Khởi nghiệp với 7.500 USD cùng 10 công nhân già, đế chế này sản xuất 40% đồ điện tử toàn cầu
Hon Hai Precision Industry Co., Ltd. hay còn được biết với tên khác là Foxconn là nhà sản xuất đồ điện tử lớn nhất thế giới với các nhà máy đặt trên khắp thế giới. Điều này càng trở nên đáng nể hơn khi Foxconn vào đời với 7.400 USD và 10 công nhân già năm 1974.
Năm 1974, một chàng trai 24 tuổi dồn toàn bộ gia tài là 7.400 USD để khởi nghiệp. Terry Gou mở công ty có tên Hon Hai ở Đài Loan với 10 công nhân già. Họ chế tạo các bộ phận bằng nhựa cho máy thu hình trong một nhà kho đi thuê tại Tucheng, ngoại ô Đài Bắc.
Sinh ra trong một gia đình cơ bản, Gou được học hành khá đầy đủ. Người đàn ông sinh năm 1950 làm việc cho một nhà máy cao su sau khi tốt nghiệp. Sau đó, ông làm việc ở xưởng mài và nhà máy thuốc cho tới năm 24 tuổi, thời điểm ông dành toàn bộ những gì mình có để khởi nghiệp.
Suốt 6 năm đầu tiên, Hon Hai không có gì nổi bật. Phải tới năm 1980, bước ngoặt mới thực sự tới với công ty khi nhận hợp đồng từ Atari để sản xuất tay cầm trò chơi điện tử. Đó cũng là thời điểm là Gou thực sự đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của mình.
Những năm 1980, Terry Gou có chuyến đi đặc biệt tới Mỹ. Suốt 11 tháng ròng, ông dong duổi trên khắp nước Mỹ để tìm kiếm khách hàng. Bằng nhiệt huyết và quyết tâm, Gou thực sự chứng tỏ mình là một nhân viên kinh doanh năng nổ. Ông đột nhập, theo đúng nghĩa đen, vào nhiều công ty mà mình không được chào đón để tìm kiếm hợp đồng. Dù nhiều lần bị cảnh cáo nhưng Gou không lấy đó làm chùn bước.
Năm 1988, người đàn ông này mở nhà máy đầu tiên ở Trung Quốc đại lục. Hiện nay, nhà máy ở Thâm Quyến này vẫn là cơ sở sản xuất lớn nhất của Foxconn. Các hoạt động của công ty ở Trung Quốc cũng tăng lên đáng kể khi công ty triểu khai quy trình lắp ráp theo chiều dọc. Cùng với đó, những cơ sở vật chất phục vụ công nhân cũng được xây dựng.
Ngoài khu sản xuất, khuôn viên công ty còn có cả nhà ăn, nơi ở, khu vực chăm sóc y tế hay thậm chí là khu mai táng dành cho các công nhân. Ngay cả những trang trại gà cũng được xây dựng để cung cấp nguồn thực phẩm cho các nhà ăn công nhân.
Năm 1996, công ty bắt đầu có dấu mốc mới với việc chế tạo khung máy tính để bàn cho Compaq. Sau đó, những hợp đồng liên tiếp từ các nhà sản xuất máy tính khác cùng tới với Foxconn chẳng hạn như HP, IBM và Apple. Chỉ trong vòng vài năm, Foxconn trở thành gã khổng lồ trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng.
Ở thời điểm hiện tại, Foxconn là cái tên dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất đồ điện tử. Ngay từ năm 2010, công ty có trụ sở tại Tucheng, thành phố Tân Đài Bắc, Đài Loan đã là nhà cung cấp dịch vụ sản xuất điện tử lớn nhất thế giới, là công ty công nghệ lớn thứ 3 tính theo doanh thu và là nhà tuyển dụng lớn nhất ở Đài Loan đồng thời cũng đứng trong top đầu thế giới.
Foxconn sản xuất các sản phẩm điện tử cho các công ty lớn của Mỹ, Canada, Trung Quốc, Phần Lan và Nhật Bản. Các sản phẩm đáng chú ý do Foxconn làm ra bao gồm BlackBerry, iPad, iPhone, iPod, Kindle, các thiết bị của Xiaomi hay hàng loạt các sản phẩm nằm trong lĩnh vực đồ chơi điện tử khác.
Tính đến năm 2012, các nhà máy của Foxconn ước tính sản xuất ra khoảng 40% số hàng điện tử tiêu dùng được bán trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sản phẩm gắn liền với tên tuổi của Foxconn vẫn là những chiếc iPhone với nhiều năm đồng hành cùng Apple.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình hoạt động, Foxconn cũng vướng phải nhiều vấn đề tranh cãi. Năm 2010, một loạt vụ tự tử của người lao động tại nhà máy ở Thâm Quyến, Foxconn bị chỉ trích vì ép người lao động làm quá nhiều nhưng lại trả lương thấp. Thậm chí, việc làm thêm giờ còn vi phạm luật lao động.
Tới tháng 7/2019, Foxconn đã thông báo một chủ tịch mới thay thế vị trí của nhà sáng lập Terry Gou. Đó là Young Liu, người từng đảm trách cương vị Phó chủ tịch Foxconn đồng thời cũng là giám đốc bộ phận bán dẫn của công ty.
Theo các nhà quan sát, việc chuyển giao quyền lực này báo hiệu hướng đi mới của Foxconn. Cụ thể, công ty này dường như đề cao tầm quan trọng của bán dẫn cùng các công nghệ được mô tả là của tương lai như trí tuệ nhân tạo, robot, xe tự lái. Nó sẽ song hành cùng mảng lắp ráp các sản phẩm điện tử đang phát triển mạnh mẽ.
Thời gian qua, Foxconn cũng cho thấy sự tập trung vào lĩnh vực bán dẫn. Công ty này đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào xây dựng nhà máy ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông và Tế Nam ở Sơn Đông, Trung Quốc để xây dựng các nhà máy sản xuất chip kể từ năm 2018. Ông Young Liu đóng vai trò rất lớn trong các đơn vị mới này.
Với những gì đã diễn ra, rõ ràng người kế nghiệp mà ông Gou chọn không phải một thành viên trong gia đình. Trước đó, người ta từng kể lại rằng ông Gou có làm chung với người em trai trong nhiều năm. Được coi là người gần gũi với gia đình nhưng Gou luôn rất rạch ròi trong công việc và cá nhân. Ông cũng từng mắng em trai như mắng những nhân viên dưới quyền khác. Người em trai này sau đó cũng tách ra thành lập công ty của riêng mình.
Tuy nhiên, ông Gou lại là người khiến nhân viên rất phục. Nhận lương tượng trưng rất thấp, ông Gou sử dụng tiền túi từ việc nhận cổ tức để chia thưởng cho các lãnh đạo cấp cao. Chính điều này giúp giữ chân những “người ngoài” có năng lực làm việc cho công ty.
Hiện tại, nhà sáng lập Terry Gou vẫn giữ vai trò ở Foxconn. Theo Forbes, tính tới 18/12/2020, tài sản ròng của ông Gou là 7,1 tỷ USD. Ông là người giàu thứ 293 trên thế giới.