VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Hôm nay (1/12), nhiều quyết định quan trọng có hiệu lực

– 5 trường hợp được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh; Người lao động nước ngoài phải đóng 8% bảo hiểm xã hội bắt buộc; Thêm một trường hợp được miễn học phí… là những quyết định quan trọng có hiệu lực từ hôm nay (1/12).
 
5 trường hợp được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh

   Chính phủ vừa ban hành Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), có hiệu lực từ ngày 1/12/2018. Trong đó, có 5 trường hợp được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT. Cụ thể:

– Hỗ trợ 100% chi phí khám, chữa bệnh (KCB) với các đối tượng gồm người có công với cách mạng; cựu chiến binh; người được hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng; người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn…

– Hỗ trợ 100% chi phí KCB và không áp dụng giới hạn tỉ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế đối với người hoạt động cách mạng trước năm 1945; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B…

– Hỗ trợ 100% chi phí KCB tại tuyến xã.

– Hỗ trợ 100% chi phí KCB đối với các trường hợp chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% lương cơ sở (Mức lương cơ sở hiện nay là 1,39 triệu đồng/tháng).

– Hỗ trợ 100% chi phí KCB khi người bệnh tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ khi tự đi KCB vượt tuyến.

Người lao động nước ngoài phải đóng 8% bảo hiểm xã hội bắt buộc

Ngày 15/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo đó, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thực hiện các chế độ BHXH bắt buộc sau: Ốm đau; thai sản; bảo hiểm; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất.

Từ ngày 1/1/2022, hàng tháng người lao động nước ngoài đóng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó, thời gian này không được tính để hưởng BHXH.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2018.

Thêm một trường hợp được miễn học phí

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 145/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020-2021.

Theo đó, Nghị định số 145/2018/NĐ-CP bổ sung thêm đối tượng được miễn học phí là: Trẻ em học lớp mẫu giáo 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền.

Nghị định số 145/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12. Chính sách miễn học phí cho trẻ em học lớp mẫu giáo 5 tuổi quy định ở trên được thực hiện từ năm học 2018-2019 (từ ngày 1/9/2018).

Quy định mới về xếp lương đối với công chức quản lý doanh nghiệp Nhà nước

Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư 13/2018/TT-BNV sửa đổi Khoản 8, Mục III, Thông tư 79/2005/TT-BNV hướng dẫn xếp lương đối với người giữ chức danh, chức vụ tại công ty TNHH một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm làm cán bộ, công chức, viên chức.

Cụ thể, xếp lương ngạch chuyên viên cao cấp hoặc ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tương đương chuyên viên cao cấp đối với người đã có thời gian xếp lương ở ngạch này hoặc người đáp ứng đủ một số điều kiện.

Các trường hợp còn lại được xếp lương ngạch chuyên viên hoặc ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tương đương ngạch chuyên viên.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 5/12/2018.

Quy định mới về thời gian tính trợ cấp thôi việc, mất việc làm

Ngày 24/10/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 148/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động.

Một trong những điểm sửa đổi của Nghị định là nội dung liên quan đến thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động.

Nghị định nêu rõ, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trước đó (nếu có).

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 1 tháng đến dưới 6 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 6 tháng trở lên được tính bằng 1 năm làm việc.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2018.
 Nguồn vnmedia.vn-TT