VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố bên ngoài mang lại như nhiều nước triển khai các biện pháp thắt chặt tiền tệ sẽ gây sức ép lên tỷ giá, khiến gia tăng gánh nặng nợ bằng ngoại tệ…
Xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng cao
Theo Báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP và tình hình kinh tế – xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế – xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm nhìn chung ổn định, tốc độ tăng giá tiêu dùng được kiểm soát thấp hơn cùng kỳ năm 2017 và trong phạm vi mục tiêu của Quốc hội. Trong đó, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thanh khoản tốt, mặt bằng lãi suất được giữ vững, không thay đổi; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) thấp hơn cùng kỳ năm 2017, nhưng giải ngân vốn FDI đạt khá.
Cũng theo báo cáo này, tình hình sản xuất kinh doanh các khu vực diễn biến tích cực, trong đó công nghiệp và dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và du lịch. Xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ, cân đối thương mại thặng dư khoảng 1,08 tỷ USD.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2018 tăng 1,24% so với tháng 12/2017, tăng 3,15% so với cùng kỳ năm 2017 (cùng kỳ tăng 5,02%) và tăng 0,73% so với tháng trước, phù hợp với quy luật tháng Tết hằng năm.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính đến ngày 20/2/2018, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) ước đạt 3,34 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2017, gồm: 411 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 1,39 tỷ USD, giảm 31,4%; 133 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm khoảng 0,7 tỷ USD, giảm 7,8% và 873 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp là 1,25, tăng hơn 2 lần.
Giải ngân vốn FDI ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức
Đưa ra những dự báo về kinh tế trong nước thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, triển vọng khả quan của kinh tế thế giới tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam ở một số yếu tố như xuất khẩu hàng hóa tiếp tục khả quan do các đối tác quan trọng của Việt Nam (Mỹ, EU, Nhật Bản,…) phục hồi tích cực.
Cùng với đó, thu hút và giải ngân vốn FDI duy trì ở mức cao do kinh tế Việt Nam tiếp tục được các tổ chức quốc tế đánh giá cao về ổn định chính trị, hệ thống pháp luật được cải thiện mạnh mẽ, chi phí lao động thấp, tiềm năng tiêu dùng lớn và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ tạo điều kiện cho Việt Nam đón đầu các công nghệ hiện đại.
Bên cạnh những thuận lợi trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố bên ngoài mang lại.
Theo đó, nhiều nước triển khai các biện pháp thắt chặt tiền tệ sẽ gây sức ép lên tỷ giá, khiến gia tăng gánh nặng nợ bằng ngoại tệ, tăng chi phí cho hoạt động nhập khẩu của Việt Nam. Các biện pháp bảo hộ thị trường ở một số nước, đặc biệt là Mỹ, EU tiếp tục gia tăng sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ.
Bên cạnh đó, rủi ro dòng vốn nước ngoài đảo chiều, gây áp lực đối với tỷ giá và cán cân thanh toán. Và từ 1/1/2018, Việt Nam phải dỡ bỏ nhiều dòng thuế theo cam kết của các FTA ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như theo các FTA song phương của Việt Nam, điều này sẽ khiến nhiều sản phẩm của Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh, thậm chí bị thua thiệt ngay trên sân nhà.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ở trong nước, các vấn đề nội tại của nền kinh tế vẫn là thách thức lớn như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần cạn kiệt trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá.
Ngoài ra, yếu tố động lực tăng trưởng ở cả tổng cung và tổng cầu như khai thác dầu, than, đóng góp của Samsung, kiều hối, FDI, tiêu dùng đều đã được tận dụng và khó có khả năng duy trì được mức tăng cao như trong năm 2017.
Thêm vào đó, thị trường lao động Việt Nam năm 2018 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang và sẽ tác động.
Nguồn VnMedia-TT