VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Năm 2021, dự toán chi Ngân sách Nhà nước giảm hơn 60 nghìn tỷ đồng

   – Trong bối cảnh dự kiến thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) còn khó khăn do tình hình sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp cần thời gian phục hồi do tác động của đại dịch Covid-19, dự toán chi là 1.687 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 60,1 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2020.

Trên cơ sở đánh giá khả năng thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2020, dự kiến tình hình năm 2021, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua dự toán NSNN năm 2021 và định hướng kế hoạch tài chính – NSNN 03 năm 2021-2023.
Dự kiến thu NSNN còn khó khăn
Theo Bộ Tài chính, năm 2021, dự toán thu NSNN là 1.343,33 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,5%GDP. Trong đó, cơ cấu thu tiếp tục xu hướng chuyển dịch tích cực, với tỷ trọng thu nội địa chiếm 84,4%, thu dầu thô chiếm 1,7% và thu cân đối xuất nhập khẩu chiếm 13,3% .
Trong khi đó, về chi NSNN, Bộ Tài chính cũng cho biết, trong bối cảnh dự kiến thu NSNN còn khó khăn do tình hình sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp cần thời gian phục hồi do tác động của đại dịch Covid-19, dự toán chi là 1.687 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 60,1 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2020. Trong đó: chi đầu tư phát triển là 477,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng chi NSNN; chi trả nợ lãi, viện trợ, dự trữ quốc gia là 112,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,7% tổng chi NSNN; chi thường xuyên là 1.036,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 61,4% tổng chi NSNN.
“Mức dự toán trên đã bảo đảm ưu tiên bố trí chi đầu tư phát triển ở mức hợp lý, cao hơn mức bố trí dự toán năm 2020 cả về tỷ trọng và số tuyệt đối, trong điều kiện cân đối NSNN khó khăn hơn. Dự toán bố trí cho các bộ, địa phương triệt để tiết kiệm, quán triệt yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công và chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương từ NSNN”, Bộ Tài chính thông tin.
Bộ Tài chính cho biết, năm 2021, dự toán bội chi là 343,67 nghìn tỷ đồng, tăng 108,87 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2020, bằng khoảng 4%GDP. Tổng nhu cầu huy động của Chính phủ (chưa bao gồm vay về cho vay lại) khoảng 580 nghìn tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2021, nợ công bằng khoảng 46,1%GDP.
Tập trung nhiều giải pháp để giải quyết những khó khăn
Liên quan đến kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm 2021-2023, Bộ Tài chính cũng cho biết, phấn đấu thu khoảng 4,33 triệu tỷ đồng; đạt tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân khoảng 15,5%GDP. Tiếp tục cơ cấu lại thu NSNN, tăng tỷ trọng thu nội địa đến năm 2023 khoảng 85-86% tổng thu NSNN.
Về chi, bội chi NSNN và nợ công, dự kiến tổng chi khoảng 5,4 triệu tỷ đồng. Bội chi NSNN bình quân khoảng 3,8%GDP. Nợ công đến năm 2023 khoảng 48,1%GDP.
Tuy nhiên, tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đã và đang tạo ra những thách thức đối với Kế hoạch NSNN trung hạn 3 năm 2021-2023 trong việc bảo đảm lộ trình thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh chuẩn trợ cấp xã hội, chuẩn nghèo,…
Để hoàn thành các nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2021, ngành Tài chính cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, đồng thời tập trung giải quyết những khó khăn, thách thức.
Thứ nhất, về thu ngân sách nhà nước, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách thu, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng; xem xét tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19…
Thứ hai, về chi ngân sách nhà nước, quản lý chặt chẽ các khoản chi ngay từ khâu lập dự toán, đến tổ chức thực hiện…
Thứ ba, quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay của ngân sách nhà nước nhằm giảm thiểu các rủi ro về kỳ hạn nợ, rủi ro tái cấp vốn, thanh khoản, tỷ giá, lãi suất, tín dụng; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ…
Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung pháp lý về sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp…
Thứ năm, hoàn thiện các quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thành công tác quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, các định mức kinh tế – kỹ thuật,…làm cơ sở xác định và đẩy nhanh lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công phù hợp, gắn với yêu cầu nâng cao khả năng tự chủ, tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và cơ chế hỗ trợ đảm bảo các đối tượng nghèo, chính sách có điều kiện tiếp cận các dịch vụ công cơ bản.
Thứ sáu, tăng cường quản lý, sắp xếp, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài sản công trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, tạo hành lang pháp lý đầy đủ và đảm bảo tính đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan trong quản lý, giám sát, khai thác và sử dụng tài sản công.
Thứ bảy, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cải cách thủ tục và hiện đại hoá công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực có quan hệ với người dân và doanh nghiệp như thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, quản lý bảo hiểm, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Thứ tám, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước, tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước; triệt để quán triệt quan điểm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Nguồn VnMedia-TT