VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Mười nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ năm 2021 và giai đoạn 5 năm tới

       – Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo Quốc hội 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đạt được 12 chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2021 và 15 chỉ tiêu chủ yếu cho giai đoạn 5 năm tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội tại phiên họp ngày 20/10    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội tại phiên họp ngày 20/10
Tại phiên làm việc của Quốc hội ngày 20/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi trình bày những kết quả đạt được cũng như những tồn tại hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020 đã nêu 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đạt được 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong kế hoạch phát triển KTXH năm 2021.
Theo đó, 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong kế hoạch phát triển KTXH năm 2021 bao gồm: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45 – 47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 – 1,5 điểm phần trăm; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%…
Trong giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến có 15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 – 7%; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 – 5.000 USD; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45%; năng suất lao động tăng bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 là 70%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 – 1,5 điểm phần trăm/năm; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%…
Để đạt được các chỉ tiêu nói trên, Chính phủ đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch COVID-19.
Trong thời gian đầu của giai đoạn 2021 – 2025 khi còn dịch bệnh, tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch…; kiểm soát phù hợp người nhập cảnh, ngăn chặn hiệu quả nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài, bảo đảm phòng dịch từ sớm, từ xa.
Đồng thời, các biện pháp phòng, chống dịch cần được tính toán kỹ lưỡng, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến các hoạt động KTXH và đời sống nhân dân…; Chú trọng đẩy nhanh nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong phát triển vắc-xin và có giải pháp để Nhân dân tiếp cận, sử dụng vắc-xin phòng dịch sớm nhất.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế….
Năm 2021 và thời gian đầu của giai đoạn 5 năm 2021 – 2025, thực hiện các giải pháp tài khóa, tiền tệ mở rộng phù hợp để kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, các ngành, lĩnh vực trọng yếu, thúc đẩy tăng trưởng, giảm thiểu tác động của dịch bệnh;
Có giải pháp phù hợp vừa thúc đẩy xuất khẩu, vừa phát triển mạnh thị trường trong nước. Chú trọng kích cầu tiêu dùng, phát triển hệ thống phân phối trong nước và xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam; đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường.
Tận dụng tốt hơn, hiệu quả hơn các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA; bảo vệ sản xuất và tiêu dùng trong nước phù hợp, hiệu quả.
Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Thực hiện hiệu quả, thực chất hơn các nhiệm vụ cơ cấu lại và phát triển các ngành, lĩnh vực. Chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nhất là đầu tư công; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống; thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của DNNN.
Tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy phát triển kinh tế số; phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán điện tử, các mô hình kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm…
Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị…
Khẩn trương lập, ban hành các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch. Xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp phát triển kinh tế vùng, các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn, các khu kinh tế, khu du lịch quốc gia; phát triển các siêu đô thị mới trở thành một động lực phát triển… Phát triển mạnh kinh tế biển…
Thứ tư, tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh triển khai các dự án kết cấu hạ tầng KTXH trọng điểm. Chú trọng phát huy nội lực, đồng thời thu hút có chọn lọc các nguồn lực từ bên ngoài, tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng, trong đó có các dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến đường sắt đô thị; phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau.
Đầu tư và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải theo đúng tiến độ; chú trọng phát triển năng lượng tái tạo. Thúc đẩy xây dựng hạ tầng kinh tế số, xã hội số, hạ tầng kết nối, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật…; tiếp tục xây dựng, phát triển hạ tầng viễn thông, mạng thông tin di động 5G…
Thứ năm, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển KTXH;
Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế;
Chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao ở trong nước, thu hút các nhà khoa học, chuyên gia giỏi ở nước ngoài; tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo, kết nối nhân tài người Việt trong và ngoài nước.
Thứ sáu, phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân…; Phát triển mạnh nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp; Phấn đấu nâng chỉ số phát triển con người lên nhóm cao trên thế giới…
Thứ bảy, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, chú trọng bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Thứ tám, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo…; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số…
Thứ chín, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; theo dõi sát diễn biến tình hình trên biển và chủ động có phương án, đối sách phù hợp, kịp thời, không để bị động, bất ngờ…
Thứ mười, đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội; Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kịp thời phản bác các quan điểm sai trái, không để đối tượng thù địch lợi dụng; đấu tranh ngăn chặn hiệu quả thông tin xấu độc, xử lý nghiêm các vi phạm…

Nguồn VnMedia-TT