– Chưa bao giờ ngành Y lại có Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) đặc biệt như năm nay khi tất cả căng mình, dồn sức chống chọi với “cơn bão” mang tên Covid-19. Họ bỏ lại phía sau những bó hoa rực rỡ, những lời chúc mừng để đối mặt với cuộc chiến chống virus đầy cam go…
Bệnh nhân thứ 16 nhiễm Covid-19 tại Việt Nam đã xuất viện ngày 26/2 trong niềm vui của các bác sĩ tuyến huyện. (Ảnh: Tuấn Dũng)
Những hy sinh thầm lặng
Dù được trang bị các thiết bị phòng hộ, tuy nhiên, sau khi tiếp nhận một bệnh nhân nhiễm Covid-19, hơn 20 bác sĩ, điều dưỡng viên tại Khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa không khỏi lo lắng, bởi đây là một bệnh truyền nhiễm mới và chưa có phác đồ điều trị. Sau khi ca bệnh được chữa khỏi, niềm vui như vỡ òa. Tuy nhiên, ít ai biết rằng những câu chuyện, những hy sinh thầm lặng của các y, bác sĩ để có được thành quả đó.
Điều dưỡng Trần Thị Dung (46 tuổi) – Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ, với những người làm trong ngành Y thì trực Tết là một nhiệm vụ và luôn coi đó là công việc đặc thù. Trải qua rất nhiều lần trực Tết, lần này, với chị trực chiều 30 Tết Canh tý 2020, là một ngày trực đáng nhớ nhất kể từ khi chị bước chân vào ngành Y.
“Vào khoảng 15 giờ chiều 30 Tết, tôi cùng các bác sĩ, điều dưỡng khác nhận được thông báo, chuẩn bị tiếp nhận chị N.T.T (24 tuổi, trú tại huyện Yên Định), 1 ca bệnh nghi nhiễm Covid-19. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, bệnh nhân nhập viện. Lúc đó, không những tôi mà các y, bác sĩ tại khoa có phần lo lắng, do đây là ca đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa nghi nhiễm Covid-19 và chưa có phác đồ điều trị cũng như thuốc đặc trị” – điều dưỡng Trần Thị Dung bồi hồi kể lại.
Điều dưỡng Dung cho biết thêm, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo bệnh viện, tất cả khoa khẩn trương triển khai các công việc như sắp xếp các phòng cách ly, chuẩn bị phương tiện theo dõi, vật tư và các bảo hộ y tế, để theo dõi, điều trị cho bệnh nhân. Thời điểm này, dường như mọi người đã quên cái Tết đang cận kề…
Theo điều dưỡng Dung, chị chưa bao giờ tiếp xúc, điều trị trực tiếp cho một ca bệnh nào đặc biệt như vậy. Thời gian chị ở bệnh viện, tiếp xúc với bệnh nhân là chủ yếu và ít khi về nhà. Đến khi bệnh nhân N.T.T có kết quả dương tính với COVID-19, hơn 20 bác sĩ, điều dưỡng của khoa đều tự ý thức rằng, mình có thể là nguy cơ lây nhiễm cho người thân, đồng nghiệp và xã hội, nên tất cả phải tự cách ly.
Cùng chung tâm trạng, điều dưỡng Lê Thị Thu Hải (32 tuổi, Khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa) cho biết, những ngày trực tại viện, không những chị tránh tiếp xúc với mọi người, mà chính mọi người cũng tránh tiếp xúc với chị. “Trong những ngày Tết, nhìn mọi người đi chơi, cùng với gia đình vui vầy mà thấy tủi thân. Tuy nhiên, cảm giác ấy chóng qua, tôi lại tiếp tục với công việc, an ủi bản thân và khẩn trương điều trị cho bệnh nhân – những người đang rất cần đến chúng tôi” – điều dưỡng Hải chia sẻ.
Niềm vui của các bác sĩ vỡ òa khi sau 10 ngày cách ly, theo dõi và điều trị, kết quả xét nghiệm cho thấy nữ bệnh nhân nói trên có kết quả dương tính với Covid-19, sức khỏe trở lại bình thường và xuất viện. “Đây là một trong những ca bệnh đầu tiên bị nhiễm Covid-19 được điều trị khỏi tại Việt Nam. Đây không những là niềm vui của ngành Y tế Thanh Hóa nói riêng mà còn là cả nước nói chung” – bác sĩ Đỗ Xuân Tiến, lãnh đạo Khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho hay.
