Trong suốt chặng đường 30 năm tìm đường cứu nước, Bác Hồ chỉ ôm ấp một mục đích, một ước nguyện “Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi. Đó là tất cả những gì tôi cần, tất cả những gì tôi muốn”. Mục đích ấy, ước nguyện ấy của Người đã thành hiện thực: 14 giờ ngày 2-9-1945, trong cuộc mít tinh tại Vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn đồng bào trên diễn đàn cao và trang nghiêm, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Và, bắt đầu từ ngày này, cứ đến ngày 2 tháng 9 hàng năm, Bác Hồ chăm lo ngày lễ Độc lập của dân tộc bằng cả tình cảm, trách nhiệm của người đứng đầu Nhà nước đối với non sông, đất nước và đồng bào. Mà việc đầu tiên, Bác Hồ chăm lo là tri ân các liệt sĩ đã hy sinh xương máu để giành độc lập tự do cho dân tộc. Tiếp đến, Bác ký các Sắc lệnh thưởng Huân chương, Huy chương cho những đơn vị, cá nhân đã anh dũng trong chiến đấu, trong sản xuất cho việc bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng đất nước; Mở tiệc chiêu đãi mừng ngày lễ độc lập đối với các gia đình có công với cách mạng; Ký lệnh tha cho những phạm nhân đã cải tạo tốt và giảm hạn tù cho những phạm nhân thật thà cố gắng sửa chữa trong thời gian ở trại; Và, Bác tham gia Đoàn Chủ tịch lễ mít tinh kỷ niệm ngày Quốc khánh. Từ trên lễ đài, Bác kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hãy đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ nền độc lập và xây dựng đất nước. Xin được ôn lại sự chăm lo ấy của Bác Hồ đối với ngày lễ Độc lập của dân tộc qua vài dịp lễ:
Ngày 31-5-1946, Bác Hồ sang thăm nước Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Nên ngày lễ Độc lập năm này Bác xa Tổ quốc. Tối 2-9-1946, Bác đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hội Liên hiệp Việt kiều và Hội Hữu nghị Pháp – Việt tổ chức tại Paris. Người bày tỏ tình cảm nhớ thương Tổ quốc, đồng bào, đặc biệt là đồng bào Nam bộ. Người khuyên nhủ đồng bào Việt kiều sống trên đất Pháp tranh thủ sự cảm tình, sự giúp đỡ của nhân dân Pháp đối với Việt Nam;
Kỷ niệm 5 năm ngày Quốc khánh 2-9-1950, Bác ra lời kêu gọi gửi các chiến sĩ Vệ quốc đoàn, bộ đội địa phương và dân quân du kích, nêu rõ ý nghĩa quan trọng của chiến dịch Cao – Bắc – Lạng, cũng như ở các mặt trận khác hãy ra sức thi đua diệt giặc lập công quyết tâm thắng trận này. Nhân ngày Độc lập, Bác ký Sắc lệnh 1346/SL tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng ba cho Liên hiệp Công đoàn thành Chợ Lớn, Liên đoàn Cao su Nam Bộ; Huân chương Kháng chiến hạng nhất cho Công đoàn Đà Nẵng;
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ về Hà Nội, và từ đây, những ngày lễ Độc lập được tổ chức tại thủ đô Hà Nội, mở đầu là kỷ niệm lần thứ 10 Quốc khánh nước nhà: 16 giờ ngày 1-9-1955, Bác Hồ dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Liên – Việt đến viếng và đặt vòng hoa tại Đài liệt sĩ trước Phủ Chủ tịch, cạnh Quảng trường Ba Đình nhân kỷ niệm lần thứ 10 Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.
Sáng 2-9-1955, Bác tham dự và đọc Lời kêu gọi trong buổi lễ long trọng tổ chức tại Quảng trường Ba Đình. Người kêu gọi: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch. Lực lượng đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi: Lực lượng đoàn kết sẽ động viên nhân dân từ Bắc đến Nam đấu tranh để thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước”.
17 giờ ngày 2-9, tại Phủ Chủ tịch, Bác Hồ chiêu đãi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu các chính đảng và các đoàn thể nhân dân, đại biểu các địa phương, các dân tộc, các anh hùng và chiến sĩ thi đua về thủ đô dự lễ kỷ niệm Quốc khánh, và các vị đại sứ, các trưởng đoàn ngoại giao đang có mặt tại Hà Nội.
