VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Nhân tài: Người là ai, đang ở đâu?

Phải chăng quan niệm của ta về người tài là quá cao nên loay hoay mãi vẫn không đưa ra được tiêu chí xác định người tài trong công vụ?
Nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh

Mấy chục năm trở lại đây, bàn về nhân tài luôn là chủ đề khó và hấp dẫn. Người bảo nhân tài phải thế này, người khác lại bảo nhân tài phải thế kia mới đúng. Tuy nhiên, bàn về người tài, không mấy ai không biết câu nói nổi tiếng của vị Tiến sỹ triều Lê, Phụng trực đại phu, Hàn lâm viện thừa chỉ, Đông các đại học sỹ Thân Nhân Trung cách đây hơn 500 năm: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí “.

Thời xưa quan niệm người làm quan thì có quan khí, quốc gia thì có quốc khí. Quốc khí gồm nhiều thứ khí tạo thành, nhưng trong đó nòng cốt chính là nguyên khí. Chỉ bằng một câu ngắn gọn như vậy, Thân Nhân Trung đã chỉ rõ vai trò của hiền tài và trách nhiệm thu hút, trọng dụng hiền tài của nhà nước.

Nhân tài: Người là ai, đang ở đâu?     Hình minh họa

Còn thời nay thì sao? Nhân tài là ai, đang ở đâu để nhà nước này thu hút và trọng dụng? Ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng là một trong số ít vị lãnh đạo bàn luận về người tài ở nước ta. Ẩn chứa trong những câu chuyện ông kể là triết lý sâu xa nơi ông về quan niệm người tài và làm thế nào để thu hút và trọng dụng họ.

Căn cứ xác định người tài

Ai là người tài? Đây quả là một vấn đề không đơn giản. Ông Vũ Khoan rất khiêm tốn khi nói mình không phải là người tài, nhưng được người tài sử dụng. Trong con mắt tôi, người tài theo tiêu chí của ông là quá cao. Đó là những vị lãnh đạo mà ông gọi là tiền bối, ít nhiều ghi lại dấu ấn lớn lao trong lịch sử đất nước. Còn riêng tôi, với những gì ông đã đóng góp trong quá trình công tác lúc đương chức, ông thừa tiêu chuẩn là người tài. Đấy là nói suy nghĩ cá nhân, còn nếu đưa ra hỏi thiên hạ thì chưa biết ra sao. Cho nên, nói công nhận ai là nhân tài ở nước ta là câu chuyện không đơn giản.

Trước hết nói về thời điểm công nhận ai đó là người tài. Quan niệm tương đối phổ biến thiên về  công nhận sau khi chết. Chết rồi thì dường như quan niệm, công nhận có thoáng hơn so với khi ai đó đang sống mà lại bảo họ là người tài. Nó hơi giống như đến dự lễ truy điệu ai đó mới ra đi. Người đã ra đi dường như cái gì cũng tốt, cũng quá tốt, làm được rất nhiều việc có ý nghĩa cho gia đình, cơ quan, tổ chức, địa phương, xã hội… Và do đó, người mất đi là một tổn thất lớn. Phương châm ở đây chính là người chết thì nói khuyết điểm làm chi, cứ vống lên chút thành tích cho người sống mát lòng, mát dạ.

Mươi mười lăm năm trở lại đây rộ lên câu chuyện đặt tên đường phố mới. Rất nhiều người lúc còn sống có đóng góp quan trọng cho đất nước, thậm chí giờ đây được coi là người tài nên tên của họ rất xứng đáng được đặt cho các đường phố mới. Nhưng cũng có một số người liệu có xứng không khi mang tên của họ đặt cho phố này, đường kia. Ra đường phố ở thủ đô, thấy có những phố mang tên mới đặt gần như theo nguyên tắc cứ là lãnh đạo cao cao chút đã mất thì đều xứng đặt tên cho phố mới. Bấy lâu nay đã quen với chuyện chạy chức, chạy kỷ luật, chạy án…, có lẽ cũng có chuyện chạy đặt tên phố phường cũng nên?

Chạy chức, chạy quyền, chạy tên phố, chạy người tài… Cho nên một trong những chuyện quan trọng phải rõ, đó là người tài thì phải như thế nào? Căn cứ vào đâu để nói người này là nhân tài thực sự, người kia thì không phải?

Không phải cứ có bằng cấp cao là làm việc tốt trong công vụ

Thời gian qua, rất nhiều tỉnh đã có khá nhiều chính sách để thu hút, trọng dụng những người có bằng cấp cao như thạc sỹ, tiến sỹ, bác sỹ chuyên khoa 1, 2, rồi cả sinh viên tốt nghiệp xuất sắc các trường đại học trong và ngoài nước vào làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương. Tiêu chuẩn quan trọng nhất ở đây là bằng cấp. Sự ngộ nhận cứ có bằng cấp cao chắc chắn sẽ làm việc tốt, sẽ đạt thành tích trong công vụ là khá rõ.

Thực tiễn cho thấy không phải cứ có bằng cấp cao là ngon lành trong cơ quan, tổ chức. Đấy là còn chưa kể đến giá trị đích thực của những tấm bằng đó trong thời buổi kinh tế thị trường, lại đang cải cách giáo dục kiểu nước ta hiện nay. Cho nên mới có câu chuyện vào cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện lên đến trung ương thời nay đụng nhan nhản thạc sỹ, tiến sỹ. Càng lên cao lại càng thấy nhiều. Đây là một hiện tượng lạ so với các nước.

Bàn về những người có bằng cấp cao đã khó như vậy nên bàn đến người có tài năng lại càng khó hơn. Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng. 12 năm trôi qua nhưng chưa có văn bản của Chính phủ cụ thể hóa điều này. Nguyên nhân chính vẫn là không định được người tài là ai. Năm 2019, Quốc hội sửa luật CBCC theo hướng Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. Thêm được mấy chữ người có tài năng trong công vụ. Cũng vẫn không có tiêu chuẩn để định danh người tài.

Phải chăng quan niệm của ta về người tài là quá cao nên loay hoay mãi vẫn không đưa ra được tiêu chí xác định người tài trong công vụ?

Đóng góp trong bộ máy

Trước hết nên khoanh lại chỉ đề cập đến người tài trong công vụ. Ai không thừa nhận và kính phục những nhân tài lớn của đất nước như các vị Nguyễn Trãi, Nguyễn Du thời xa xưa hoặc Nguyễn Bính, Trịnh Công Sơn… thời nay. Nhưng chắc là không phù hợp nếu gọi các vị là người có tài năng trong công vụ. Những đóng góp, cống hiến của các vị không liên quan nhiều tới nhà nước, không liên quan gì tới quản trị đất nước, trong khi bàn về nhân tài trong công vụ là phải xem những đóng góp, kết quả công việc của họ cho bộ máy công quyền. Đây là một trong những điểm mấu chốt để đột phá tìm ra tiêu chí định danh người tài trong công vụ. Đi theo hướng này chắc sẽ ra tiêu chí.

Tìm ra tiêu chí để xác định ai đó là nhân tài rồi theo thời gian thì sao? Nhân tài trong công vụ là bất biến, trường tồn hay đến một lúc nào đó không đáp ứng tiêu chí thì cũng phải ra khỏi danh sách người tài? Rồi chính sách, chế độ đãi ngộ người có tài năng trong công vụ nên như thế nào là phù hợp? Đây là những loại vấn đề cần được tiếp tục làm rõ sau khi đã rõ ai là người tài trong công vụ.
Nguồn VNN-TT