– Sống ở các khu đô thị, thành phố lớn là niềm mơ ước, đích đến của rất nhiều người bởi cơ hội phát triển rất lớn. Tuy nhiên, chính các thị dân lại ngày càng cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống nơi phồn hoa đô thị!
Mệt mỏi đời sống thị dân
Sau những ngày ô nhiễm nghiêm trọng, các thị dân Hà Nội chưa kịp thở phào nhẹ nhõm thì ngay lập tức đối mặt với mùi lạ trong nước sạch.
Chưa ai thống kê kiểm đếm có bao nhiêu thị dân là nạn nhân của việc nước mùi lạ, chỉ biết trong lúc chờ cơ quan chức năng lên tiếng chính thức về nguyên nhân gây ra sự việc này, người dân của các khu đô thị phải tự mua các bình nước đóng sẵn về sử dụng. Có khu chung cư thì phục vụ nước sạch cho người dân bằng các xe chở nước chuyên dụng.
Ảnh minh họa từ internet
Không chỉ có không khí ô nhiễm, nước có mùi lạ, các thị dân còn ngày ngày đối mặt với nạn tắc đường, ô nhiễm tiếng ồn. Điều lạ lùng là dường như, đường càng mở rộng càng tắc. Đô thị được mở rộng ra gấp nhiều lần so với trước đây, và dường như càng mở rộng thì các vấn đề phát sinh tại đô thị càng tăng lên.
Trong khi nội đô Hà Nội đang lâm vào cảnh quá tải và ô nhiễm không khí nặng nề thì 5 đô thị vệ tinh kết nối với trung tâm vẫn trong tình trạng “bất động”.
Mới đây, Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thi hành Luật Thủ đô cho biết, tỉ lệ đất dành cho giao thông của thành phố Hà Nội nói chung còn quá thấp, tính đến năm 2018, tỷ lệ này mới chỉ đạt 8,65% diện tích đất đô thị (thế giới khoảng 25%).
Theo thống kê mỗi năm, dân số Hà Nội tăng thêm gần 200.000 người, trong khi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ chỉ tăng khoảng 3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tăng chưa đến 1%/năm.
Ở các quận như Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Cầu Giấy, có mật độ dân số cao nhất, trung bình đều trên 30.500 người/km2. Việc này đã gây quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tác động mạnh đến công tác quản lý dân cư, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường trên địa bàn Thủ đô.
Theo Luật quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thì khu vực nội đô lịch sử được xác định là hạn chế phát triển nhà ở, công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú.
Song song với đó là ở các đô thị vệ tinh, các khu đô thị mới phải được xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng cho nhiều đối tượng sử dụng để giảm tải cho đô thị trung tâm.
Ở các quốc gia trên thế giới, quy hoạch phát triển đô thị định hình rất lâu, tầm nhìn 30-40 năm, thậm chí ở một số quốc gia phát triển, quy hoạch định hình cách đây 3-4 thế kỷ vẫn hiện diện. Ngay các quốc gia bên cạnh Việt Nam, như Lào, Campuchia, Thái Lan quản lý quy hoạch đô thị rất tốt.
Trong khi đó, tại Việt Nam, sự đầu tư cho công tác quy hoạch chưa tương xứng, cách thức làm quy hoạch không ổn, nay điều chỉnh mai điều chỉnh, mỗi lãnh đạo lên lại điều chỉnh, rồi cơ chế xin-cho cũng là vấn đề nhức nhối.
Đặc biệt, theo Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm việc đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh nhằm giãn dân ra khỏi khu vực nội đô vẫn còn nhiều hạn chế.
Khi nào sẽ thông thoáng?
Nhằm giảm áp lực cho đô thị trung tâm, tạo động lực mới cho phát triển thủ đô, Đồ án “Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” được Chính phủ phê duyệt năm 2011 đã định hướng Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm , 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn sinh thái. Khu vực đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh và thị trấn bằng hành lang canh, chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của thành phố.
Năm đô thị vệ tinh gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn, ở cự li khoảng 25-30km tính từ trung tâm thành phố.
