– Mặc dù đã có những chính sách cải thiện tích cực, nhưng không thể phủ nhận thực tế là khoảng cách về năng suất lao động của Việt Nam so với nền kinh tế thành công dẫn đầu trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc, Malaysia đang ngày một xa hơn.
Năng suất lao động Việt Nam kém cả Lào
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – xã hội Quốc gia – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năng suất lao động xã hội là chỉ tiêu phản ánh hiệu suất làm việc của lao động, phản ánh chất lượng tăng trưởng của một nền kinh tế. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể theo chiều hướng tăng đều qua các năm.
Cũng theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – xã hội Quốc gia – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong cả giai đoạn 2000 – 2017, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam tăng khá ổn định. Do những ảnh hưởng của suy giảm tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2006 – 2010 đã dẫn đến sự suy giảm của tốc độ tăng NSLĐ bình quân còn 3,3%/năm, thấp hơn tốc độ tăng của giai đoạn 2001-2005.
Giai đoạn 2011 – 2016, NSLĐ đã phục hồi tốc độ tăng với mức tăng bình quân là 4,6%/năm. Năm 2017, NSLĐ Việt Nam là 93,2 triệu đồng/lao động theo giá hiện hành, tương đương khoảng 4.159 USD/lao động, tăng 7,8 lần so với năm 2000.
Tính theo giá so sánh năm 2010, NSLĐ đạt 60,7 triệu đồng, bình quân tăng 6%/năm trong giai đoạn 2016-2017. Tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam trong giai đoạn 2000 – 2017 đạt 4,1%/năm.
![]() |