Lợi ích từ CPTPP còn khiêm tốn. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi các thị trường CPTPP ở mức 7,2% – thấp hơn so với mức 8,4% tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi toàn thế giới…
Mặt hàng thuỷ sản được kỳ vọng tăng xuất khẩu nhờ CPTPP
CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam được 2 năm. Trong hai năm này, nhiều cam kết của hiệp định đã được triển khai trên thực tế. Những kết quả đầu tiên về xuất nhập khẩu đã cho thấy phần nào hiệu quả từ hiệp định mang lại.
Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đến giờ phút này, ngoài Việt Nam mới chỉ có 6 quốc gia phê chuẩn hiệp định CPTPP là Australia, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Canada và Mexico, song quan hệ thương mại của Việt Nam với các thị trường trong CPTPP đã có một số kết quả đáng ghi nhận.
Năm 2019 xuất khẩu sang 6 nước này đạt 34,3 tỷ USD, tăng 8,1%. Trong đó, 5 nước xuất khẩu của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương, chỉ có Australia giảm ở một số mặt hàng như dầu thô, sắt thép, điện thoại di động…
Canada, Mexico là 2 nước lần đầu tiên chúng ta có quan hệ FTA nhưng đạt mức tăng trưởng rất cao, lần lượt tăng 29% và 26,2%. Với các nước còn lại, vì Việt Nam đã đang thực thi các FTA khác nên tác động từ CPTPP không rõ rệt. Đơn cử, với Nhật Bản, New Zealand mức tăng trưởng là 8%, Singapore 0,3%.
Tuy nhiên, đến năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19, xuất khẩu sang 6 quốc gia duy trì ở mức gần tương đương 2019, đạt 34 tỷ USD. Trong khi xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 vẫn tăng 7%. Như vậy, thực tế xuất khẩu sang các nước CPTPP đều thấp hơn so với mức tăng trưởng chung của xuất khẩu Việt Nam.
“2 năm đầu tiên rất khó để đánh giá hiệu quả từ CPTPP mang lại. Việc tận dụng cơ hội cũng như tác động từ hiệp định cần có độ trễ, thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh”, bà Cẩm Trang nói.
Về tỷ trọng trong tổng xuất khẩu, trong năm 2018 tỷ trọng xuất khẩu sang 6 nước tăng 12,03% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Con số này tăng lên vào năm 2019 là 13%. Đến 2020 giảm xuống còn 12,02%. Mặc dù vậy, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, đây chỉ là con số bước đầu, còn để đánh giá sự chuyển dịch thành công hay không cần thời gian dài hơi hơn nữa.
Với một số thị trường cụ thể, đại diện Bộ Công Thương chọn 2 thị trường lần đầu tiên chúng ta có FTA là Canada và Mexico. Con số cho thấy, năm 2019 xuất khẩu của Việt Nam sang Canada tăng 29%, đến năm 2020 đạt 4,4 tỷ USD tăng 12% – cao hơn nhiều so với con số 7% xuất khẩu chung của cả nước. Đây là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh Covid-19.
Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada tăng mạnh tới trên 62% là thiết bị máy móc, điện thoại các loại. Tăng 25% là các sản phẩm mây tre, cói, máy vi tính, bánh kẹo, phương tiện vận tải… Và tăng 15% với các sản phẩm gỗ, rau quả, đồ chơi- dụng cụ thể thao..
Còn với thị trường Mexico, xuất khẩu bình quân của Việt Nam tăng 19% trong năm 2019-2020. Tương tự Canada, sản phẩm tăng trưởng mạnh cũng là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, điện thoại. Mức tăng trưởng bình quân 32-35% ở đồ chơi – dụng cụ thể thao, túi xách, ví, vali…
Việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu CPTPP cũng được ghi nhận còn hạn chế. Năm 2019, là năm đầu tiên thực thi CPTPP nên chúng ta mới cấp C/O cho 600 triệu USD kim ngạch xuất khẩu trong tổng số trên 34 tỷ USD, chỉ đạt 1,67%. Năm 2020 con số cấp C/O tăng hơn 2 lần đạt 1,37 tỷ USD, bằng 4% xuất khẩu sang 6 nước CPTPP.
Bà Cẩm Trang cho rằng, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP khi xuất khẩu sang các thị trường này chưa cao. Lý do, 4/6 nước đối tác đã có FTA với Việt Nam với quy tắc xuất xứ lỏng hơn và mức thuế suất ưu đãi hơn trong những năm đầu CPTPP có hiệu lực.
Nhưng riêng với 2 nước lần đầu tiên có FTA với Việt Nam là Mexico và Canada thì năm 2020, kim ngạch sử dụng C/O khá lớn. Năm 2020, trong số 1,3 tỷ USD cấp C/O thì 2 nước này đã cấp 1,27 tỷ USD – chiếm 17%.
Một lý do nữa khiến tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP ít theo lý giải của Bộ Công Thương là khó khăn trong đáp ứng tiêu chí xuất xứ đối với một số mặt hàng (như dệt may).
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc, Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp, do năm 2020 kinh tế Việt Nam và thế giới bị xáo trộn bởi tác động của đại dịch COVID-19, nên đánh giá hiệu quả CPTPP mang lại dựa trên các số liệu của 2019 là chủ yếu.
Năm 2019, trong bối cảnh hầu như tất cả các đối tác CPTPP đều giảm nhập khẩu, việc Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng này cho thấy CPTPP đang ít nhiều tạo ra những tác động ban đầu tích cực. Đặc biệt, CPTPP đang thể hiện hiệu ứng tốt trong mở đường cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tiến vào châu Mỹ một cách trực tiếp (ở các thị trường mà CPTPP đã có hiệu lực, gồm Canada và Mexico) và cả gián tiếp (thông qua động lực thúc đẩy thương mại song phương với các thị trường mà CPTPP chưa có hiệu lực như Peru, Chile).
Tuy nhiên, trong so sánh với mặt bằng chung, lợi ích từ CPTPP còn khiêm tốn. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đi tất cả các thị trường CPTPP (7,2%) thấp hơn so với mức 8,4% tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi toàn thế giới. Hơn nữa, với một số thị trường CPTPP, đà tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn trước khi có CPTPP vốn cũng đã ở mức cao hơn đáng kể so với trung bình xuất khẩu đi các thị trường khác, cho thấy CPTPP dường như chỉ có tác động bổ trợ nào đó cho đà tăng tự nhiên này.