Montevideo vào ngày 7/2 tới, nhằm nối lại đối thoại chính trị tại Venezuela.
Liên minh châu Âu tuyên bố không đàm phán lại về Brexit
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk tuyên bố thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) – hay còn gọi là Brexit là “không thể đàm phán lại”.
Tuyên bố cứng rắn này được ông Donald Tusk đưa ra ngay sau khi vào rạng sáng 30/1 (theo giờ Hà Nội), với tỷ lệ 317 phiếu ủng hộ và 301 phiếu chống, Hạ viện Anh đã thông qua kế hoạch B về Brexit do Thủ tướng Theresa May đề xuất đi kèm theo một số điều khoản sửa đổi. Theo đó, Thủ tướng Theresa May sẽ đàm phán lại về thỏa thuận Brexit với EU và Hạ viện Anh sẽ ủng hộ thỏa thuận này nếu gỡ bỏ điều khoản khiến Anh phải giữ biên giới mở với Cộng hòa Ireland. Như vậy, cùng với sự ủy thác từ phía các nhà làm luật, bà Theresa May đã “được bật đèn xanh” để quay trở lại Brussels và tiến hành đàm phán lại với các nhà lãnh đạo EU về thỏa thuận Brexit.
Tuy nhiên, sứ mệnh của nữ Thủ tướng Anh dường như đã không được giới lãnh đạo EU hưởng ứng khi một phát ngôn viên của ông Donald Tusk, dù đã bày tỏ lập trường hoan nghênh và chia sẻ với mong muốn của Quốc hội Anh trong việc tránh một kịch bản Brexit không thỏa thuận, song lại bác bỏ khả năng đàm phán lại về “thỏa thuận ly hôn” giữa Anh và EU.
Thông điệp của phát ngôn viên trên nêu rõ: “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Chính phủ Anh làm rõ các dự định của mình liên quan tới những bước đi tiếp theo trong thời gian sớm nhất có thể. Thỏa thuận Brexit vẫn là cách tốt nhất và duy nhất để bảo đảm việc Vương quốc Anh rời khỏi EU một cách trật tự”.
Tổng thống Nga quyết định ngừng tuân thủ hiệp ước INF

Ngày 2/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này quyết định ngừng tuân thủ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), nhằm đáp trả quyết định tương tự từ phía Mỹ.

Phát biểu tại cuộc họp được truyền hình với các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng nước này, Tổng thống Putin cho biết: “Đối tác Mỹ đã tuyên bố ngừng tuân thủ INF và chúng ta cũng ngừng tuân thủ như vậy”. Nhà lãnh đạo Nga cho biết nước này sẽ bắt tay vào việc chế tạo tên lửa mới, trong đó có tên lửa siêu thanh, đồng thời chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Nga không đối thoại với Mỹ về vấn đề giải trừ vũ khí.
Động thái trên của Nga diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/2 tuyên bố Washington rút khỏi INF với lý do “Moskva đã vi phạm hiệp ước này”.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Trump nêu rõ Mỹ sẽ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2/2 và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF. Ông nhấn mạnh tiến trình này sẽ được hoàn tất trong 6 tháng trừ khi Nga quay trở lại tuân thủ hiệp ước với việc phá hủy toàn bộ các tên lửa, bệ phóng và thiết bị vi phạm liên quan. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, Washington đã tuân thủ hiệp ước trong hơn 30 năm và sẽ không tiếp tục chịu hạn chế bởi điều khoản của INF, trong khi Nga lại có hành động vi phạm. Ông khẳng định một khi các cuộc thảo luận kiểm soát vũ khí với Nga được hoàn tất, Washington sẽ sẵn sàng cho mối quan hệ nổi bật về kinh tế, thương mại và chính trị và các cấp quân sự với Moskva.
Đánh bom ở Philippines gây nhiều thương vong
Sáng 27/1, hai vụ nổ bom đã xảy ra tại một nhà thờ Công giáo ở thành phố Jolo, thủ phủ tỉnh Sulu trên đảo Mindanao (Philippines) khiến 22 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương, bao gồm cả binh sĩ chính phủ và dân thường. Các vụ nổ xảy ra vào thời điểm nhiều tín đồ đến dự buổi lễ sáng Chủ nhật. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thừa nhận đứng sau vụ tấn công trên.
Sáng 30/1, tiếp tục xảy ra một vụ tấn công lựu đạn nhằm vào đền thờ Hồi giáo tại thành phố Zamboanga, miền Nam Philippines, khiến 2 người thiệt mạng và 4 người bị thương. Cảnh sát cho biết vụ việc xảy ra khi hai người đàn ông chưa rõ danh tính ném lựu đạn vào trong đền thờ. Hiện chưa có tổ chức nào nhận là thủ phạm vụ tấn công này.
Singapore: Rò rỉ thông tin cá nhân 14.200 người nhiễm HIV

Tình trạng dương tính với HIV của 14.200 người cùng thông tin về số chứng minh thư và thông tin liên lạc của họ đã bị lấy cắp và tung lên mạng – Bộ Y tế Singapore ngày 28/1 cho biết.

Theo Bộ Y tế Singapore, các dữ liệu liên quan đến 5.400 công dân Singapore nhiễm HIV từ năm 1985 đến tháng 1/2013 và 8.800 người nước ngoài nhiễm HIV từ năm 1985 đến tháng 12/2011 đã bị rò rỉ.
Các thông tin bị rò rỉ bao gồm tên, số chứng minh thư, số liên lạc, địa chỉ, các kết quả xét nghiệm HIV và thông tin y tế.
Theo xác định ban đầu, thông tin bị rò rỉ bởi Mikhy K Farrera Brochez, một người Mỹ dương tính với HIV – người đã sinh sống ở Singapore từ năm 2008. Người này từng bị kết án tù vì tội gian dối và sử dụng ma túy. Theo Bộ Y tế Singapore,  Brochez đã dùng mẫu máu của bạn trai ông này là Ler Teck Siang – một bác sỹ người Singapore để nói dối về tình trạng nhiễm HIV của mình nhằm xin việc làm tại Singapore.
Brochez đã bị tạm giam vào tháng 6/2016, bị kết án 28 tháng tù và bị trục xuất khỏi Singapore vào tháng 4/2018. Trong khi đó, bạn tình của Brochez là Ler Teck Siang – từng là người đứng đầu một đơn vị y tế thuộc Bộ Y tế Singapore từ tháng 3/2012 đến tháng 5/2013. Trước khi thôi việc vào tháng 1/2014, vì yêu cầu công việc, Siang đã tiếp cận với cơ quan thống kê những người nhiễm HIV. Siang sau đó đã bị kết án 2 năm tù vì tội tiếp tay cho hành vi gian dối của Brochez.
Hiện cảnh sát Singapore đang điều tra vụ việc và đang đề nghị các đối tác nước ngoài hỗ trợ.
Nguồn ĐCSVN-TT