Khó cầm cự đến ngày mở cửa bầu trời, các hãng hàng không Việt đều đối mặt tình trạng nợ nần chồng chất, “ăn đong” để vượt khủng hoảng. Cảnh báo “quả bom hẹn giờ” phá sản vì Covid-19 gần kề …
Ảnh minh hoạ
Dự thảo báo cáo về tình hình phát triển doanh nghiệp 5 tháng đầu năm 2021 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư mới công bố đã rung lên “hồi chuông” cảnh báo về tình trạng kiệt quệ của hàng không Việt.
Vietnam Airlines và các hãng hàng không tư nhân khác như Vietjet Air, Bamboo Airways đang cạn dần nguồn lực về tài chính, tiến sát tới giới hạn mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, để biết được thực trạng thua lỗ đầy đủ, khó khăn chồng chất của tất cả các hãng, chỉ một vài số liệu là chưa đủ.
QUY MÔ CÀNG LỚN, THIỆT HẠI CÀNG KHỦNG KHIẾP
Dù có những động thái tích cực khi Chính phủ các nước đang tăng cường lộ trình vaccine, mở cửa biên giới, nhưng bóng đen Covid vẫn bao phủ toàn cầu. Trong nửa đầu năm 2021, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho rằng tình hình vô cùng bi đát, khi dự kiến số lỗ ròng sau thuế của ngành hàng không trong năm 2021 lên đến gần 48 tỷ USD, cao hơn mức 38 tỷ USD đưa ra hồi tháng 12/2020.
Nguyên nhân mức lỗ dự kiến cao hơn so với con số đưa ra trước đây là do những khó khăn trong việc kiểm soát các biến thể virus mới, cũng như việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại một số khu vực chậm hơn so với kế hoạch đề ra.
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, doanh thu dịch vụ vận tải hàng không Việt năm 2020 sụt giảm trung bình trên 61% so với năm 2019. Khả năng thanh toán của các doanh nghiệp hàng không đều suy giảm mạnh và tiến tới khả năng mất thanh toán. Khó khăn này này bao phủ toàn thị trường, các hãng hàng không đều chịu chung số phận.
Tàu nằm sân la liệt, số chuyến bay vận hành ở mức thấp nhất, không thể hãng nào kiếm được lãi, chỉ có lỗ và lỗ bao nhiêu!
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định “với diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, tâm lý khách hàng thay đổi, dự báo hoạt động hàng không năm 2021 vẫn hết sức khó khăn và hy vọng đến 2024 mới phục hồi trở lại như trước khi chưa có dịch”.
Soi lại báo cáo quý 1/2021 của hai hãng hàng không niêm yết trên sàn chứng khoán là Vietnam Airlines và Vietjet Air, có thể thấy rõ tình trạng kiệt quệ của các hãng hàng không hàng đầu này.
Theo đó, Vietjet ghi nhận 4.048 tỷ đồng doanh thu, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2020. Giá vốn lên đến 5.062 tỷ đồng. Như vậy, hoạt động kinh doanh của Vietjet ghi nhận lỗ gộp 1.013 tỷ đồng.
Còn Vietnam Airlines ghi nhận 7.528 tỷ đồng doanh thu, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lên đến 11.329 tỷ đồng, dẫn đến ghi nhận lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh lên đến 3.869 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong quý đầu của năm 2021, Vietjet bất ngờ ghi nhận tới 1.355 tỷ đồng doanh thu từ chuyển quyền sở hữu và thương mại tàu bay trong cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận khoản này. Đồng thời, doanh thu tài chính của Vietjet lên đến 1.394 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2020, chủ yếu do ghi nhận 1.357 tỷ đồng thu nhập tài chính khác, gấp 4,6 lần cùng kỳ. Chính hai khoản này đã “cứu nguy” cho Vietjet 2.749 tỷ đồng.
Doanh thu từ chuyển quyền sở hữu và thương mại tàu bay và doanh thu tài chính “cứu nguy” cho Vietjet Air
Cũng tại thời điểm cuối tháng 3/2021, Vietnam Airlines ghi nhận khoản nợ phải trả lên đến 59.549 tỷ đồng, tăng 5,4% so với hồi đầu năm, vốn chủ sở hữu chỉ còn 1.030 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm có thể lỗ tới 10.000 tỷ đồng. VietJet Air nợ 32.868 tỷ đồng, tăng 8,7% so với hồi đầu năm.
