– Phải quyết liệt ngăn chặn tình trạng dịch bệnh COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Cả hệ thống vào cuộc mạnh mẽ, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, rà soát các trường hợp nghi ngờ, tiến hành xét nghiệm nhanh để phân loại, khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh với tinh thần khẩn trương, khẩn trương hơn nữa.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tinh thần phải khẩn trương, khẩn trương hơn nữa để ngăn chặn dịch lây nhiễm trong cộng đồng. Ảnh: VGP/Đình Nam
Ngày 23/3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (SARS-CoV-2) đã họp triển khai các biện pháp ứng phó. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã trao đổi, thống nhất một số nội dung về: Ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch bệnh; kiểm soát biên giới; chống lây nhiễm trong cơ sở y tế; đưa người nước ngoài đang được cách ly tập trung hoặc tại nhà chưa đủ 14 ngày về nước; tổ chức cách ly đối với những người điều khiển phương tiện vận chuyển và người hỗ trợ (tổ bay, tiếp viên, tài xế); trang bị máy đo thân nhiệt và bố trí nhân lực tại các cảng hàng không nội địa để kiểm tra thân nhiệt hành khách trước khi lên máy bay;…
Rà từng ngõ, gõ từng nhà
Đồng thời, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng thảo luận và thống nhất phải quyết liệt kiểm soát dịch bệnh cả từ hai nguồn (từ ngoài vào và từ trong nước).
Theo đó, trước hết tiếp tục kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn dịch lây lan từ bên ngoài vào trong nước qua đường bộ, đường hàng không. Bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ tổ chức các khu cách ly tập trung an toàn, không để lọt, không để lây nhiễm; đẩy nhanh tiến độ sàng lọc, xét nghiệm phát hiện người mắc bệnh.
Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để tiếp nhận người nhập cảnh, tổ chức cách ly theo quy định; đồng thời đề nghị các địa phương, lực lượng cùng phối hợp cùng quân đội để bố trí thêm các địa điểm cách ly, phương tiện vận chuyển và nhân lực phục vụ công tác cách ly tập trung.
Trước những phản ánh về tình trạng tiếp tế nhu yếu phẩm của một số gia đình cho người thân trong khu cách ly tập trung, các ý kiến đã phân tích và nhấn mạnh yêu cầu và mục đích cao nhất của cách ly tập trung là bảo đảm an toàn cho người được cách ly và đặc biệt là cho cộng đồng, sau đó mới đến việc khắc phục các điều kiện sinh hoạt còn chưa thuận tiện. Chúng ta phải tạo điều kiện tối đa cho lực lượng làm nhiệm vụ, bảo đảm an toàn. Những người có điều kiện có thể đóng góp, hỗ trợ cho công tác cách ly thông qua hệ thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ban Chỉ đạo cũng bàn giải pháp trước hết ưu tiên cơ sở lưu trú, khách sạn để cách ly có thu phí đối với người nước ngoài có hộ chiếu ngoại giao, công vụ, các chuyên gia làm việc tại các dự án quan trọng ở Việt Nam.
Đối với trong nước, Ban Chỉ đạo yêu cầu địa phương phải quyết liệt ngăn chặn tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng. Cấp ủy, chính quyền cơ sở chỉ đạo sát sao với lực lượng nòng cốt là công an và y tế “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, xác định đầy đủ các trường hợp đã nhập cảnh từ nước ngoài vào, những người tiếp xúc gần, có biện pháp cách ly và theo dõi y tế phù hợp. Việc này phải hoàn thành trước 12h trưa ngày 25/3.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng thảo luận một số nội dung liên quan đến việc bảo đảm trang thiết bị bảo hộ, thuốc men, test kit xét nghiệm, máy móc, vật tư y tế, kinh phí… để phục vụ công tác phòng chống dịch trong toàn quốc.
Bộ Y tế phải khẩn trương hướng dẫn, tạo điều kiện cho các địa phương sử dụng các bộ kit xét nghiệm để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, sàng lọc.
Các Bộ: Y tế, Tài chính, Công Thương thống nhất cơ chế mua sắm, cung cấp trang thiết bị y tế, vật tư phòng, chống dịch trên toàn quốc.
Hiện nay Việt Nam đang cách ly 52.790 người
Cập nhật tình hình dịch bệnh từ Ban Chỉ đạo cho biết, tại Việt Nam đã ghi nhận 113 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 17 trường hợp đã được điều trị khỏi và xuất viện, không ghi nhận ca tử vong.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khoẻ (cách ly) là 52.790 người, trong đó có 1.376 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 21.119 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 30.295 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Số trường hợp mắc về được cách ly từ sân bay 39; số trường hợp mắc được phát hiện sau 74. Hiện có 96 bệnh nhân (69 người Việt Nam và 27 người nước ngoài) đang được điều trị tại 11 cơ sở khám chữa bệnh.
Về tình trạng sức khoẻ các bệnh nhân, báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết hiện 3 bệnh nhân trong tình trạng rất nặng đang được điều trị tích cực; 8 bệnh nhân có tiến triển nặng hơn trước; các bệnh nhân khác sức khoẻ ổn định, trong đó có 18 trường hợp đã có kết quả âm tính lần 1.
* Tính đến 17h ngày 22/3, dịch bệnh đã lan ra 189 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 308.600 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 7 quốc gia có trên 10.000 trường hợp mắc, 15 quốc gia có số mắc trong khoảng từ trên 1.000 đến dưới 10.000; 167 quốc gia/ vùng lãnh thổ có dưới 1.000 trường hợp mắc.
Số người tử vong vì dịch bệnh COVID-19 trên toàn thế giới là 13.069 trường hợp. Trong đó, Italy ghi nhận 4.825 trường hợp, Trung Quốc 3261 trường hợp, Iran 1.556 trường hợp, Tây Ban Nha 1.381 trường hợp, Pháp 562 trường hợp, Mỹ 348, Anh 233 người,….