– Gói hỗ trợ của Chính phủ trong bối cảnh dành cho doanh nghiệp và người dân là cần thiết. Theo đó, cần hỗ trợ thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, khơi thông thị trường. Tuy nhiên cần xác định rõ “trạng thái bình thường mới sau đại dịch COVID-19” trong lĩnh vực kinh tế, để có những kế hoạch hành động cụ thể nhằm khôi phục nền kinh tế quốc gia.
Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ Công Thương (Ảnh: K.D)
Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tại buổi làm việc với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/4, tại trụ sở Bộ Công Thương.
Tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho biết, ngày 28/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thông tin về cơ bản Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, hiện tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới, nhiều nước có quan hệ thương mại với Việt Nam vẫn chưa kiểm soát được, vì vậy, thời gian này, cần phát triển thị trường nội địa là chính.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, tại buổi làm việc với Bộ Công Thương, Tổ tư vấn mong muốn được nghe các ý kiến từ phía Bộ về gói kích cầu kinh tế của Chính phủ cũng như các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong trạng thái mới. Cùng với các ý kiến của bộ ngành khác, Tổ tư vấn sẽ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng để sớm đưa ra các giải pháp cụ thể, khôi phục nền kinh tế hậu COVID-19.
Báo cáo với Tổ tư vấn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Dương Duy Hưng đã chia sẻ nhanh, ngắn gọn những kết quả nổi bật Bộ Công Thương đã triển khai thời gian vừa qua trong công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh COVID-19. Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, tại Quyết định số 481/QĐ-BCT và Chỉ thị số 06/CT-BCT, Bộ Công Thương đã xây dựng các giải pháp và phân giao 127 nhiệm vụ cho các đơn vị triển khai thực hiện. Trong đó, bao gồm cả các nhiệm vụ cấp bách trước mắt và các nhiệm vụ mang tính dài hạn để củng cố năng lực sản xuất kinh doanh trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đến thời điểm này, các đơn vị đều đang bám sát yêu cầu nội dung và tiến độ của các nhiệm vụ được giao để triển khai thực hiện theo kế hoạch.
Việc triển khai thực hiện một cách đồng bộ các nhiệm vụ được Bộ đề ra tới nay đã cho thấy những kết quả tích cực, cả trong công tác phòng chống dịch bệnh và trong công tác tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương, bên cạnh việc tiếp tục xử lý các vấn đề cấp bách để vừa phòng chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thì yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là cần xây dựng kế hoạch để thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực của ngành Công Thương trong tình hình mới.
Đặt vấn đề khởi động lại nền kinh tế sau thời gian ảnh hưởng dịch bệnh, cần làm rõ trạng thái mới của xã hội như thế nào, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, có 4 yếu tố của trạng thái này là: Việc đứt gãy của chuỗi cung ứng; sự thay đổi của phương thức sản xuất và tiêu dùng trong xã hội; tổng cầu của cả nền kinh tế giảm, ảnh hưởng đến sản xuất; kích thích tăng thêm xu thế bảo hộ mậu dịch. Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, gói hỗ trợ của Chính phủ trong bối cảnh này dành cho doanh nghiệp và người dân là cần thiết. Theo đó, cần hỗ trợ thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, khơi thông thị trường.
Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng về sự cần thiết của gói hỗ trợ Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng đề nghị, gói hỗ trợ cần dành cho những ngành nghề thực sự cần thiết, sử dụng nhiều lao động trong nước, có như vậy, hỗ trợ mới thực sự đạt hiệu quả.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, thời gian dịch bệnh, giãn cách xã hội vừa qua cho thấy, người dân rất ủng hộ Chính phủ vì nhận thấy Chính phủ có những giải pháp quyết liệt, thực sự vì dân. Vì vậy, nếu cái gì chúng ta làm nghiêm túc, thực chất thì sẽ nhận được sự ủng hộ từ phía người dân.
Ngoài ra, về vấn đề phát triển thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng chia sẻ, chúng ta vẫn phải tuân theo quy luật của kinh tế thị trường. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, thị trường trong nước vẫn là điểm mấu chốt trong thời gian sắp tới, ít nhất là đến cuối năm nay.
Đối với gói kích cầu kinh tế, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định sự cần thiết, cần đặc biệt quan tâm, hỗ trợ đến các doanh nghiệp đầu tàu, dẫn dắt cả nền kinh tế. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dẫn chứng, với việc giảm giá điện của Chính phủ trong thời gian dịch bệnh, rất nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi, trong đó, có doanh nghiệp tiết kiệm hàng tỷ đồng. Đó là sự hỗ trợ thiết thực nhất.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng thống nhất quan điểm với các Thứ trưởng và Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề xuất, cần xác định rõ trạng thái mới, sau đó các bộ, ngành mới có những kế hoạch hành động cụ thể. Bộ trưởng phản biện, trước khi nói đến gói kích cầu kinh tế thì hãy đánh giá lại các gói hỗ trợ khác trước đó, phải đánh giá thực chất, hiệu quả của các gói đến đâu, từ đó, gói kích cầu mới thực chất và đúng nơi, đúng mục đích. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ thêm, gói kích cầu đầu tiên là tạo thuận lợi cho kích cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, bối cảnh hiện tại nên thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Theo Bộ trưởng, đây là lúc phải định vị lại phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam.
Kết luận buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ tư vấn Nguyễn Đức Kiên và TS. Trần Đình Thiên đánh giá cao các ý kiến thẳng thẳn, thấu đáo và “có tầm nhìn” của Bộ Công Thương. Tổ Tư vấn hy vọng sẽ tiếp tục có những buổi làm việc như vậy để Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng và Bộ Công Thương có những trao đổi, phản biện nhiều hơn, từ đó đóng góp những ý kiến xác đáng, tham mưu chính sách cho Chính phủ trong giai đoạn phục hồi kinh tế hậu COVID-19 cũng như giai đoạn sau.