Hiện nay, Quy hoạch chung xây dựng của 4/5 đô thị vệ tinh là Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Sơn Tây đã được phê duyệt; với tính chất đặc thù, đô thị vệ tinh Hòa Lạc đã được thành phố Hà Nội thông qua và Bộ Xây dựng thẩm định để trình Thủ tướng phê duyệt, làm cơ sở cho việc xây dựng và triển khai các quy hoạch tiếp theo và tạo cơ hội thu hút đầu tư cho các đô thị vệ tinh.
Mặc dù Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được phê duyệt từ năm 2011, nhưng cho đến nay, việc xây dựng các đô thị vệ tinh vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa có kết quả rõ rệt.
Việc kết nối giao thông giữa các đô thị vệ tinh với đô thị trung tâm Hà Nội và giữa các đô thị vệ tinh với nhau còn đang trong quá trình hoàn thiện và chưa đồng bộ.
Hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải kết nối giữa đô thị vệ tinh với các đô thị trung tâm đang trong quá trình hoàn thiện. Trừ đô thị vệ tinh Hòa Lạc có tuyến đại lộ Thăng Long chạy qua rất tiện lợi, các tuyến đường nối đô thị trung tâm đến 4 đô thị vệ tinh còn lại chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng hoàn chỉnh, hạn chế thời gian di chuyển của các phương tiện. bên cạnh đó, hiện chưa có nhiều hình thức vận tải để người dân lựa chọn (chủ yếu là xe buýt với mật độ xe rất hạn chế,xe khách liên tỉnh và xe cá nhân)
Việc thu hút dân cư về sinh sống tại các đô thị vệ tinh, giảm tải và góp phần giãn mật độ tập trung tại đô thị trung tâm còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, các dự án phát triển nhà ở và xây dựng đồng bộ các hạ tầng xã hội, hạ tầng dịch vụ tại các đô thị này còn chậm nên người dân chưa nhận thấy được sự hấp dẫn, đảm bảo cho cuộc sống, an sinh xã hội để chuyển về các vùng này sinh sống. Nguyên nhân chính do hoạt động kêu gọi và thu hút các dự án đầu tư vào các đô thị vệ tinh còn chậm triển khai, các nhà đầu tư chưa nhận thấy tiềm năng khi đầu tư vào các khu vực này do hạ tầng khung còn chưa hoàn chỉnh, quỹ đất sạch thiếu nên phải mất nhiều thời gian cho công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến quá trình triển khai chậm…
Bên cạnh đó, do chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư đến kinh doanh tại các đô thị vệ tinh nên các đô thị này cũng chưa có nguồn lực để phát triển kinh tế, tạo việc làm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc không thu hút được dân số tại các đô thị vệ tinh.
Vấn đề khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng vào các đô thị vệ tinh còn chưa mang lại hiệu quả đầu tư cao.
Trong bối cảnh thành phố Hà Nội còn rất nhiều lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư từ nguồn ngân sách như giáo dục, y tế, hạ tầng kỹ thuật…việc bố trí ngân sách Nhà nước cho xây dựng, phát triển các đô thị vệ tinh là rất khó thực hiện và đến nay hầu như chưa được quan tâm. Hơn nữa, do khu vực đô thị trung tâm hệ thống hạ tầng liên tục quá tải, cần đầu tư nâng cấp, mở rộng thường xuyên; đồng thời đô thị trung tâm vẫn liên tục được mở rộng ra khu vực ven đô, nên ngân sách thành phố phải ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị trung tâm (xây dựng thêm các tuyến đường, cầu vượt, cải tạo chất lượng môi trường…) vì vậy, nguồn vốn ngân sách đầu tư cho các đô thị vệ tinh là rất khó khăn.
Bên cạnh đó, các lợi ích về kinh tế mang lại cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án tại các đô thị vệ tinh chưa hấp dẫn, khả năng thu hồi vốn chậm nên nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách chưa có nhiều cơ hội để phát huy.
Nguồn VnMedia.vn-TT