– Hàng năm, người lao động trên toàn thế giới lại cùng nhau kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5. Năm 2021 đánh dấu 135 năm thế giới kỷ niệm sự kiện này.
Năm 2021 đánh dấu 135 năm thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động. (Ảnh: sociallydrama.com)
Cách đây 135 năm, ngày 1/5/1886, tại thành phố Chicago (Mỹ) đã diễn ra một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển của phong trào công nhân thế giới. Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Lao động Mỹ, hàng chục nghìn công nhân toàn thành phố Chicago đã tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố với khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ”. Đây là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài từ nửa cuối thế kỷ XIX của công nhân lao động nhiều nước trên thế giới khi họ bị bóc lột sức lao động nặng nề.
Cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân sinh, dân chủ, vì sự tiến bộ xã hội bị đàn áp đẫm máu, song đã tạo được sự hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của công nhân khắp nơi trên nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới lên tiếng ủng hộ công nhân Chicago. Khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của công nhân lao động ở nhiều nước.
Từ các cuộc đấu tranh của công nhân lao động, chính phủ một số nước buộc phải ban hành đạo luật ngày làm việc 8 giờ. Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 làm Ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó, ngày 1/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động; là ngày Lễ tại nhiều quốc gia, là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Nhân Ngày Quốc tế Lao động 2021, Chủ tịch Liên đoàn Công nhân Vận tải Quốc tế (ITF), ông Paddy Crumlin đã đưa ra thông điệp: “Ngày Quốc tế Lao động là Ngày của sự can đảm và lòng quyết tâm… Một ngày để kỷ niệm, nhưng cũng là một ngày để tiếc nuối khi nhiều người đã thiệt mạng.”
“Các hoạt động trong ngành công nghiệp đã lấy đi sinh kế và việc làm của những người đàn ông và phụ nữ nhiều thế hệ trên khắp thế giới. Chính vì vậy, chúng ta đã đấu tranh cho sự công bằng. Chúng ta chiến đấu với lòng quyết tâm và sự can đảm, bất chấp mọi khó khăn chống lại chúng ta. Chúng ta đấu tranh cho an sinh xã hội, cho trợ cấp thất nghiệp, cho môi trường và cho quyền của người bản địa nhằm ngăn chặn nạn diệt chủng cũng như những cái chết trong nhà tù…” ông Paddy Crumlin nhấn mạnh.
Chủ tịch ITF cho hay: “Ngày Quốc tế Lao động là dịp để tưởng nhớ những người da màu. Đấu tranh cho chủ nghĩa quốc tế, đấu tranh cho phụ nữ, cho những người trẻ tuổi và đấu tranh cho cơ hội bình đẳng, đó là ý nghĩa của Ngày Quốc tế Lao động và đó là những gì chúng ta đang có… chúng ta sát cánh cùng nhau, nhất là trong xã hội thời kỳ hậu đại dịch COVID-19, chúng ta đấu tranh không chỉ cho người giàu, mà cho cả người nghèo, không chỉ cho kẻ mạnh mà cả cho những người yếu thế. Chúng ta phải được đảm bảo quyền lợi tại nơi làm việc, quyền về nhân phẩm, sức khỏe và giáo dục….Đó là ý nghĩa của Ngày Quốc tế Lao động”.
Thế giới cùng nhau kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động
Đây là ngày lễ để nhằm tôn vinh lao động và xây dựng sự đoàn kết lao động thế giới. Ngày nay trên thế giới, Ngày Quốc tế Lao động thường liên quan đến việc kỷ niệm những thành tựu của phong trào lao động. Ngày lễ này được tổ chức như một kỳ nghỉ chính thức ở hơn 80 quốc gia trên thế giới bằng những bữa tiệc lớn với nhiều chương trình chào mừng; biểu ngữ, cờ hoa cũng được trang trí khắp nơi để kỷ niệm ngày này. Nhiều chương trình trên truyền hình, đài phát thanh với mục đích nâng cao nhận thức xã hội về Ngày Quốc tế Lao động.
Tại Anh: Quốc tế Lao động 1/5 là ngày lễ lớn của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên không phải tất cả các quốc gia đều chọn ngày 1/5 hàng năm làm Ngày Lao động của nước mình và mỗi nước cũng có những cách tổ chức đặc trưng riêng. Tại Anh, Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức vào ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 5. Nghi thức truyền thống và lễ kỷ niệm ngày này thường bao gồm điệu múa Morris, trao vương miện Nữ hoàng tháng 5 và nhảy múa vũ điệu Maypole.
Tại Đức: Ngày Quốc tế Lao động được chính thức kỷ niệm vào năm 1933 sau khi Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (NSDAP) lên nắm quyền. Ngày lễ tượng trưng cho sự thống nhất giữa Nhà nước và các tầng lớp lao động. Người Đức chọn Ngày Quốc tế Lao động vào ngày 1/5. Tất cả công nhân, người lao động đều được nghỉ trong dịp này. Theo truyền thống, mọi người thường cài một bông hoa cẩm chướng đỏ trên ve áo. Thói quen này bắt nguồn từ cuộc biểu tình ngày 1/5/1890, khi những người tham gia đoàn diễu hành đã dùng hoa cẩm chướng đỏ làm dấu hiệu để nhận ra nhau.