Cùng ngày: Bài viết của Bác “Quốc khánh lần thứ 10 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, đăng trên Tạp chí “Vì một nền hòa bình lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân” (tiếng Pháp) số 356, trong đó Người đánh giá “Do chủ nghĩa phát xít thất bại, tình hình thế giới trở nên thuận lợi, và Cách mạng Tháng Tám đã thành công vì có được 3 điều kiện không thể thiếu được đối với bất cứ một cuộc cách mạng phản đế nào ở một nước thuộc địa: đó là sự lãnh đạo của giai cấp công nhân; sự thành lập một Mặt trận dân tộc phản đế rộng rãi; khởi nghĩa vũ trang”. Sau đó, Người khẳng định: “Mặc dù còn gặp khó khăn và trở ngại, chúng tôi tiến lên phía trước với lòng tin tưởng và tâm hồn của người chiến thắng”; Bài “Chúc mừng 10 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945 – 1955)” của Bác, bút danh CB đăng báo Nhân dân số 548, Người nêu lên những thành tích của nhân dân ta từ 1945-1955 và chỉ rõ một trong những nguyên nhân của thắng lợi đó chính là sự đoàn kết, quyết tâm của nhân dân ta. Và khẳng định: Hiện nay trong cuộc đấu tranh chính trị, sức ta mạnh hơn trước nhiều, anh em ta lại đông hơn nhiều, chúng ta đoàn kết và quyết tâm, chúng ta nhất định thắng.
Ngày 3-9-1955, bài “Lễ mừng Quốc khánh” của Bác bút danh CB đăng báo Nhân dân số 549, Người mô tả lại không khí tưng bừng của nhân dân ta trong lễ mừng Quốc khánh 2-9-1955, và nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân ta phải đoàn kết chặt chẽ và thực hiện Lời kêu gọi mà Người đã đọc trong lễ kỷ niệm Quốc khánh;
Ngay từ đầu năm 1960, Bác Hồ đã chúc mừng “Mừng Nhà nước ta 15 Xuân xanh” và Người đã chăm lo cho ngày “Xuân xanh” đó:
Tối 30-8-1960, Bác dự tiệc của Thủ tướng Chính phủ chào mừng các chuyên gia nước ngoài đang công tác tại Việt Nam nhân dịp Quốc khánh của nước ta. Ngày 31-8, tại Phủ Chủ tịch, Bác Hồ cùng với các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội tiếp các đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ các nước XHCN, đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Ấn Độ, Indonesia, nhân dịp các đoàn sang thăm và dự lễ Quốc khánh lần thứ 15 của Việt Nam. Thay mặt Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Bác Hồ nhiệt liệt hoan nghênh các đoàn đại biểu đã nhiệt tình ủng hộ Việt Nam và mong rằng mối quan hệ tốt đẹp đó ngày càng gắn bó hơn. Cuối cùng, Người tặng các đại biểu câu thơ:
“Anh em đoàn kết một nhà,
Ấy là tình nặng, ấy là nghĩa sâu”.
Sáng 1-9, Bác dự lễ kỷ niệm Quốc khánh do Hà Nội tổ chức tại Nhà hát Lớn. Trong ngày, Bác ký Sắc lệnh 24/LCT công bố quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (số 24/TVQH) ngày 29-8-1960, về việc ân xá phạm nhân và Sắc lệnh 25/LCT công bố Quyết định của UBTVQH (số 5/TVQH) ngày 29-8-1960 về việc tặng thưởng Huân chương, huy chương nhân kỷ niệm lần thứ 15 ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
6 giờ ngày 2-9, Bác tham dự lễ mít tinh và diễu hành tại Quảng trường Ba Đình. Sau khi duyệt các đơn vị lực lượng vũ trang, các đoàn thể quần chúng diễu hành, Bác kêu gọi “Đồng bào hãy thi đua học tập, công tác, lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm”. Đặc biệt, trong một bản thảo chuẩn bị cho lễ Quốc khánh, Bác có viết “Trong lúc chúc mừng Quốc khánh vĩ đại lần thứ 15, chúng ta càng nhớ đến đồng bào ta ở miền Nam đang anh dũng đấu tranh chống chế độ tàn bạo của Mỹ – Diệm. Chúng ta xin gửi tới đồng bào miền Nam mối tình ruột thịt, và xin hứa với đồng bào rằng: Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh thì chậm lắm là 15 năm nữa, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc Nam nhất định sẽ sum họp một nhà” (hai chữ “chậm lắm” được gạch đi);
Kỷ niệm lần thứ 20 Quốc khánh nước nhà (2-9-1965), trong hoàn cảnh đế quốc Mỹ đang tiến hành cuộc chiến tranh bằng không quân bắn phá ác liệt miền Bắc, Bác Hồ dành cho sự chăm lo đến ngày lễ kỷ niệm Quốc khánh này bằng những việc:
Sáng 1-9-1965, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc, tại nghĩa trang Mai Dịch.
