VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Nền kinh tế tháng 1/2017 đạt nhiều kết quả tích cực

– Tuy nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tế tháng 1 vừa qua của nước ta vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.

Ảnh minh họa (Nguồn: tcnn.vn)


Điểm nổi bật của kinh tế tháng 1 đó là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/01/2017 thu hút 175 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 1,2438 tỷ USD, tăng tới 37,8% về số dự án và tăng 23% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, có 76 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 179,2 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn bổ sung đạt 1,423 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các dự án cấp mới trong tháng vẫn tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký đạt 834,9 triệu USD, chiếm 67,1% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp cũng có nhiều khởi sắc. Trong tháng 01/2017, cả nước có 8.990 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 90,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% về số doanh nghiệp và tăng 52,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Trong tháng còn có 5.564 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 1 năm nay lên gần 14,6 nghìn doanh nghiệp.

Đối với ngành nông nghiệp, lĩnh vực thủy sản tiếp tục đạt kết quả khả quan. Sản lượng thủy sản tháng 1 ước tính đạt 427,2 nghìn tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Thời tiết tương đối thuận lợi cho việc thả nuôi tôm cùng với giá cả ổn định nên sản lượng tôm đạt khá. Sản lượng tôm sú tháng 1 ước tính đạt 12 nghìn tấn, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 15 nghìn tấn, tăng 36,4%. Tuy nhiên, nuôi cá tra mặc dù giá cả tương đối ổn định và có xu hướng tăng nhẹ nhưng nguồn cung không nhiều, do một số hộ nuôi cá tra năm trước thua lỗ đã không nuôi trở lại dẫn đến ao hầm bị bỏ trống hoặc chuyển sang nuôi loại thủy sản khác. Sản lượng cá tra tháng 1 ước tính đạt 92 nghìn tấn, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản khai thác tháng 1 ước tính đạt 217 nghìn tấn, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới cùng với giá xăng dầu tăng nên một số tàu vẫn neo bờ đợi vụ cá bắc, đặc biệt là các tàu đánh bắt xa bờ.

Tuy một số ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cán cân thương mại hàng hóa tháng 1 lại nhập siêu. Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tính tháng 1 nhập siêu 100 triệu USD. Nguyên nhân là do kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1 ước tính đạt 14,60 tỷ USD, giảm 12% so với tháng trước; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2017 ước tính đạt 14,70 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp cũng có mức tăng thấp. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1 ước tính tăng thấp ở mức 0,7%  so với cùng kỳ năm trước (do thời gian nghỉ Tết Đinh Dậu tập trung chủ yếu trong tháng 1)…

Nhìn chung, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình kinh tế tháng 1 vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng. Môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt; số doanh nghiệp mới thành lập và quay trở lại hoạt động tăng cao. Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực, nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức, xuất nhập khẩu chưa có cải thiện nhiều, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp thấp. Năm 2017 có ý nghĩa rất quan trọng, năm then chốt trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020.  Dự báo năm 2017 sẽ có nhiều khó khăn, thách thức tác động đến kinh tế nước ta.

Để hoàn thành tốt mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2017 đã được Quốc hội thông qua, các cấp, các ngành và địa phương cần nhận thức đúng và đầy đủ những khó khăn, thách thức phía trước để kịp thời có các giải pháp khắc phục ngay từ những tháng đầu của năm 2017. Trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu như: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến sâu, gắn với các lợi thế về nguồn nguyên liệu nông, lâm nghiệp, thuỷ sản. Tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp hỗ trợ, tham gia vào chuỗi sản xuất, phân phối toàn cầu. Tiếp tục đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát tiền và tài sản Nhà nước.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, bao gồm cả thị trường truyền thống và các thị trường có sức mua tiềm năng cao. Khuyến khích xuất khẩu các nhóm hàng, mặt hàng có khả năng cạnh tranh, thị trường ổn định. Chủ động xây dựng và thực hiện các phương án, giải pháp để ứng phó trước các diễn biến mới liên quan đến TPP, Brexit. Tăng cường hoạt động dự báo thị trường trong và ngoài nước, phổ biến kịp thời thông tin thị trường, sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật. Chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Phát triển mạnh thị trường trong nước, hệ thống bán lẻ gắn với tiêu thụ hàng nội địa. Tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp để đưa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự đi vào cuộc sống, gắn với thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường nội địa. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng để bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng.

Tập trung thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích nghi với biến đổi khí hậu. Đẩy nhanh nghiên cứu và đưa vào sử dụng các loại giống chất lượng; thực hiện các biện pháp thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tăng cường phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và hoạt động ngân hàng hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Tăng trưởng tín dụng hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế để góp phần thúc đẩy sản xuất và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các vướng mắc về cơ chế, tạo thuận lợi cho việc mở rộng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền.

Thực hiện nghiêm Luật Ngân sách Nhà nước và kỷ luật tài khóa. Nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Tăng cường các biện pháp chống thất thu, chuyển giá và nợ đọng thuế. Giám sát chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách Nhà nước, đặc biệt là đầu tư công. Triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, nhất là kinh phí hội nghị, tiếp khách, đi công tác nước ngoài, sử dụng xe công. Thực hiện các giải pháp về tái cơ cấu thu – chi ngân sách Nhà nước và nợ công, tăng cường quản lý nợ công, nhất là các khoản vay mới. Tính toán lộ trình điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá, bảo đảm không ảnh hưởng lớn đến mặt bằng giá và phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2017…/. 

Nguồn ĐCSVN-TT