VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực

  11 tháng đầu năm 2018, kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong sản xuất kinh doanh cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, có sự cải thiện ấn tượng ở cả phía cung và phía cầu, lạm phát trong tầm kiểm soát; cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá, thu chi ngân sách Nhà nước được quản lý chặt chẽ …
Khu vực sản suất kinh doanh tiếp tục được cải thiện
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng đầu năm 2018, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có bước bứt phát ngoạn mục trở thành động lực dẫn dắt lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ tiếp tục đà tăng cao; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng từ thiên tai, diễn biến thời tiết xấu song tính chung 11 tháng vẫn có mức tăng khá. Cả ba khu vực này đã tạo thế kiềng ba chân vững chắc, thúc đẩy tổng cung.
Theo đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục ghi dấu đà cải thiện tốt. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành công nghiệp tháng 11/2018 ước tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 10,3% của năm 2017. Khu vực dịch vụ vẫn liên tục duy trì ổn định tăng trưởng ở mức khá kể từ đầu năm 2018. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng cũng dần bộc lộ xu hướng tăng thấp hơn xu với cùng kỳ.
Về xuất nhập khẩu, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia cũng cho hay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 11 ước tính đạt 21,60 tỷ USD. Tính chung 11 tháng năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 223,63 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 11 ước tính đạt 22,0 tỷ USD, tăng 1,1% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 216,82 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tháng 11 ước tính nhập siêu 400 triệu USD. Tính chung 11 tháng xuất siêu 6,8 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 23,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 30,2 tỷ USD.
Về lĩnh vực đầu tư, theo số liệu của Tổng cục thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 11 ước tính đạt 36,7 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát trong tầm kiểm soát
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước tính đạt 385 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 4.000,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,34% (cùng kỳ năm 2017 tăng 9,25%).
Xét theo ngành hoạt động, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thông tin, doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm nay ước tính đạt 3.007,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,2% tổng mức và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 12,7%; may mặc tăng 12,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12,1%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 10,8%; phương tiện đi lại tăng 11,3
Về chỉ số giá tiêu dùng, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2018 giảm 0,29% so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 1,81% do ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 6/11/2018 và 21/11/2018 làm giá xăng, dầu giảm 4,1% (tác động CPI chung giảm 0,17%).
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,64% chủ yếu do giá gas giảm 9,18%, giá điện sinh hoạt giảm 0,64% và giá dầu hỏa giảm 0,97%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,14%, trong đó lương thực tăng 0,27% do giá gạo tăng 0,25%; thực phẩm giảm 0,3%. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06%.
Có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có CPI tháng 11 tăng so với tháng trước: May mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,26% do thời tiết miền Bắc chuyển mùa nên nhu cầu mua sắm tăng nhẹ; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,07%; nhóm giáo dục và nhóm văn hóa, giải trí, du lịch đều tăng 0,05%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,15%.
Như vậy, CPI bình quân 11 tháng năm 2018 tăng 3,59% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 11/2018 tăng 3,24% so với tháng 12/2017 và tăng 3,46% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo đánh giá của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 11 tháng đầu năm 2018, kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong sản xuất kinh doanh cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, có sự cải thiện ấn tượng ở cả phía cung và phía cầu; lạm phát trong tầm kiểm soát; cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá, thu chi ngân sách Nhà nước được quản lý chặt chẽ, …
Song, bên cạnh đó, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng,nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, rủi ro ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, như thị trường tài chính tiền tệ nhiều biến động; ngành nông, lâm, thuỷ sản bị thiệt hại do chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai;…
 Nguồn -TT