– Từ khi bắt đầu cải cách kinh tế vào năm 1986, Việt Nam đã không ngừng hội nhập nhanh chóng vào nền kinh tế toàn cầu. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt gấp đôi GDP, và luồng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong năm 2018 đạt tương đương 8% GDP.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam còn nhiều hạn chế
Theo báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2019 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do, đưa nền kinh tế hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu (CGTTC). Tuy nhiên, việc tham gia vào CGTTC chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Trong năm 2017, hơn nửa triệu DNNVV nội địa đóng góp khoảng gần một nửa GDP, nhưng rất ít doanh nghiệp tham gia vào CGTTC.
Cũng theo ADB, chất lượng sản phẩm, dịch vụ không đồng đều của các DNNVV là rào cản chính ngăn doanh nghiệp hội nhập với CGTTC. “Vấn đề này đặc biệt đáng quan tâm, trong bối cảnh các thị trường quốc tế ngày càng thắt chặt các tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm dịch, môi trường và sức khoẻ. DNNVV ít được tiếp cận với các công nghệ mới có thể giúp họ vượt qua được các rào cản này”, Ngân hàng ADB chỉ rõ.
Một Nghiên cứu về doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới cho thấy, DNNVV ở Việt Nam chủ yếu coi việc đổi mới sản phẩm là một cách để giảm chi phí chứ không phải để nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, có rất ít DNNVV mua sắm hoặc đăng ký sử dụng các công nghệ mới được phát triển ở các nước khác.
![]() |