– Với việc chuẩn bị thực hiện CPTPP và chờ phê chuẩn EVFTA, Việt Nam được đánh giá là có thể cải thiện đáng kể tiếp cận thị trường xuất khẩu, qua đó tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thông tin trên được chia sẻ tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam năm 2018 với chủ đề “Hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới – Chủ động – Đổi mới – Thiết thực và Hiệu quả”, vừa diễn ra ngày 4/12 tại Hà Nội.
Việt Nam đã có một năm sôi động với các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam cho biết, Việt Nam đã có một năm sôi động với các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, nổi bật là Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thành đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại mới, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Bằng chứng, ngày 8/3, Việt Nam và 10 nước đối tác đã ký kết Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ngày 12/11 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua việc phê chuẩn Hiệp định này (với 96,7% đại biểu tán thành) và chính thức có hiệu lực thực thi vào ngày 14/1/2019.
Bên cạnh đó, Việt Nam và EU đã tuyên bố kết thúc quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA và thống nhất tách Hiệp định Bảo hộ đầu tư ra khỏi FTA vào tháng 6/2018 để chuẩn bị cho việc ký kết các hiệp định này…
“Với những nỗ lực trên, công tác hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.
Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2018 của Việt Nam ước đạt 475 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 239 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017. Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới.
Bên cạnh những kết quả trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết, vẫn còn một số tồn tại như một số địa phương lúng túng trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế, có khoảng cách khá xa về năng lực và thiếu sự gắn kết, hỗ trợ giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phó Thủ tướng cho rằng, cần nhìn nhận các vấn đề một cách đa chiều, trên cả phương diện tích cực và tiêu cực để từ đó đưa những phương án xử lý hợp lý, phù hợp với tình hình trong nước nói riêng và cục diện kinh tế thế giới nói chung. Với quan điểm đó, hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới cần đảm bảo 4 yếu tố: chủ động, đổi mới, thiết thực và hiệu quả”.
Thị trường xuất khẩu cải thiện nhờ Hiệp định tự do
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, những xu thế và diễn biến mới trong tình hình kinh tế thế giới đã và đang có tác động không nhỏ tới tình hình hợp tác kinh tế đa phương, khu vực nói chung và tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói riêng. Những xu thế đó có thể mang lại một số cơ hội quan trọng cho Việt Nam.
“Với việc chuẩn bị thực hiện CPTPP và chờ phê chuẩn EVFTA, Việt Nam được đánh giá là có thể cải thiện đáng kể tiếp cận thị trường xuất khẩu, qua đó tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay.
Trong khi đó, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, mức tăng thực tế có thể cao hơn nếu Việt Nam có những cải cách thể chế kinh tế thực chất và thu hút được những dự án đầu tư có chất lượng. Những hàng rào kỹ thuật mang hơi hướng bảo hộ ở các thị trường phát triển cũng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng thích ứng và đổi mới khoa học công nghệ.
Ước lượng của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương mới đây cho thấy, đến năm 2030, Cách mạng Công nghiệp 4.0 có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm từ 28,5-62,1 tỷ USD, tương đương mức tăng GDP 7-16% tùy theo từng kịch bản.
Bên cạnh những thuận lợi, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức đối với một nền kinh tế mở. Trong đó, Việt Nam phải đối mặt với tác động chuyển hướng thương mại từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc. Xử lý thách thức này càng khó hơn khi thương mại điện tử xuyên biên giới đã phổ biến hơn, đi kèm với rủi ro tấn công an ninh mạng. “Một số nhà đầu tư có thể chuyển địa điểm từ Trung Quốc sang Việt Nam. Khi ấy, việc sàng lọc các dự án phù hợp với yêu cầu trên cả các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường là một nhiệm vụ khó khăn”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, để ứng phó với những xu thế thương mại mới trong kinh tế và thương mại quốc tế, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần cần liên tục theo dõi, cập nhật các kịch bản đủ chi tiết để ứng phó với biến động kinh tế thế giới, trong đó có động thái chính sách thương mạivà tỷ giá của các nền kinh tế chủ chốt. Cần theo dõi động thái chính sách của các nước thứ ba để đánh giá sát hơn tình hình và học hỏi kinh nghiệm ứng phó.
Bên cạnh đó, chủ động rà soát lại những quy định chính sách trong nước, đảm bảo có công cụ và dư địa chính sách phù hợp để định hướng hàng hoá xuất nhập khẩu và ứng phó với những biến động bất lợi trên thị trường thế giới, đồng thời khuyến khích việc tiếp cận và tận dụng thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0…