VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Kinh tế toàn cầu sẽ còn nhiều khó khăn trong năm 2019

Theo bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới, mặc dù đầu 2018, kinh tế toàn cầu có dấu hiệu khởi sắc, nhưng sau đó lại giảm tốc và triển vọng trong năm 2019 sẽ còn nhiều khó khăn hơn nữa. 
Nhiều khó khăn đối với kinh tế toàn cầu
Trong nhận định đưa, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 giảm nhẹ xuống mức 2,9% sau khi đã điều chỉnh giảm tăng trưởng năm 2018 xuống 3% trong bối cảnh nhiều rủi ro ảnh hưởng tới viễn cảnh kinh tế. Thương mại quốc tế và các hoạt động sản xuất đang sụt giảm, trong khi căng thẳng thương mại ngày càng leo thang, đồng thời một số nền kinh tế mới nổi đang chịu sức ép lớn từ thị trường tài chính.
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu giảm dần, chi phí vốn vay tăng lên và chính sách thiếu ổn định sẽ là gánh nặng đối với viễn cảnh của các quốc gia đang phát triển và các quốc gia mới nổi. Tăng trưởng cho nhóm này được kỳ vọng giữ vững mức 4,2% trong năm nay, thấp hơn so với dự báo trước đó.
Theo bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới, mặc dù đầu 2018, kinh tế toàn cầu có dấu hiệu khởi sắc, nhưng sau đó lại giảm tốc và triển vọng trong năm 2019 sẽ còn nhiều khó khăn hơn nữa.
Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 giảm nhẹ xuống mức 2,9%. Ảnh minh họa
Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 giảm nhẹ xuống mức 2,9%. Ảnh minh họa
“Vì các quốc gia đang phát triển và các quốc gia mới nổi đang ngày càng gặp nhiều trở ngại về kinh tế và tài chính, tốc độ giảm nghèo cùng cực trên phạm vi toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng. Để giữ vững đà tăng trưởng, các quốc gia cần chú trọng đầu tư nhân lực, tăng trưởng bao trùm và tăng cường khả năng kháng cự cho cộng đồng”, bà Kristalina Georgieva nói.
Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu ấn bản tháng 1/2019, xu hướng tăng xuất khẩu hàng hóa đang chững lại, trong khi các hoạt động nhập khẩu có dấu hiệu giảm dần. Tăng trưởng bình quân đầu người của 35% các quốc gia đang phát triển và quốc gia mới nổi không đủ để thu hẹp khoảng cách thu nhập với các quốc gia phát triển trong năm 2019. Tỉ lệ này đối với các quốc gia dễ bị tổn thương, xung đột và bạo lực lên đến 60%.
Việc thực hiện nhiều hoạt động phát triển cùng lúc có thể làm chậm tốc độ phát triển. Chi phí vốn vay thắt chặt ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn chảy vào và tốc độ tăng trưởng ở nhiều quốc gia đang phát triển và quốc gia mới nổi. Nợ công và nợ tư nhân leo thang trong thời gian qua có thể làm tăng mức độ dễ bị tổn thương của những thay đổi trong điều kiện tài chính và tâm lý thị trường. Căng thẳng thương mại gia tăng có thể tác động xấu đối với tăng trưởng kinh tế thế giới và làm gián đoạn chuỗi giá trị liên kết toàn cầu.
“Tăng trưởng kinh tế là một trong những điều kiện quan trọng đối với giảm nghèo và thúc đẩy thịnh vượng chung”, bà Ceyla Pazarbasioglu, Phó Chủ tịch Khối Tăng trưởng Bình đẳng, Tài chính và Định chế, Ngân hàng Thế giới phát biểu.
Rủi ro nợ ở các quốc gia có thu nhập thấp đang tăng lên
Cũng theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu ấn bản tháng 1/2019, khu vực kinh tế phi chính thức đang chiếm khoảng 70% lực lượng lao động và 30% GDP ở các quốc gia đang phát triển và quốc gia mới nổi. Khu vực này gắn liền với năng suất lao động, doanh thu thuế thấp và tỉ lệ nghèo đói, bất bình đẳng cao, đây là dấu hiệu cho thấy các cơ hội đang bị đánh mất.
Các biện pháp để cân bằng khu vực kinh tế chính thức và kinh tế phi chính thức có thể bao gồm giảm gánh nặng về thuế và chính sách, tăng khả năng tiếp cận tài chính, nâng cao chất lượng giáo dục và dịch vụ công và củng cố hệ thống thu chi ngân sách.
Đáng chú ý, rủi ro nợ ở các quốc gia có thu nhập thấp đang tăng lên. Mặc dù vốn vay có vai trò hiệu quả trong việc hỗ trợ nhiều quốc gia đối phó với các nhu cầu phát triển quan trọng, tuy nhiên tỉ lệ nợ so với GDP ở các quốc gia này đang leo thang, và tỉ trọng nợ đang nghiêng dần về các nguồn vốn thị trường có chi phí cao. Điều các nền kinh tế này cần làm là đẩy mạnh huy động các nguồn lực trong nước, tăng hiệu quả quản lý nợ và đầu tư, đồng thời xây dựng các khung chính sách vĩ mô – tài khóa có khả năng kháng cự tốt hơn.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu ấn bản tháng 1/2019 cho rằng, việc duy trì tỉ lệ lạm phát ở mức thấp và ổn định như thời gian trước sẽ không còn dễ dàng đối với các quốc gia đang phát triển và quốc gia mới nổi. Các áp lực theo chu kỳ có vai trò quan trọng trong việc kìm hãm lạm phát suốt một thập kỷ qua đang dần biến mất. Trong khi đó, các nhân tố dài hạn hỗ trợ việc giảm lạm phát trong năm thập kỷ qua như thương mại toàn cầu, hội nhập tài chính hay các chính sách tiền tệ mạnh mẽ cũng đã mất đà hoặc đảo chiều. Duy trì tỉ lệ lạm phát toàn cầu ở mức thấp trở thành thách thức khó khăn không kém việc đạt tỉ lệ này trước đây.
“Việc xậy dựng chính sách thuế và chính sách xã hội nhằm cân bằng khu vực kinh tế chính thức và kinh tế không chính thức, song hành với huy động vốn trong nước và quản lý nợ sẽ là những ưu tiên hàng đầu cho các nhà làm chính sách để đối phó với những thách thức do kinh tế không chính thức đặt ra ở các quốc gia đang phát triển. Nhất là trong viễn cảnh kinh tế tối dần, những hành động như vậy càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”, ông Ayhan Kose, Giám đốc Bộ phận Triển vọng, Ngân hàng Thế giới phát biểu.
Nguồn  -TT