Nếu các DN Việt Nam cứ yên tâm với những đơn hàng gia công tới tấp gửi về, không có tầm nhìn xa cho 10-20 năm tới thì Việt Nam sẽ rơi vào “bẫy” giá trị gia tăng thấp.
“Bẫy” giá trị gia tăng thấp
“Đường cong nụ cười” là một khái niệm được Stan Shih, nhà sáng lập Công ty Acer (Đài Loan) nêu ra từ năm 1992, để chỉ ra rằng, các hoạt động lắp ráp máy tính mang giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị của ngành. Vì lý do này, Acer lập chiến lược để di chuyển dần lên các phân khúc khác của chuỗi giá trị như nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu và marketing. Chỉ khi thoát khỏi vùng trũng của “đường cong nụ cười”, Acer mới có thể rũ bỏ số phận của kẻ chuyên lắp ráp máy tính cho các công ty của Mỹ.
Nhờ tầm nhìn xa của Stan Shih mà Acer đã phát triển vượt bậc, thoát khỏi kiếp gia công thuê, hướng đến làm chủ công nghệ và tự phát triển sản phẩm. Đến nay, Acer là nhà sản xuất máy tính lớn thứ 3 thế giới, với những sản phẩm riêng, mang tính cạnh tranh toàn cầu.
Nếu các DN Việt Nam không nhận ra mình đang ở đâu trên “đường cong nụ cười”, cứ yên tâm với những đơn hàng gia công tới tấp gửi về, không có tầm nhìn xa cho 10-20 năm tới thì Việt Nam sẽ rơi vào “bẫy” giá trị gia tăng thấp.
Cứ lắp ráp gia công mãi, Việt Nam khó thoát bẫy giá trị gia tăng thấp
Dù được dự báo sẽ trở thành “công xưởng mới” tại châu Á, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đang ở tầng thấp trong chuỗi giá trị, nặng về mô hình sản xuất gia công. Trong các lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của nền kinh tế, có thể dễ dàng nhận ra đa số đều là gia công, lắp ráp, điển hình như: sản xuất điện thoại, máy tính, dệt may, da giày,…
Chẳng hạn, với ngành Dệt may và Da giày, các DN của Việt Nam chủ yếu làm các công đoạn như cắt, may, dán, dựa vào các loại vật liệu được cung cấp sẵn để hình thành sản phẩm. Nguyên liệu hầu hết đều được nhập khẩu, thiết kế thì được các công ty nước ngoài đặt hàng cung cấp.
Tăng trưởng bằng cách sản xuất và xuất khẩu giùm DN nước ngoài nên giá trị được hưởng thấp. Trong chuỗi giá trị toàn cầu, do trình độ kém, không nắm được về công nghệ, bản quyền nên các DN Việt Nam chỉ nhận được những công đoạn giản đơn, cần lao động nặng nhọc, chiếm diện tích mặt bằng lớn, gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, xu hướng rời bỏ Việt Nam của các ngành sản xuất trên sẽ diễn ra khi giá nhân công không còn rẻ so với năng suất lao động, hay do các chính sách ưu đãi thuế không còn. Hiện nhiều đơn hàng dệt may, da giày đã dịch chuyển sang các nước như Myanmar, Campuchia, Bangladesh,… do chi phí nhân công thấp hơn, luật lao động lỏng lẻo hơn.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng, năng suất lao động Việt Nam năm 2018 chỉ bằng 7,3% năng suất của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44,8% của Indonesia và 55,9% của Philippines. Điều này cho thấy nền kinh tế sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn để có thể bắt kịp năng suất lao động của các nước.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng, nếu chúng ta tiếp tục chỉ lắp ráp, gia công thì không giải được bài toán năng suất lao động. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển, nếu không có định hướng phát triển đúng và giải pháp hiệu quả, chúng ta có nguy cơ bị bỏ xa hơn nữa về năng suất lao động.
