– Khẳng định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng đặt ra nhiệm vụ thời gian tới, cộng đồng hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam cần tập trung sáng tạo sản phẩm, kỹ thuật mới,…
Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia – TECHFEST là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp tổ chức với các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị – xã hội. Sự kiện năm nay được tổ chức trong các ngày 28/11/2018 – 01/12/2018 với điểm nổi bật là sự tham gia của các đối tác như Singapore, Malaysia, Hàn Quốc… trong các hoạt động xây dựng chương trình, đối thoại chính sách hỗ trợ khởi nghiệp.
Phát biểu tại Lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST Vietnam 2018 diễn ra tối 29/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hàng triệu từ khóa liên quan tới khởi nghiệp sáng tạo xuất hiện trên Google cho thấy sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng xã hội, không khí khởi nghiệp lan tỏa khắp nơi không phân biệt vùng miền, tôn giáo, không gian.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng bất kỳ ai cũng cần phải dám chấp nhận thất bại khi khởi nghiệp để khám phá tiềm năng của bản thân.
Khởi nghiệp sáng tạo vì con người, con người là trung tâm vũ trụ, ươm mầm giấc mơ cho khởi nghiệp sáng tạo. Chỉ số Sáng tạo Toàn cầu (GII) 2018 của Việt Nam xếp ở vị trí khá cao, thứ 45/126 nền kinh tế được xếp hạng. Xếp hạng Chỉ số Theo dõi Doanh nhân toàn cầu (GEM) xếp thứ 15/54 nền kinh tế được xếp hạng.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận một thực trạng là hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta vẫn chưa tốt. Xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta hiện chỉ đứng 60/125 quốc gia/vùng lãnh thổ. Năng lực sáng tạo theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới chỉ ở vị trí 82/140 quốc gia.
Khẳng định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng đặt ra nhiệm vụ thời gian tới, cộng đồng hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam cần tập trung sáng tạo sản phẩm, kỹ thuật mới, tái cấu trúc doanh nghiệp, tạo thêm nhiều giá trị cho xã hội. Các doanh nghiệp hãy mạnh mẽ, tự tin và làm bùng cháy khát vọng khởi nghiệp sáng tạo, bên cạnh đó cần tham khảo kinh nghiệm và bài học từ các quốc gia khác về khởi nghiệp.
Tới thời điểm này, Chính phủ có Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Quyết định 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, nhằm đạt mục tiêu tới năm 2045 cơ bản tạo dựng thành công không gian khởi nghiệp sáng tạo chào mừng 100 năm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với thu nhập bình quân đầu người 18.000 USD.
Chính phủ cam kết bảo trợ và hỗ trợ tối đa cho khởi nghiệp sáng tạo, coi đây là tài sản vô giá của quốc gia hướng tới một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh gồm các giá trị công nghệ, tài chính, marketing.
Thủ tướng đề xuất hình thành một Trung tâm khởi nghiệp quốc gia thống nhất (trước mắt có cơ sở tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng), là nơi gặp gỡ trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa các khởi nghiệp trong nước và quốc tế, ưu tiên cho việc thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ sinh thái khoa học công nghệ đồng thời xây dựng Mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Trung tâm khởi nghiệp quốc gia phải thực sự là một cộng đồng sáng tạo và đổi mới mạnh mẽ, nơi các doanh nhân, nhà đầu tư, nhà phát triển công nghệ và các cố vấn trong môi trường kỹ thuật số tương tác được mang đến gần nhau. Mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia phải là một mạng lưới mở, nơi tập hợp các nhà khởi nghiệp, các nhân tài trong nước và nước ngoài của Việt Nam và cả đối tác, bạn bè khắp năm châu.
Trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia diễn ra chuỗi sự kiện: Triển lãm trưng bày sản phẩm dịch vụ của hơn 200 doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, là nơi thử nghiệm tiềm năng sản phẩm, dịch vụ tương lai trên thị trường, quảng bá hình ảnh đồng thời tiếp cận với khách hàng, đối tác tiềm năng cũng như truyền thông trong nước và quốc tế.
Đối thoại Thủ tướng với doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là kênh tổng hợp thông tin, kiến nghị của thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước đến Chính phủ cùng với các cơ quan, ban, ngành của Nhà nước về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, đây là cơ hội để trao đổi về các giải pháp, đề xuất, sáng kiến đóng góp để xây dựng hệ sinh thái. Diễn đàn còn đưa đến cái nhìn tổng quan, sâu rộng về tình hình phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp, từ đó đề xuất các phương án phát triển sâu và rộng hơn nữa.
Tọa đàm chính sách về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữa nhà lập pháp từ các quốc gia trong khu vực, nhằm mục tiêu đưa các sáng kiến về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xuyên quốc gia đi vào thực chất.
Bên cạnh các buổi tọa đàm và hội thảo của các Làng công nghệ tập trung vào những ngành dọc, TECHFEST 2018 lần đầu tiên thảo luận về tầm quan trọng của các doanh nghiệp khởi nghiệp mang tính tác động. Nhằm mục đích tìm hiểu các lĩnh vực và chủ để nổi bật trong cộng đồng khởi nghiệp, cũng như tạo điều kiện cho những góc nhìn và ý tưởng cởi mở hơn về bản chất và vai trò của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong xã hội, chủ đề của các hội thảo bao gồm: Hiện trạng và vai trò của phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo; Vai trò của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong giải quyết các thách thức kinh tế-xã hội; Tầm quan trọng và xu hướng phát triển của công nghiệp 4.0; Khuyến khích hợp tác và đối thoại giữa doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và các tập đoàn lớn; Tầm quan trọng của Vốn đầu tư mạo hiểm đối với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Sự hiện diện của gần 150 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp thể hiện tiềm năng phát triển, tìm kiếm cơ hội đầu tư thông qua các cuộc gặp gỡ với nhà đầu tư.
Điểm nhấn trong chuỗi sự kiện là Lễ trao giải Cuộc thi chung kết khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với sự góp mặt của startups đoạt giải cao của các Techfest vùng và startups các nước ASEAN, những ý tưởng sáng tạo hay nhất sẽ tham gia vào những sự kiện khởi nghiệp ở Hoa Kỳ (thung lũng Silicon), Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2015. Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hi vọng đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đây là lực lượng tiên phong, có khả năng tăng trưởng cao để đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Ban Tổ chức hy vọng đón tiếp khoảng 4.500 người tham dự (so với con số 4.000 năm 2017) cũng như 270 kết nối đầu tư (so với con số 250 năm 2017)./.
TECHFEST được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015 với tổng giá trị cam kết đầu tư sau sự kiện đạt hơn 1 triệu USD. Đến năm 2016, có hơn 3.000 người tham dự với số cam kết đầu tư hơn 3 triệu USD, và năm 2017 số người tham dự vượt ngưỡng 4.000 với tổng giá trị cam kết đầu tư sau sự kiện đạt hơn 4 triệu USD. |