Siêu ủy ban này ra đời hứa hẹn sẽ thay đổi căn bản cách thức quản lý vận hành của nhiều DNNN, quy về một mối thay vì phân tán, vừa đá bóng vừa thổi còi như lâu nay.
Trả lời câu hỏi 30 năm
Tháng 5/2018, trong một cuộc trò chuyện với PV, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban cải cách và phát triển DN (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) – người chắp bút cho dự thảo Nghị định cơ cấu tổ chức của Ủy ban này – đã giãi bày nhiều vấn đề liên quan.
Trong đó, hiệu quả của Ủy ban quản lý vốn đến đâu là câu hỏi nhiều người đặt ra. Khi đó, ông Trung trả lời rằng: Mô hình DNNN trực thuộc bộ ngành như hàng chục năm nay chắc chắn chưa tốt nên phải thay đổi. Không giải trình được trách nhiệm. Rất nhiều Đại biểu Quốc hội đã nêu ai phải chịu trách nhiệm DN này, DN kia nhưng 30 năm qua không trả lời được.
“Nếu không thay đổi mà cứ để như hiện nay thì chắc chắn không tốt. Cứ 5-7 năm lại có vụ việc DN thua lỗ do không giám sát được”, ông Phạm Đức Trung chia sẻ. Hiệu quả hơn không một thời gian nữa mới biết.
PVN sẽ về với siêu ủy ban, thay vì trực thuộc Bộ Công Thương.
Ngày 30/9, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước sẽ chính thức có buổi ra mắt sau gần 8 tháng Nghị quyết của Chính phủ duyệt việc “khai sinh” cơ quan này (3/2/2018).
Khi đó, 19 DNNN đang trực thuộc các bộ ngành hiện nay sẽ “khởi động” việc chuyển về trực thuộc Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, chấm dứt vai trò quản lý trực tiếp của các bộ ngành đối với những DNNN như Tập đoàn điện lực, Tập đoàn Dầu khí, hóa chất, than khoáng sản,…
Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu giữa hai cơ quan nhà nước như trên là điều chưa có tiền lệ. Hiện nay mới chỉ có chuyển giao giữa doanh nghiệp giữa các cơ quan nhà nước với Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước – SCIC. Trình tự thủ tục quy định rõ tại Thông tư 118 của Bộ Tài chính.
Đến thời điểm này, văn bản pháp lý cho việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu DN giữa các cơ quan với Ủy ban quản lý vốn chưa được ban hành. Dự kiến trình tự, thủ tục chuyển giao… sẽ được quy định tại Quyết định Ban hành quy chế chuyển giao quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay Trung: Về mặt kinh tế, việc chuyển giao này cũng gần như cổ phần hóa các DNNN. Đó là phải xác định trách nhiệm, giá trị tài sản, ký biên bản bàn giao giữa cơ quan chuyển và cơ quan nhận bàn giao.
“Đây là việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu. Quyền đại diện chủ sở hữu bao gồm 9 quyền. Đặc biệt trong đó có quyền bổ nhiệm cán bộ, phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh, quyết định các vấn đề về đầu tư tài chính…”, đại diện CIEM nhấn mạnh.
Hết thời vừa đá bóng vừa thổi còi
Chia sẻ tại tại buổi Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị” mới đây, ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc thành lập ‘siêu ủy ban’ quản lý vốn nhà nước là cần thiết.
Ủy ban quản lý vốn Nhà nước quản lý lượng vốn lớn của các Tập đoàn, mục đích đặt ra là khắc phục tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, tránh tình trạng như trước đây, các bộ ngành ban hành chính sách lại vừa đi quản lý DN.
Mục đích tiếp theo là làm sao quản lý và sử dụng vốn nhà nước hiệu quả. Vì thế dự thảo giao chức năng quan trọng cho Uỷ ban là bảo đảm an toàn, khối lượng tài sản lớn của Nhà nước.
Đại diện cơ quan quản lý, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, các cơ chế chính sách của các Bộ ngành ban hành hiện nay đã đủ khung khổ pháp lý cần thiết để Ủy ban “có thể duy nhất là người thực hiện”.
Trước đây, các Bộ thực hiện xảy ra tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, hiện nay Ủy ban với vai trò đại diện chủ sở hữu có thể yêu cầu doanh nghiệp thực hiện, doanh nghiệp nào không thực hiện sẽ bị xử lý mà không phải đợi ý kiến các Bộ ngành.
Ông Tiến khẳng định, về phía Bộ Tài chính luôn sẵn sàng đồng hành cùng Ủy ban trong xây dựng cơ chế tài chính. Vừa qua, Bộ Tài chính đã giúp Ủy ban xây dựng Dự thảo Quyết định Ban hành quy chế chuyển giao quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, thành hay bại của ‘siêu ủy  ban’ là ở con người. Người thực hiện vô cùng quan trọng. Nếu có người đủ tài năng, phẩm chất thì sẽ thúc đẩy chính sách đạt hiệu quả cao nhất. Nếu người thực hiện không toàn tâm toàn ý, khi kết quả không đạt như ý muốn, rất có thể nảy sinh tâm lý “đổ lỗi cho chính sách”.
Danh sách các đơn vị chuyển về siêu ủy ban: ‘Quản’ 2,3 triệu tỷ đồng1. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước;2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;3. Tập đoàn Điện lực Việt Nam;4. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam;5. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam;6. Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam;7. Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam;8. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam;9. Tổng công ty Viễn thông MobiFone;10. Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam;11. Tổng công ty Hàng không Việt Nam;12. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam;13. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam;14. Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam;15. Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam;16. Tổng công ty Cà phê Việt Nam;17. Tổng công ty Lương thực miền Nam;18. Tổng công ty Lương thực miền Bắc;19. Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam;20. Các doanh nghiệp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn tintuc.vn-TT