VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Năm 2017, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chính xác là bao nhiêu?

Theo ông Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), con số tăng trưởng kinh tế Việt Nam chính xác là bao nhiêu không quan trọng bằng việc có thể khẳng định khuynh hướng đang hồi phục của nền kinh tế Việt Nam là rõ nét và chắc chắn. Đây mới là điều có ý nghĩa đối với người dân và doanh nghiệp.
GDP của Việt Nam có thể ở mức lân cận của 6,41%
Trả lời câu hỏi về tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2017 là bao nhiêu, ông Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, cho tới lúc này thì mọi công bố thống kê chính thức đều nhất quán với con số 6,81% là mức tăng trưởng kinh tế của năm 2017. Nhiều nhà kinh tế thận trọng với con số này vì nghĩ đó là một mức tăng trưởng không dễ đạt được trong năm nay.
Trong khi đó, một số người lập luận rằng Chính phủ cần một mức tăng trưởng cao để khẳng định những nỗ lực của mình trong thời gian qua, đồng thời mức tăng trưởng cao hơn cũng cho phép tăng trần nợ công với tốc độ tương ứng.
Theo ông Thành, việc dâng trần nợ công theo quy mô của nền kinh tế có ý nghĩa quan trọng khi Chính phủ nói riêng, hệ thống Nhà nước nói chung, vẫn đang có một quán tính chi tiêu lớn, trong khi mức thu ngân sách không được dồi dào. Do đó, hơn bao giờ hết, mức tăng trưởng kinh tế năm 2017 có ý nghĩa chính trị quan trọng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trong Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý 4/2017 của VEPR vừa công bố, nhóm tác giả đã tính toán khuynh hướng tăng trưởng GDP Việt Nam dựa trên nhiều phương pháp khác nhau. Đặc biệt, trong vài năm gần đây, VEPR phát triển Chỉ số Hoạt động Kinh tế Việt Nam (VEPI) với tư cách một chỉ số dẫn báo về nền kinh tế Việt Nam. Chỉ số này góp phần xác định xem mức độ hoạt động của nền kinh tế có thực chất như con số GDP của Tổng cục thống kê phản ánh hay không, giúp người dân và doanh nghiệp hình dung rõ hơn các vận động vĩ mô thực nhằm đưa ra các quyết định phù hợp với hoàn cảnh.
Theo tính toán của VEPR, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2017 có thể ở mức lân cận của 6,41%. Cao hơn so với năm 2016 là 6,21% (số liệu Tổng cục thống kê công bố).
Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, con số tăng trưởng chính xác là bao nhiêu không quan trọng bằng việc chúng ta có thể khẳng định khuynh hướng đang hồi phục của nền kinh tế Việt Nam là rõ nét và chắc chắn. Đây mới là điều có ý nghĩa đối với người dân và doanh nghiệp.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt bậc
Số liệu công bố của Tổng cục thống kê cho thấy, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao trong Quý 4. Mức tăng trưởng 7,65% là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước (2015: 7,01%, 2016: 6,68%). Tăng trưởng rất cao trong hai quý nửa sau của năm góp phần đưa GDP cả năm tăng 6,81%, vượt chỉ tiêu 6,7% mà Quốc hội đề ra.
Khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 7,44% (yoy) trong năm 2017, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Ngành có đóng góp cao nhất cho mức tăng trưởng chung là bán buôn và bán lẻ với mức tăng 8,36% (yoy).
Trong khi đó, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và lĩnh vực kinh doanh bất động sản ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong 6-7 năm trở lại đây, lần lượt đạt 8,14% và 4,07% (yoy). Đáng chú ý, lượng du khách quốc tế tới Việt Nam trong năm 2017 đạt con số kỷ lục là 12,9 triệu người, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số mức độ thuận lợi trong kinh doanh (EDBI) của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tổng hợp cũng được cải thiện đáng kể.
Theo đó, Việt Nam đã thăng lên hạng 82 trên tổng số 190 quốc gia, và được dự báo sẽ tiếp tục thăng lên hạng 68 trong năm 2018. Sự cải thiện này đến từ nhiều yếu tố có thể đem thế chấp; nâng cấp hệ thống thông quan hàng hóa tự động giúp xuất nhập khẩu trở nên dễ dàng hơn…
Tính chung cả năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp thành lập mới, cao hơn 15,2% so với năm 2016, với 1.295,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký, tăng 45,4%. Số vốn đăng ký trung bình trên một doanh nghiệp tăng đáng kể ở mức 26,2% và đạt 10,2 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cả năm 2017 là 60.553 doanh nghiệp, giảm 0,2% so với năm 2016.
Quy mô việc làm tạo mới trong Quý 4 cũng tăng mạnh trở lại từ mức 64 nghìn người của tháng Chín. Trung bình mỗi tháng của quý 4 có 91,6 nghìn việc làm mới được tạo ra.
Tại thời điểm 1/12/2017, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016. Xét theo thành phần, tăng trưởng lao động ở khu vực nhà nước tiếp tục giảm 0,7%, trong khi ở khu vực FDI ghi nhận mức tăng khá cao là 6,9%. Điều này cho thấy khu vực vốn Đầu tư nước ngoài tiếp tục là đầu tàu cho sự phục hồi sản xuất công nghiệp cũng như xuất khẩu.
Nguồn VnMedia-TT