Tại Hà Lan: Vào ngày 1/5, người dân ở bang Fribourg, một bang nhỏ của Hà lan lại tổ chức ca hát, chia bánh kẹo và thưởng tiền lẻ cho trẻ với quan niệm đó là ngày đầu tiên của mùa xuân nên làm như vậy sẽ đem lại may mắn cho cả năm. Thông thường, người Hà Lan vẫn làm việc vào 1/5, chỉ một số công ty và tổ chức nước ngoài cho phép nhân viên được nghỉ.
Tại Mỹ: Ngày Quốc tế Lao động bắt nguồn từ Chicago nhưng ở Mỹ thường chỉ được gọi là Ngày Lao động, được tổ chức vào ngày Thứ Hai đầu tiên của tháng 9 mỗi năm sau khi trở thành một ngày lễ chính thức liên bang vào năm 1894. Tuy nhiên, để kỷ niệm sự kiện tháng 1/1884, Đại hội Liên đoàn Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: “… Từ ngày 1/5/1886, ngày Lao động của tất cả công nhân sẽ là 8 giờ/ngày” nên hàng năm cứ vào 1/5 hợp đồng mới giữa người chủ và người lao động thường được ký kết và người dân trên toàn nước Mỹ thường tổ chức diễu hành quy mô lớn.
Tại Canada: Ngày Quốc tế Lao động đánh dấu mùa hè kết thúc. Ngày Quốc tế Lao động của Canada cũng vào ngày thứ Hai của tuần đầu tiên tháng 9. Tại các thành phố lớn đều tổ chức diễu hành và mít tinh để biểu dương cống hiến của công nhân. Ngoài ra, một điều đặc biệt là trong quan niệm của người Canada, ngày này cũng là ngày đánh dấu sự kết thúc của mùa hè. Nhân dịp nghỉ này, người dân cũng tận dụng để mua đồ dùng học tập cho con em của mình. Chính vì thế các cửa hàng tạp hóa cũng nhân cơ hội này thúc đẩy kinh doanh văn phòng phẩm.
Tại Australia: Ngày Quốc tế Lao động thay đổi theo từng vùng. Vào ngày 1/5, chỉ một số Nghiệp đoàn của Đảng Xã hội và Cộng sản tổ chức kỷ niệm trọng thể cho công nhân và người lao động. Còn ở miền Tây, người dân lại lấy ngày 4/3 để nghỉ ngơi, vui chơi. Còn vùng Queensland và miền Bắc lại chọn ngày 6/5. Thủ phủ Canberra, Sydney và miền Nam Australia thì lấy ngày 7/10 làm Ngày Quốc tế Lao động.
Tại Nhật Bản: Nhật Bản là quốc gia có rất nhiều ngày Lễ. Do đó tại “xứ sở mặt trời mọc” này, các hoạt động mừng ngày lao động được dần dần thay thế bằng “Tuần lễ vàng 1/5”. Bắt đầu vào ngày 29/4, Nhật Bản đã bước vào “Tuần lễ vàng”. Trong dịp này, người Nhật sẽ được nghỉ ít nhất 1 tuần và lâu nhất có thể lên đến 11 ngày. Vào “Tuần lễ vàng”, nhiều khu vui chơi giải trí sẽ đưa ra nhiều chương trình quảng cáo nhằm thu hút khách hàng. Cùng với đó là giá phòng khách sạn sẽ tăng gấp đôi ngày thường.
Tại Ấn Độ: Ngày Quốc tế Lao động đã được Đảng Lao động Hindustan ở Chennai chính thức công nhận vào ngày 1/5/1923. Ngày này được coi là một ngày lễ ở Assam, Bihar, Goa, Jharkhand, Karnataka, Kerala, Manipur, Tamil Nadu, Tripura và Tây Bengal. Ngày Quốc tế Lao động ở Ấn Độ được tổ chức dưới tên gọi Antarrashtriya Shramik Diwas, được biết đến với tên gọi Kamgar Din trong tiếng Hindi, Kamgar Din trong tiếng Marathi và Uzhaipalar Dhinam trong tiếng Tamil.
Tại Pháp: Hàng năm, cứ vào ngày 1/5, người Pháp náo nức trang hoàng nhà cửa và tặng bạn bè một bó hoa Linh Lan – loài hoa biểu tượng của ngày Quốc tế Lao động. Sở dĩ hoa Linh Lan được lựa chọn bởi vào ngày 1/5/1891, một cuộc biểu tình lớn của công nhân đã xảy ra ở vùng Fourmies, miền Bắc nước Pháp. Để dẹp loạn, binh lính quốc gia đã xả súng và bắn chết 10 người trong đó có một cô gái tên là Marie Blindeau, mang trên mình bộ quần áo trắng tinh khiết. Để tưởng nhớ sự kiện này, người Pháp đã lấy hoa Linh Lan làm biểu tượng, linh hồn của ngày 1/5.
Tại Việt Nam: Ngày Quốc tế lao động 1/5 đã trở thành ngày lễ quốc gia, ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Sau 35 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành, nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện khát vọng dân tộc./.