Kinh tế Việt Nam phục hồi với nhiều dấu hiệu khởi sắc
– Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế – xã hội tháng 11/2020 tiếp tục đà phục hồi với nhiều dấu hiệu khởi sắc, nhiều điểm sáng, tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội.
Ảnh minh họa.
Nền kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu khởi sắc
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nền kinh tế Việt Nam duy trì đà phục hồi với động lực tăng trưởng chính là sản xuất công nghiệp. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2019. Sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục đạt kế hoạch. Ngành thủy sản gặp thuận lợi khi giá cá tra nguyên liệu ở mức tốt, giá tôm thẻ chân trắng tăng mạnh. Thương mại trong nước tiếp tục xu hướng hồi phục, doanh thu bán lẻ hàng hóa có mức tăng cao, đạt 13,2%, do các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đưa ra nhiều giải pháp thu hút người tiêu dùng tăng chi tiêu.
Bên cạnh đó, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 11 giảm 0,01% so với tháng 10. Tính chung 11 tháng, CPI bình quân tăng 3,51%, tiếp tục xu hướng giảm từ đầu năm. Đây là cơ hội và nền tảng tốt để thực hiện các chính sách điều hành, thúc đẩy, kích thích tăng trưởng kinh tế trong năm 2021.
Thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất ở mức thấp. Thị trường chứng khoán diễn biến thuận lợi, niềm tin của các nhà đầu tư được nâng cao nhờ các thông tin tích cực từ sự phục hồi của nền kinh tế và hoạt động điều chế vắc-xin. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 11 có những chuyển biến tích cực. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11 tăng cao trở lại, đạt trên 13 nghìn doanh nghiệp, tăng 7,3% so với tháng 10 và 6,7 % so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, mặc dù dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng năm 2020 vẫn đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước tính đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu 11 tháng đã tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó chủ yếu nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất, chiếm 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu. Đây là tín hiệu tốt cho thấy chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa quốc tế đang dần được kết nối trở lại.
Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tiến độ thực hiện và giải ngân một số dự án lớn, quan trọng quốc gia đã cơ bản đáp ứng đúng kế hoạch đề ra. Số vốn giải ngân 11 tháng đạt 336 nghìn tỷ đồng, bằng 71,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (cùng kỳ năm 2019 chỉ đạt 58,16%).
Cho đến nay đã có 15 Bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/11/2020 đạt trên 75%, trong đó, 09 Bộ, cơ quan trung ương và 07 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 85%. Giải ngân vốn đầu tư NSNN được đẩy mạnh giúp tổng chi NSNN tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 71,4% dự toán, tăng 45%.
Nhưng rủi ro vẫn ở mức cao
Mặc dù nền kinh tế đạt nhiều tín hiệu tích cực, nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vẫn còn các điểm cần lưu ý như nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn phục hồi, tuy nhiên chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11 chỉ tăng 0,5% so với tháng 10/2020, thấp hơn so với tốc độ tăng trong tháng 9 và tháng 10 (lần lượt là 2,3% và 3,6%). Kim ngạch xuất khẩu tháng 11 giảm 9% so với tháng 10/2020. Mặc dù đây mới là hiện tượng trong tháng 11 nhưng cần theo dõi sát sao tình hình sản xuất kinh doanh, kịp thời có các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, sự bất định và rủi ro vẫn ở mức cao, tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tháng 11 thấp hơn 16% so với tháng 10. Tuy nhiên, số doanh nghiệp dừng kinh doanh để làm thủ tục giải thể tăng cao, lên gần 4.500 doanh nghiệp. Điều này khiến tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 11 vào khoảng 9.180 doanh nghiệp, tăng 10,8% so với tháng 10 và cao nhất kể từ tháng 3/2020.
Bên cạnh đó, rủi ro và áp lực tài chính đối với một số doanh nghiệp có thể gia tăng trong thời gian tới khi thời hạn của các chính sách hỗ trợ đã ban hành kết thúc.Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đón nhận nhiều thông tin tích cực từ các nhà đầu tư của các quốc gia lớn, tuy nhiên sự phục hồi trên thực tế vẫn còn chậm. Thu hút vốn 11 tháng đạt 26,43 tỷ USD, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chưa cải thiện, chỉ đạt 6,5 tỷ USD, giảm 41,8% so với cùng kỳ. Trong thời gian tới, thu hút vốn đầu tư nước ngoài có thể tiếp tục gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia lớn là đối tác quan trọng của Việt Nam.
Xuất siêu 11 tháng ở mức kỷ lục nhưng chủ yếu tập trung vào thị trường Mỹ và Trung Quốc. Trong khi đó, xuất khẩu vào EU và một số thị trường giảm. Hiệp định EVFTA đã có những tác động tích cực nhất định nhưng còn chưa khai thác hết được tiềm năng. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, chủ yếu từ việc nhiều đối tác trong hiệp định có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam và có năng lực cạnh tranh mạnh như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia…, dẫn đến cạnh tranh có thể gay gắt, khốc liệt hơn trên cả thị trường xuất khẩu và nội địa.