– Không nên để người dân chỉ được ăn thịt lợn giá rẻ trên tivi; vì sao giá xăng giảm mà mà các mặt hàng khác không giảm; cần “hâm nóng” lại nghị định 100; tạm dừng tăng lương cơ bản với cán bộ công chức… là những vấn đề “nóng” trong phiên thảo luận của Quốc hội cuối tuần qua.
Ảnh minh họa
“Không có lý gì bây giờ tập trung ăn thịt lợn”
Trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội vào hôm thứ 7 (13/6), việc mất cân đối cung – cầu thịt lợn đẩy giá lên cao trong gần 1 năm qua đã được nhiều đại biểu lên tiếng. Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hoà) thì đối với giá thịt lợn tăng cao cũng như sự lúng túng, thiếu nhất quán trong việc đề xuất ngừng xuất khẩu gạo, “các bộ có chức năng giúp Chính phủ, giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế như nông nghiệp, công thương phải chịu trách nhiệm.”
Còn đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) thì nhấn mạnh, “không nên để suốt thời gian qua dư luận cho rằng người dân chỉ được ăn thịt lợn giá rẻ trên tivi.”
Khi Bộ trưởng Bộ NN&PTNN giải trình vấn đề này, người điều hành phiên họp là Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã phải 3 lần lên tiếng nhắc nhở “làm thế nào để phục hồi đàn lợn và giảm được giá thịt lợn trên thị trường.”
Sau khi đưa ra một loạt lý do khiến giá thịt lợn tăng cao, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nói một câu mà sau đó, cộng đồng mạng đã chia sẻ chóng mặt: “Nhân diễn đàn này, đề nghị chúng ta cũng phải khuyến cáo, phải lựa chọn các thực phẩm đa dạng, không có lý gì bây giờ tập trung ăn thịt lợn, thịt gà rất tốt cũng bà con nông dân sản xuất ra, cá, tôm, trứng cũng vậy đều của nông dân. Chúng ta san sẻ rổ thực phẩm, vừa bổ dưỡng tốt cho cơ thể, vừa không gây áp lực một ngành hàng này.”
Phản ứng với phần giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) nói: “Giải pháp đưa ra không thể nói là thịt heo đắt quá thì mình chuyển sang ăn thịt gà, trứng gà hay là các thịt khác. Đề nghị Bộ trưởng xem lại giải pháp của mình.”
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường:
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Không có lý gì bây giờ tập trung ăn thịt lợn
Giá xăng giảm mà giá các loại hàng khác không giảm
Cũng liên quan đến vấn đề giá, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cho biết, giữa tháng 3 giá xăng giảm 50% nhưng các mặt hàng khác, các loại dịch vụ khác không hề giảm theo giá xăng.
“Ngược lại những lúc giá xăng tăng thì tất cả các loại mặt hàng khác đều tăng theo xăng. Có những mặt hàng không dính líu đến xăng cũng tăng. Cho nên đề nghị Chính phủ xem lại các giải pháp và điều hành để điều chỉnh giá theo quy luật cung cầu cho hợp lý.” – đại biểu Giang nói.
“Hâm nóng” nghị định 100
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) chia sẻ với người dân phải giãn cách xã hội trong một thời gian dài, chia sẻ với người kinh doanh bị ảnh hưởng, bị thiệt hại bởi dịch bệnh. Nhưng theo đại biểu, “đã đến lúc chúng ta phải hâm nóng trở lại, không ngăn chặn sớm thì tâm lý chủ quan, lơ là Nghị định 100 sẽ quay trở lại thành thói quen.”
“Hiện nay, giao thông gần như trở lại bình thường nên việc hâm nóng nhắc nhau tinh thần của Nghị định 100 là cần thiết. Tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chỉ đạo trong cả nước về tăng cường công tác giáo dục pháp luật, tuần tra, xử lý nghiêm tình trạng uống rượu, bia khi tham gia giao thông. Đặc biệt là tiếp tục thiết lập các chốt chặn có thể gần khu vực quán nhậu và trên các tuyến cao tốc. Công tác xử lý nồng độ cồn phải tiếp tục thực hiện ráo riết như những ngày đầu chúng ta triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100.” – đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nói.
Tạm dừng tăng lương cơ bản với cán bộ công chức
Một vấn đề cũng rất “nóng” và được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến cuối tuần qua, đó là việc hoãn tăng lương cơ bản đối với công chức.
Theo đó, các đại biểu chia sẻ và nhất trí với đề xuất của Chính phủ tạm dừng tăng lương cơ bản đối với khối cán bộ công chức. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế và căn cơ hơn chính là việc tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí, đầu tư có hiệu quả, chống thất thu, thất thoát…
“Trong khi lạm phát tăng chỉ số tiêu dùng tăng làm giảm sức mua của đồng lương, việc giữ nguyên lương thực chất đã làm giá giảm giá trị của đồng lương, giá trị đồng lương danh nghĩa bị thấp xuống. Đồng thời, đa số công chức viên chức làm công ăn lương sẽ khó khăn hơn, tính dưỡng liêm bị giảm sút. Tôi thiết nghĩ giải pháp căn cơ, thắt lưng buộc bụng trong tình hình hiện nay phải thực sự là tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí và đầu tư công phải thật sự là thiết thực, có trọng điểm, có hiệu quả và đặc biệt là chúng ta phải chống thất thu, chống thất thoát trong mọi lĩnh vực.” – đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) nói.
Đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) đề nghị Chính phủ cân nhắc và tăng lương theo lộ trình cho người có công, các đối tượng chính sách, cán bộ hưu trí để đảm bảo an sinh xã hội.
Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị Chính phủ đánh giá tác động đầy đủ về vấn đề tạm hoãn tăng lương, báo cáo rõ việc chưa tăng lương cơ sở này sẽ kéo dài đến bao lâu và nguồn lực giành được là bao nhiêu, sẽ sử dụng vào mục tiêu gì.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cũng thống nhất tạm dừng tăng lương nhưng đặt ra một loạt câu hỏi: “Liệu có còn thực hiện được chính sách tiền lương mới theo lộ trình Nghị quyết 27 của trung ương không? Bao giờ thực hiện được? Mọi chính sách tài khóa thông qua là giảm thu hàng tỷ đồng hoặc chi thêm hàng tỷ đồng đã đến ngưỡng giới hạn nguồn lực chưa? Sẽ phải nới bội chi bao nhiêu khi thu giảm sâu như hiện nay? Thị trường trái phiếu có hấp thụ được không? Lãi phải trả như thế nào khi vay thêm trong khi 2020-2021 nhiều khoản nợ đến hạn phải vay mới để trả nợ cũ đáo hạn?”
“Cần phải có khoảng lặng trong cuộc chiến gấp gáp này.” – đại biểu Hàm nói.
Bộ Giáo dục ‘không có khả năng hoàn thành một bộ SGK’
Nguyễn Thị Kim Thúy cũng chỉ ra một hạn chế lớn của Bộ Giáo dục, đó là để chủ động triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Nghị quyết 88 giao cho Bộ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa.
“Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ.” – Đại biểu thành phố Đà Nẵng khẳng định.
Do vậy, theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, việc biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa của Bộ bằng ngân sách nhà nước trong bối cảnh này vừa không cần thiết, vừa khó bảo đảm chất lượng và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa.
Nguồn http://vnmedia.vn-TT