“Thủ tướng nói Nhà nước không bán sữa, bán bia, nói thế đúng rồi nhưng Nhà nước cũng không cần bán giày dép, sản phẩm dệt may, vì cái đó tư nhân làm tốt rồi”. Đó là bình luận của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại hội thảo đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 19/7.
Nếu số lượng doanh nghiệp Nhà nước nhiều như hiện nay thì không ai giám sát được đầy đủ…
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu tại hội thảo.
Trình bày báo cáo về nội dung nói trên, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp nói, nếu theo các báo cáo về doanh nghiệp nhà nước trong những năm gần đây thì thực trạng không phải quá tồi nhưng về góc độ tài chính thì hiệu quả sản xuất kinh doanh đang giảm, ROE giảm 39%, ROA giảm 30% từ 2011 – 2016.
Ông Trung cũng trích lại đánh giá của đoàn giám sát của Quốc hội: “Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả là một trong các nguyên nhân dẫn đến những vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp”.
Phân tích nguyên nhân từ hệ thống pháp luật, ông Trung nhấn mạnh rằng hiện không cơ quan nào có đủ thẩm quyền và khả năng theo dõi đánh giá doanh nghiệp đầy đủ, hiệu quả và toàn diện.
Mỗi bộ tham gia một mảng nên kết quả giám sát phụ thuộc vào sự tham gia tích cực của các bộ, hệ quả là chia cắt không đảm bảo yêu cầu thường xuyên liên tục của giám sát, ông Trung nói.
Về nguyên nhân trong triển khai thực hiện, đại diện nhóm nghiên cứu CIEM nhấn mạnh tình trạng thiếu thông tin đầy đủ về vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế. Vì thế không dễ để trả lời câu hỏi vốn nhà nước hiện đang nằm ở bao nhiêu doanh nghiệp, giá trị thực tế thế nào?
Thiếu thông tin cũng là vấn đề được các chuyên gia đề cập sâu hơn trong phẩn thảo luận.
“Tình trạng thiếu thông tin là một nguyên nhân làm cho việc giám sát các doanh nghiệp Nhà nước kém hiệu quả, vậy tại sao lại thiếu thông tin, trách nhiệm ở đâu? Có phải đó chính là trách nhiệm của các chủ sở hữu, các bộ ngành hay không?”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu hàng loạt câu hỏi.
Đồng tình với bà Lan, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên đặt vấn đề: vì sao nhiều doanh nghiệp nhà nước không công khai thông tin theo luật mà chả thấy bị xử lý gì, tại sao lại không công khai mà không ai chịu trách nhiệm gì?
“Yêu cầu doanh nghiệp Nhà nước phải công khai minh bạch thông tin đã được quy định tại nghị định của Chính phủ nhưng doanh nghiệp không làm cũng chả sao. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã mấy lần chỉ đạo là phải làm, nhưng rồi vẫn không làm và rồi cũng vẫn không sao”, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung nói.
Nhưng, thiếu thông tin cũng chỉ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến giám sát kém hiệu quả.
Chuyên gia Phạm Chi Lan nói, từ khi Luật Doanh nghiệp năm 1999 có hiệu lực đến nay đã có hàng nghìn cuộc hội thảo và hàng ngàn cán bộ đi nước ngoài học tập về giám sát doanh nghiệp Nhà nước. Tiền đã bỏ ra rất nhiều cho hoạt động này, kết quả là hệ thống giám sát vẫn có quá nhiều vấn đề, đừng tiếp tục tiêu tốn tiền dân vào đó nữa, bà Lan đề nghị.
Vấn đề chính, theo bà Lan nằm ở chỗ chưa tách bạch được vai trò chủ sở hữu và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nên không ai chịu trách nhiệm cuối cùng.
“Khái niệm quản lý rủi ro không mấy khi xuất hiện ở doanh nghiệp nhà nước, cơ quan quản lý doanh nghiệp càng ít khái niệm này, có lẽ họ cũng không coi đây là vấn đề lớn”, bà Lan bình luận.
Chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh, nói cho cùng vấn đề quan trọng nhất là thu hẹp tối đa phạm vi hoạt động và số lượng doanh nghiệp nhà nước, còn nhiều như hiện nay thì không ai giám sát được đầy đủ.
“Phải giảm mạnh số lượng, Thủ tướng nói Nhà nước không bán sữa, bán bia thì đúng rồi, nhưng Nhà nước cũng không cần bán giày dép, sản phẩm dệt may vì cái đó tư nhân làm tốt rồi”, bà Lan nói.
Đẩy mạnh cổ phần hoá để định hình phạm vi sở hữu cũng là vấn đề được chuyên gia Trần Đình Thiên hơn một lần đề cập khi tham gia bình luận tại hội thảo.
Ông Thiên cho rằng rất khó để giám sát khi mà doanh nghiệp Nhà nước được xác định thuộc thành phần chủ đạo, là một trong những trụ cột quan trong nhất của thành phần này. Cách tiếp cận đó ảnh hưởng đến ứng xử coi “ông này” là trùm, là quyền lực, cơ chế xin – cho vẫn tồn tại trong khi ngân sách cũng là trụ cột của thành phần chủ đạo. “Một xin một cho cùng một nhóm thì giám sát thế nào? Hai vai một phe thì khó khách quan được”, ông Thiên bình luận.
Khẳng định thành lập Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là bước tiến bộ theo cơ chế thị trường, song Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho rằng cần phải thiết kế thể chế để uỷ ban này hoạt động đúng vai trò thì mới phát huy được tác dụng như mong muốn.
Cơ quan này ngồi trên đống tiền nên không thể nói thiếu tiến mà cần động lực thúc đẩy, không thể áp dụng quy tắc cho cơ quan quản lý hành chính Nhà nước vào Uỷ ban, ông Cung nêu quan điểm.