– Ngân hàng Nhà nước và tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu, còn Ủy ban Dân tộc và tỉnh Quảng Ngãi là hai đơn vị xếp cuối bảng chỉ số cải cách hành chính 2017.
Ngân hàng Nhà nước và tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu chỉ số cải cách hành chính
Kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các bộ, ngành chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 12 bộ, cơ quan ngang bộ có chỉ cải cách hành chính trên 80%, gồm: Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Nhóm thứ 2 gồm 7 bộ có kết quả từ 70-80% gồm: Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Ủy ban dân tộc.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, giá trị trung bình chỉ số cải cách hành chính của 19 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 79,92%. Không có bộ nào có kết quả chỉ số cải cách hành chính dưới 70%. Có 12 bộ, cơ quan ngang bộ có chỉ số cải cách hành chính năm 2017 trên mức trung bình.
Trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục có chỉ số cải cách hành chính cao nhất với kết quả đạt 92,36%, tuy nhiên đã giảm 0,32% điểm số so với năm 2016.
So với năm 2016, năm nay, có 9 đơn vị tăng điểm số gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Trong đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có giá trị điểm số tăng cao nhất, 8,09% (từ 71,91% năm 2016 lên 80% năm 2017).
Bộ Y tế là cơ quan có sự tụt giảm mạnh về điểm chỉ số cải cách hành chính trong năm 2017, giảm 7,29% từ 79,69% năm 2016 giảm xuống còn 72,40% năm 2017. Do đó, Bộ Y tế đã tụt từ thứ hạng 11/19 năm 2016 xuống thứ 18/19.
Một cơ quan khác cũng có sự sụt giảm về điểm số và thứ hạng trong kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2017 là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Điểm số của Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã giảm tới 7,98% (từ 80,59% xuống 72,61%) và đã tụt từ thứ hạng 9/19 năm 2016 xuống thứ 17/19, chỉ trên Bộ Y tế. Cơ quan ngang bộ xếp cuối cùng trong kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2017 là Ủy ban Dân tộc, với điểm số 72,13%.
Đối với kết quả cải cách hành chính năm 2017 của các tỉnh, thành, Quảng Ninh vượt lên dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính với kết quả điểm số 89,45/100, cao hơn với đơn vị đứng vị trí thứ 2 là Hà Nội tới 3,99%. Năm 2016, tỉnh Quảng Ninh xếp thứ 6 với điểm số 82,73%.
Tỉnh Đồng Nai là đơn vị xếp vị trí thứ 3 với kết quả điểm số là 84,52%. Hai địa phương còn lại trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu lần lượt là Đà Nẵng và Hải Phòng.
Quảng Ngãi là địa phương có chỉ số thấp nhất với 59,69%. 4 địa phương còn lại nằm trong nhóm 5 tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng gồm: Bến Tre, Thanh Hoá, Trà Vinh, Bình Định.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua, công tác cải cách hành chính luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo quyết liệt, coi đây là một trong những nội dung quan trọng trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân, công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thể chế đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức coi trọng.
Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được, cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng công tác cải cách hành chính thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định.
Phó Thủ tướng đề nghị thời gian tới các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần sử dụng hiệu quả kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính trong chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính tại bộ, ngành, địa phương, đề ra các giải pháp phù hợp để khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức. “Căn cứ vào kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2017, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo rà soát, xác định rõ những điểm mạnh cũng như những hạn chế, yếu kém trong công tác cải cách hành chính của đơn vị mình – thể hiện thông qua kết quả điểm đạt được của từng tiêu chí, lĩnh vực cải cách. Từ đó, chỉ đạo làm rõ nguyên nhân của hạn chế, yếu kém cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai từng nhiệm vụ cải cách hành chính; đồng thời, đề ra các biện pháp cụ thể để khắc phục, bảo đảm nhiệm vụ cải cách hành chính được triển khai đúng tiến độ, kế hoạch đề ra” – Phó Thủ tướng lưu ý.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện thể chế về quản lý công chức, viên chức; thể chế liên quan đến doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc không làm tăng thêm các điều kiện làm hạn chế cơ hội đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế; khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp pháp, đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống văn bản.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính với nội dung trọng tâm là: Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; tình hình tổ chức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện việc ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, cấp tỉnh theo quy định; đẩy mạnh việc xây dựng và sử dụng các phần mềm dùng chung, bảo đảm tính tương thích, đồng bộ và thông suốt để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong quá trình xử lý công việc; tăng tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4.
Đối với Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung, phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá cải cách hành chính, bảo đảm đánh giá chính xác, khách quan và công bằng kết quả triển khai cải cách hành chính tại các bộ, các tỉnh. Trên cơ sở đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam và các cơ quan liên quan trong triển khai đánh giá kết quả cải cách hành chính hàng năm và đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, bảo đảm chất lượng, hiệu quả./.