Hiệp định CPTPP sẽ giúp nâng tầm nền kinh tế Việt Nam
– Theo ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Bộ Công Thương, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam cải cách thể chế, giúp môi trường kinh doanh cải thiện. Điều này cũng giúp đầu tư nước ngoài và trong nước được duy trì và tăng trưởng, thúc đẩy nâng tầm nền kinh tế Việt Nam
Sáng nay (28/11), Tạp chí điện tử doanh nhân Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức hội thảo: “CPTPP – cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam”.
CPTPP là Hiệp định có mức độ cam kết lớn nhất từ trước đến nay
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương cho biết, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được 6 nước phê chuẩn đầu tiên là Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada, Australia. Riêng Việt Nam phê chuẩn vào ngày 12/11 và thông báo cho New Zealand vào 15/11. Hiệp định sẽ có hiệu lực với Việt Nam vào ngày 14/1/2019.
Đưa ra những cơ hội của Việt Nam khi tham giá CPTPP, ông Khanh cho biết, CPTPP là một trong những Hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay. Tham gia CPTPP thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước, khẳng định vai trò và vị thế địa – chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế, cam kết đối với hoạt động mua sắm công, cam kết đối với lĩnh vực doanh nghiệp Nhà nước. Cam kết cho phép người lao động thành lập tổ chức của người lao động không nhất thiết trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. “CPTPP là cơ hội lớn để Việt Nam cải cách thể chế”, ông Khanh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Khanh, CPTPP giúp môi trường kinh doanh Việt Nam được cải thiện, kéo đầu tư trong và ngoài nước được duy trì và tăng trưởng. Đặc biệt, đầu tư với hàm lượng công nghệ cao tiếp tục thu hút, giúp nâng tầm nền kinh tế Việt Nam.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Minh Phong – chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do nói chung, Việt Nam có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, thu hút và gia tăng đầu tư vốn FDI theo cả hai chiều nhờ nhận được những ưu đãi thuế và chính sách cạnh tranh bình đẳng, những hỗ trợ và ngoại lực hữu ích khác…
Thực thi CPTPP đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam
Mặc dù CPTPP mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ khiến Việt Nam chịu thêm nhiều áp lực. Trong đó, áp lực đến từ sự gia tăng sức ép cạnh tranh và thu hẹp thị phần ngay trên sân nhà.
Ngoài ra, các hiệp định này còn thêm sức ép bảo đảm các yêu cầu về xuất sứ nội khối và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; sức ép giảm mức thuế, dịch chuyển và xói mòn cơ sở thuế; sức ép vượt các hàng rào kĩ thuật (TBT) và hệ thống vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS).
Theo ông Nguyễn Minh Phong – chuyên gia kinh tế, tự do hóa tài chính trong khuôn khổ CPTPP rất cao dù các nước thành viên được quyền chủ động thực hiện các biện pháp củng cố tính ổn định tài chính và tính thống nhất của hệ thống tài chính.
Ông Phong cho rằng, thực thi CPTPP đặt ra thách thức cho Việt Nam khi đối mặt với nhiều vụ việc cạnh tranh có tính chất phức tạp, hành vi phản cạnh tranh đa dạng và tinh vi trong bối cảnh hội nhập kinh tế sau rộng trong thời gian tới.
Đồng thời, thách thức cũng đến từ những hạn chế của Việt Nam như thị trường vốn có quy mô còn quá nhỏ, thanh khoản yếu; trình độ thị trường còn ở mức thấp, ý thức tuân thủ luật pháp còn hạn chế, chế tài xử lý vi phạm chưa có tính răn đe cao…
Đưa ra giải pháp cho Việt Nam, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, doanh nghiệp Việt cần phải tận dụng các cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại về ưu đãi thuế, cải cách thế chế để mở rộng thị trường. “Doanh nghiệp cần phải đào được “mỏ vàng” ngay trong nước, đó là tận dụng được thị trường đầy tiềm năng với hơn 90 triệu dân mà rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang “nhòm ngó””, ông Khanh nhấn mạnh.
Đề cập đến vấn đề tuân thủ các qui định quốc tế trong quá trình tham gia các hiệp định thương mại tự do, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, dẫn ra câu chuyện “thẻ vàng” của EU đối với thủy sản Việt Nam là bài học lớn mà các doanh nghiệp cần phải lưu tâm.
Trước tình trạng trên, ông Thành cho rằng các doanh nghiệp cần phải nắm được các qui định có liên quan tới doanh nghiệp mình và tìm cách đáp ứng các yêu cầu đó. “Khi Việt Nam xuất khẩu thủy sản, không chỉ đảm bảo rằng đó là sản phẩm sạch mà còn phải đảm bảo cả về qui trình đánh bắt, tính hợp pháp của vùng biển đánh bắt và phải đáp ứng cả yêu cầu về môi trường”, ông Thành dẫn chứng.