Trước ngày 2-9, Bác Hồ đã trả lời phóng viên báo Nước Đức mới Phran Phabe, Người nói rõ đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc là nhằm cứu vãn thất bại ở miền Nam Việt Nam, và Người khẳng định: nhân dân Việt Nam quyết không dung thứ cho bọn xâm lược phá hoại hòa bình, giày xéo lên độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mình;
Ngày 2-9-1965, Bác Hồ gửi thư cho thanh niên và căn dặn: “Phải luôn luôn nâng cao chí khí cách mạng “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”… Phải tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ của tập thể, của nhân dân. Tăng cường và giúp đỡ lẫn nhau… Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng và tự mãn. Chống lãng phí xa hoa… Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học – kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân. Luôn luôn chú ý dìu dắt và giáo dục thiếu niên, nhi đồng, làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo”.
Trước ngày 4-9-1965, Bác viết bài cho báo Thời Mới (Liên Xô) nhan đề: “20 năm đấu tranh thắng lợi của cách mạng Việt Nam, điểm lại những thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong 20 năm (1945 – 1965) và nêu lên những bài học lớn: Đảng Cộng sản lãnh đạo và có đường lối cách mạng đúng đắn; Đảng phải liên hệ mật thiết với quần chúng; Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; Đoàn kết với mọi lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới”;
Lễ kỷ niệm lần thứ 24 Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-1969, trong lúc Bác Hồ đang mệt nặng, nhưng Bác vẫn gắng gượng chăm lo tới ngày lễ vĩ đại của dân tộc:
Ngày 31-8-1969, Bác gửi lẵng hoa tặng các chiến sĩ tên lửa Sư đoàn 361 khi nghe báo cáo các chiến sĩ tên lửa Hà Nội đã bắn rơi 1 máy bay không người lái của Mỹ ngày 30-8-1969. Ngày này, Bác rất mệt, nhưng cứ qua một cơn cấp cứu, khi tỉnh dậy Bác hỏi hôm nay đồng bào miền Nam đánh thắng ở đâu? Buổi tối, tại Hội trường Ba Đình, lễ mừng Quốc khánh được tổ chức long trọng. Vì mệt, Bác không đến dự được, nhưng khi nghe việc tổ chức lễ kỷ niệm này, Bác cảm thấy khỏe hơn và nhìn Bác tỉnh táo hơn.
Ngày 1-9-1969, sức khỏe của Bác giảm sút nghiêm trọng. Tuy vậy, Bác vẫn gửi vòng hoa tới viếng các liệt sĩ tại nghĩa trang Mai Dịch. Và Bác còn gửi tặng lẵng hoa cho Đội cảnh sát khu vực 4 khu phố Ba Đình, cho Đội bảo đảm giao thông đường bộ 1.
Đúng ngày Quốc khánh 2-9-1969, bệnh của Bác diễn biến rất xấu và mỗi lúc một trầm trọng; 9 giờ 47 phút ngày 2-9, Bác từ trần sau một cơn đau tim đột ngột.
Thế là, từ đây ngày Quốc khánh của dân tộc Việt Nam không còn Bác đến dự, động viên và huấn thị, không còn được nghe lời ấm áp yêu thương của Bác “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Ngày 2-9, mãi mãi là kỳ vọng gửi lại đời sau, kỳ vọng bởi vì ngày 2-9-1945, Bác Hồ đã đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho mọi người Việt Nam, nhưng ngày đó 24 năm sau, Bác ra đi, Bác có được hưởng đâu.
Ôn lại sự chăm lo, quan tâm của Bác đối với ngày lễ Độc lập, mỗi một người chúng ta càng nhớ Bác nhiều và như thấy Bác đang đứng trên cao vẫy gọi với tấm lòng
“Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế,
Ôm cả non sông mọi kiếp người”
Nguồn SGGP-TT