“Ðội đặc nhiệm ba cùng” giữa tâm dịch
Những cán bộ y tế dự phòng không đối mặt trực tiếp với loại vi rút mới này như những đồng nghiệp chuyên điều trị, thu dung bệnh nhân Covid-19, nhưng họ mang sứ mệnh quan trọng và nặng nề khi trở thành “lá chắn thép” có nhiệm vụ sàng lọc, chẩn đoán trong số hàng trăm, hàng ngàn con người kia ai mang trong mình mối nguy nhiễm bệnh. Mỗi ngày, họ chia nhau đến từng ngõ xóm, từng ngôi nhà, phải tiếp xúc với biết bao con người nhưng nan giải ở chỗ họ không thể nhìn được “kẻ thù” của mình có tiềm ẩn trong những người dân mà họ tiếp xúc hay không.
Chứng kiến các anh, các chị lao vào ổ dịch không kể đêm, ngày và sự nguy hiểm, đôi khi vì tính chất công việc mà lây bệnh mới thấy hết được giá trị từ những gì mà họ mang đến cho cộng đồng. Còn nhiều khó khăn khác mà họ vẫn thường xuyên phải đối mặt. Đó là sự hiểu nhầm, lảng tránh của mọi người, là sự chênh lệch về quyền lợi giữa những người làm công tác dự phòng với đội ngũ y, bác sĩ ở các bệnh viện, đặc biệt là về thu nhập, nhưng không ai trong số họ lùi bước. Họ chấp nhận đương đầu với thử thách khắc nghiệt, bởi họ đã chọn cho mình con đường dấn thân vì cộng đồng…
Có biết bao lời đồn thổi về dịch bệnh, cả những lời đe dọa và không ít kỳ thị bủa vây những “chiến sĩ” y tế dự phòng đang khoác trên mình tấm áo blouse nhưng tất cả không khiến họ nản lòng. Dường như những thách thức đó còn tiếp thêm sức mạnh để họ mỗi ngày lại quyết tâm chiến đấu đến cùng bảo vệ cho đồng bào mình.
Trạm Y tế xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) những ngày này luôn túc trực nhiều bác sĩ, điều dưỡng có nhiệm vụ giám sát từng người dân, từng nhà, mỗi ngày 2 lần, đo nhiệt độ; chỉ cần có biểu hiện gai người, rét run, mệt… đã cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Từ khi dịch bùng phát ở xã Sơn Lôi, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế đã cắm chốt tại huyện Bình Xuyên, chia các nhóm dự phòng, môi trường, điều trị, theo phương châm “cầm tay chỉ việc” đến cán bộ y tế các cấp.
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các đồng đội khác trong tổ công tác đặc biệt trở nên quen mặt với bà con xã Sơn Lôi. Làm việc không có ngày nghỉ, trực 24/24 giờ tại Bình Xuyên để sẵn sàng đáp ứng những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra. Họ cùng ăn, cùng ở và cùng chống dịch với người dân nơi đây. “Hằng ngày, chúng tôi tỏa đi các địa bàn nắm tình hình, thực hiện nhiều biện pháp chuyên môn khẩn thiết”, PGS.TS Trần Như Dương chia sẻ.
Nhiều hôm nửa đêm, mới thiu thiu ngủ, nhận cuộc gọi khẩn cấp, cả Tổ công tác lại bật dậy họp bàn xử lý tình huống phát sinh. Giữa những ngày cháy hết mình vì cộng đồng đó, những người đàn ông vốn gắn cuộc đời với nghiệp áo blouse cũng có những lúc chạnh lòng nhớ nhà khi tự tay vào bếp nấu ăn, hoặc khi chứng kiến bữa tối sum vầy của những gia đình trong vùng tâm dịch…
Với xã Sơn Lôi, việc tuyên truyền đến tận từng thôn. Câu thần chú của chúng tôi là “phát hiện, phát hiện và phát hiện – cách ly, cách ly và cách ly”. Quan điểm đặt ra là không bỏ sót, cách ly nghiêm ngặt”, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thành viên của Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Y tế được tăng cường lên điểm nóng Bình Xuyên giữa những ngày Covid -19 gây sóng gió tại đây cho biết.
Bác sĩ Trần Văn Tiến, Bệnh viện Quân Y 109 cùng các đồng nghiệp đóng quân tại Trạm Y tế xã Sơn Lôi từ ngày 12/2. Hằng ngày, cùng với bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) lên tăng cường tại Sơn Lôi, các anh chia ca, trực 24/24 giờ. Mỗi ngày các bác sĩ ở đây khám cho 40-50 bệnh nhân. Nhiệm vụ đặt ra là phân luồng bệnh nhân, có trường hợp nghi ngờ chuyển lên Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc).
