– Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á được dự báo sẽ giảm từ 30% đến 45% trong năm nay bởi phần lớn các nhà máy sản xuất vẫn đang bị gián đoạn do đại dịch, théo Báo cáo đầu tư thế giới hàng năm của Liên Hợp Quốc (UN).
“Dòng chảy vào các nước đang phát triển ở châu Á sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, gánh nặng của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như áp lực toàn cầu nhằm đa dạng hóa các địa điểm sản xuất”, báo cáo được công bố ngày 16/6 tại Hội nghị về thương mại và phát triển của UN cho biết.
Theo đó, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, bao gồm Singapore, Hong Kong và Hàn Quốc đã nhận được gần 1/3 dòng vốn FDI của thế giới vào năm 2019, ở mức 473,9 tỷ USD.

Báo cáo cũng cho biết, đầu tư vào khu công nghiệp “xanh”, bao gồm các nhà máy, trung tâm nghiên cứu và văn phòng đã giảm 37% trong quý I/2020. Các vụ sáp nhập và mua lại xuyên biên giới vào tháng 4, mặc dù đã có sự phục hồi so với tháng 3, nhưng vẫn thấp hơn 35% so với mức trung bình hàng tháng của năm 2019.
Năm ngoái, Trung Quốc chiếm 29% dòng vốn đầu tư của khu vực. Tuy nhiên, trong quý I/2020, dòng vốn đầu tư đã giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái (không bao gồm lĩnh vực tài chính).
Ở Đông Nam Á, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ô tô và điện tử được công bố trong quý I/2020 đã giảm lần lượt 67% và 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự sụt giảm mạnh về nguồn vốn đầu tư vào khu vực kể từ khi đại dịch xảy ra đã tác động rất lớn đến Trung Quốc cũng như các quốc gia Đông Nam Á. Nhìn chung, vốn đầu tư vào khu vực châu Á đang giảm 5%, chủ yếu do Hồng Kông giảm 34%, và giảm 13% tại Hàn Quốc, do tình trạng bất ổn xã hội cũng như rạn nứt thương mại với Nhật Bản.
Mặc dù phần lớn các quốc gia đang phát triển ở châu Á đã hoạt động trở lại nhưng đầu tư trong nước vẫn khó có thể hồi phục trong thời gian tới. Việc phong tỏa đất nước quy mô lớn đã làm chậm triển khai các dự án hiện có ở các nước sở tại. Trong khi đó, triển vọng suy thoái sâu và thu nhập doanh nghiệp giảm tại các tập đoàn đa quốc gia sẽ làm giảm năng lực và khả năng sẵn sàng tái đầu tư.
“Đại dịch là một cú sốc lớn với nguồn cung, cầu và chính sách của FDI,” báo cáo cho biết.
Cơ quan của Liên Hợp quốc hy vọng đầu tư xuyên biên giới toàn cầu sẽ bắt đầu phục hồi vào đầu năm 2022.
Nguồn (Doanhnhan.vn)-TT