Thoát khỏi kiếp làm thuê
Làm sao để Việt Nam thoát ra khỏi hình bóng một quốc gia gia công, lắp ráp thuê? Gần đây, Bộ Thông tin và truyền thông đã dùng cụm từ “Make in Viet Nam” để nhấn mạnh quyết tâm cho sự thay đổi. “Make in Viet Nam” thể hiện sự chủ động của các DN trong sản xuất, từ làm chủ công nghệ cốt lõi đến thiết kế sản phẩm, phát triển sản phẩm,…
Một tổng giám đốc trẻ trong ngành tự động hóa cho rằng, có 4 dạng DN cơ bản trong nền kinh tế hiện nay: thứ nhất là các công ty phát triển dựa trên khai thác tài nguyên; thứ hai là các công ty dựa trên việc làm ăn đầu cơ và chộp giật; thứ 3 là các công ty dựa lên nguồn lực lao động giá rẻ và thứ 4 là các công ty phát triển dựa trên sự sáng tạo.
Ở thế kỷ 21, một quốc gia muốn bứt phá và thịnh vượng, buộc phải hướng tới nền tảng dựa trên những công ty sáng tạo.
Sáng tạo có thể ví như trái tim, chìa khóa của sản phẩm và của nền kinh tế. Sáng tạo luôn là một giải pháp tối ưu để phát triển các sản phẩm, làm cho nền kinh tế đất nước trở nên vững mạnh hơn, đột phá hơn. Phải làm chủ về công nghệ và luôn thay đổi các ý tưởng về sản phẩm, hàng hóa, chất lượng, để đem lại lợi thế cạnh tranh.
Trung Quốc đã trở thành công xưởng của thế giới, nhưng quốc gia này đang tiến lên bằng sản phẩm do chính họ sáng tạo. Số lượng bằng sáng chế hằng năm của Trung Quốc luôn thuộc hàng đầu thế giới. Ấn Độ cũng từng bước thoát khỏi thân phận gia công, một phân khúc chỉ dành cho lao động của các nước nghèo nhất đảm nhiệm trong giai đoạn đầu của công nghiệp hóa.
Ông Kim Deukjoo, Chuyên gia của Trung tâm Hợp tác Thiết kế Việt Nam – Hàn Quốc, cho hay, để mọi sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của Hàn Quốc bán được trên toàn cầu, từ mấy chục năm trước, Chính phủ Hàn Quốc đã xúc tiến những chương trình học tập các nước như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu về thiết kế. Nhờ vậy, Hàn Quốc giờ hoàn toàn chủ động trong công việc này và chính thiết kế sáng tạo là yếu tố quyết định, tạo nên thương hiệu cho các sản phẩm và DN Hàn Quốc. Các doanh nhân trong mọi lĩnh vực ở Việt Nam cần sớm nhận ra lợi ích của thiết kế sáng tạo cho các sản phẩm, dịch vụ của mình, ông Kim Deukjoo nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng phát biểu: Dù là muộn, nhưng chúng ta vẫn tự hào đã có thể sản xuất được điện thoại rồi ô tô mang thương hiệu Việt. Cơ hội đến và không bao giờ quay lại, cái chúng ta cần làm là hành động, hành động và hành động kịp thời. Phát triển công nghệ Việt đưa đất nước đến thịnh vượng. Các DN chính là những nhân tố đi đầu trong đổi mới sáng tạo.
Một tín hiệu tích cực, theo điều tra của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Bộ KH-CN), đầu tư cho nghiên cứu và phát triển đang gia tăng mạnh ở khu vực ngoài Nhà nước. Nếu trước đây, cơ cấu tỷ lệ này giữa khu vực ngoài Nhà nước và Nhà nước là 30-70 thì hiện nay khu vực ngoài Nhà nước đã chiếm hơn 50%. Điều này cho thấy rõ nhận thức của DN và xã hội đã có bước chuyển biến rất quan trọng.
Nguồn VNN-TT