Hôm nay 8-6, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV bắt đầu đợt làm việc thứ hai với hình thức họp tập trung kéo dài đến ngày 18-6.
Quang cảnh phiên họp của Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Trong buổi sáng ngày đầu tiên của đợt hai, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ phát biểu một số vấn đề về kết quả Quốc hội họp trực tuyến. Sau đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) và Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Liên quan đến Hiệp định EVIPA, Quốc hội sẽ nghe và cho ý kiến về các tờ trình và báo cáo về dự thảo Nghị quyết công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của EVIPA.
Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ thảo luận tổ về báo cáo tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Các vấn đề này sau đó tiếp tục là chủ đề thảo luận tại phiên họp toàn thể ở hội trường trong 2 ngày làm việc cuối tuần (thứ sáu và thứ bảy). Các thành viên Chính phủ được dành thời gian để phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Một số nội dung quan trọng khác được xem xét trong các ngày làm việc tiếp theo gồm: việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội; chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021, và đặc biệt là dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác…
Quốc hội cũng sẽ tiến hành công tác nhân sự theo đúng quy trình để bầu ra Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí Vương Đình Huệ và chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với đồng chí Nguyễn Thanh Hải, đồng thời bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
* Ngay trước khi kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV tiến hành đợt 2, Chính phủ đã gửi tới Quốc hội tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Tên của dự thảo nghị quyết đã thay đổi (tên ban đầu là giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với DN nhỏ và siêu nhỏ), là kết quả tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 45.
Nghị quyết này áp dụng đối với người nộp thuế thu nhập DN là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập DN, bao gồm 4 đối tượng: DN được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập (trừ DN được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài).
Về mức giảm, Chính phủ đề nghị giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người. DN căn cứ quy định này để tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập DN theo quý và quyết toán thuế thu nhập DN năm 2020. Đề xuất giảm thuế đối với DN có quy mô nhỏ “có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người” được lý giải là nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải. Bên cạnh đó, đề xuất nêu trên cũng dựa trên tính toán về khả năng, điều kiện ngân sách nhà nước (NSNN). Theo ước tính, việc đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với DN có quy mô nhỏ sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 15.840 tỷ đồng và nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả DN có quy mô vừa có thể làm giảm thu NSNN khoảng 22.440 tỷ đồng.
Dự kiến sáng 11-6, Quốc hội sẽ nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về nội dung trên, sau đó sẽ tiến hành thảo luận tại tổ trước khi thảo luận tại hội trường vào sáng 16-6.