Bác sĩ đi điều tra dịch tễ về “sốt” vì… quá mệt
Có dịp tới Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, chúng tôi mới được thực “mục sở thị” công việc của các nghiên cứu viên nơi đây. Được biết, đây là một trong hai đơn vị của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chịu trách nhiệm chính trước Bộ Y tế về chuyên môn liên quan đến dịch. Hàng ngày, các nghiên cứu viên của Khoa sẽ thực hiện sàng lọc những ca nghi ngờ nhiễm Covid-19 từ các bệnh viện tuyến Trung ương hay tuyến tỉnh. Từ đó xác định ca bệnh, nơi nào cần lấy mẫu xét nghiệm, điều tra và cần cách ly; đồng thời, tổng hợp, báo cáo số liệu các ca bệnh hàng ngày cho Viện, Bộ Y tế để đưa ra những giám sát, cảnh báo về tình hình dịch bệnh một cách chính xác nhất.
Bác sĩ Lưu Nguyên Thắng, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm chia sẻ, trong dịch Covid-19, không chỉ riêng anh mà các đồng nghiệp trong Khoa đều phải làm việc với cường độ liên tục, gấp 3 lần so với những ngày thường. Đặc biệt, dịch xảy ra trong thời điểm Tết Nguyên đán – là dịp để sum họp cùng với những người thân trong gia đình nhưng các cán bộ điều tra viên của Khoa hầu như không có Tết. Họ đều phải ngày đêm cuốn vào guồng quay của công việc, sẵn sàng ứng trực nên không có thời gian cho gia đình.
TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, sau khi phân loại, các mẫu xét nghiệm trong diện bị nghi nhiễm virus SARS-CoV-2, sẽ được Khoa đóng dấu đủ tiêu chuẩn và chuyển lên Khoa Virus của Viện để làm xét nghiệm. Khi bên Khoa Virus làm xét nghiệm xong và trả kết quả, các nghiên cứu viên của Khoa sẽ tiến hành bước tiếp theo là điều tra tiếp xúc. Một người nghi nhiễm, nhiễm có thể tiếp xúc với rất nhiều người, vì vậy, trong quá trình tiếp xúc họ sẽ lây ra cho những người xung quanh. Cụ thể, ngay khi phát hiện ca bệnh quê ở Vĩnh Phúc, việc đầu tiên phải làm là điều tra những người đã tiếp xúc với những người đó, đề nghị họ cung cấp thông tin, và sẽ tiến hành sàng lọc, điều tra kỹ hơn.
Theo BS Phạm Quang Thái, việc theo chân những người tiếp xúc đó để truy tìm các dấu vết lây nhiễm có thể có của bệnh là công việc cực kỳ vất vả, yêu cầu mỗi cán bộ điều tra viên phải liên tục theo dõi, cập nhật hàng ngày.
BS Thái cho biết, khó khăn lớn nhất trong công việc của các nghiên cứu viên trong Khoa là khi vào điều tra ổ dịch, bởi trong giai đoạn đầu của bệnh, khi chưa có những thông tin chính xác của dịch bệnh này, nhiều bác sĩ lo lắng, đã có trường hợp bác sĩ sau khi đi điều tra dịch tễ về đã bị sốt do mệt. Có bác sĩ sau khi đi điều tra bệnh nhân về, 3 ngày sau bệnh nhân ấy có kết quả dương tính, bác sĩ ấy phải đeo khẩu trang liên tục, tự cách ly và theo dõi triệu chứng…
Mỗi buổi sáng, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm đều triển khai họp trao đổi nghiệp vụ với các viện như: Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Pasteur TP Hồ Chí Minh… Tại đây, các bác sĩ sẽ chia sẻ thông tin dịch bệnh diễn biến tại các vùng miền trên cả nước, đồng thời trao đổi các triệu chứng mà bệnh nhân nghi ngờ nhiễm Covid-19, đang nhiễm đang có dấu hiệu chuyển biến tích cực.
Được biết đến nay, 16 ca dương tính với Covid-19 đã hoàn toàn khỏi bệnh và ra viện. Tuy nhiên, tại địa bàn Vĩnh Phúc, đặc biệt là vùng xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, các trường hợp đã khỏi bệnh và ra viện nhưng vẫn tiếp tục được theo dõi chặt chẽ. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cử 1 đoàn các cán bộ, chuyên gia được gọi là “nhóm phản ứng nhanh” xuống phối hợp với Sở Y tế Vĩnh Phúc và các đơn vị y tế của tỉnh trong việc khống chế, kiểm soát, cách ly các trường hợp nghi ngờ hoặc những trường hợp tiếp xúc gần. “Nhóm phản ứng nhanh” sẽ ở lại Vĩnh Phúc cho đến khi tình hình dịch lắng xuống.
Có thể nói, chưa bao giờ ngành Y tế lại có một tháng 2 – tháng kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam đặc biệt như năm nay khi tất cả căng mình, dồn sức chống chọi với “cơn bão” mang tên Covid-19.
Hơn cả mọi lời tri ân, người dân cả nước đã đặt trọn tình cảm, niềm tin vào những người thầy thuốc Việt Nam – những chiến sĩ áo trắng dũng cảm trên tuyến đầu chống dịch, xứng danh “Thầy thuốc như mẹ hiền”!