Trong khi đó, Bamboo Airways không phải là công ty niêm yết, tất cả các thông tin lỗ hay lãi cao ngất trong bối cảnh dịch bệnh của công ty đều do hãng này tự công bố.
ĐẰNG SAU SỰ LÂM NGUY CỦA HÃNG HÀNG KHÔNG QUỐC GIA
Mọi tâm điểm chú ý đều đang dồn vào Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định rằng: Số lỗ 6 tháng đầu năm của Vietnam Airlines có thể lên đến 10.000 tỷ đồng. Số nợ phải trả quá hạn đạt tới 6.240 tỷ đồng khiến Vietnam Airlines đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn.
Tại nhiều cuộc hội thảo về ngành hàng không, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Vietnam Airlines với cơ cấu cổ đông nhà nước “cô đặc”, chi phối đến 86%, chịu sự kiểm soát của nhiều bộ, ngành về sản xuất kinh doanh, nên khi có rủi ro xảy ra, muốn chủ động xử lý linh hoạt tình huống như bán tài sản, phát hành thêm cổ phiếu….cũng không thể nhạy bén, tinh nhanh như các doanh nghiệp tư nhân được, mà phải xin ý kiến của tất cả các bộ, ngành liên quan.
Mặt khác, Vietnam Airlines có quy mô vận chuyển trong và ngoài nước chiếm đến 50% thị trường hàng không quốc gia. Với quy mô đội bay lớn nhất nước, hơn 100 tàu bay, dẫn đến thua lỗ đương nhiên cao hơn các hãng khác.
Vietnam Airlines cũng là hãng có thị phần vận chuyển hàng không quốc tế lớn nhất so với hai hãng còn lại, với 27%, trong khi, tỷ lệ này tại Viejet Air chỉ khoảng 16%, do chỉ bay quốc tế ở Châu Á, không bay Châu Âu. Còn thị phần quốc tế của Bamboo Airways là không đáng kể do mới khai thác các chuyến bay charter là chính. Doanh thu vận chuyển khách quốc tế đi, đến Việt Nam chiếm 65% của Vietnam Airlines. Do đó, khi đường bay quốc tế đóng cửa, Vietnam Airlines sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Ngoài ra, theo đại diện Vietnam Airlines, đối với các tập đoàn, tổng công ty có vốn Nhà nước chi phối như Vietnam Airlines, từ nhiều năm nay chỉ được phép tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, là vận chuyển hàng không và thoái hết vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư tài chính… nên không có cơ hội để lấy doanh thu khác bù vào vận chuyển hàng không như các hãng hàng không tư nhân.
Hiện các ngân hàng chưa nhìn thấy “tín hiệu” rõ ràng về gói 12.000 tỷ đồng của Chính phủ, nên còn do dự không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn hay cấp tiếp hạn mức tín dụng.
Trong khi đó, Vietjet Air dù lỗ đến 1.780 tỷ đồng từ vận chuyển hàng không thì vẫn báo lãi năm 2020 sau thuế là 68 tỷ đồng nhờ ghi nhận cơ cấu doanh thu phụ trợ đạt gần 50% để bù đắp. Còn Bamboo Airways tự công bố khoản doanh thu từ hoạt động tài chính là 4.640 tỷ đồng, để đưa lợi nhuận sau thuế lên 310 tỷ đồng.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành công văn số 2911/BGTVT-VT ngày 5/4/2021 về việc các chính sách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Giao thông vận tải tiếp tục kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa. Áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá đến hết năm 2021.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp hàng không đều phải thừa nhận rằng các giải pháp này chưa “thấm” vào đâu trong tình hình tồi tệ như hiện nay. Do bản chất dịch bệnh làm sụt giảm tối đa doanh thu, nên các hãng cũng ít có thể vận hành chuyến bay để nhận hỗ trợ.
Nguồn VnEconomy.vn-TT