VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Những dấu hiệu tích cực trong môi trường kinh doanh của Việt Nam

 – Theo kết quả điều tra PCI 2018, hiện tượng ‘tham nhũng vặt” – chi phí bôi trơn nhỏ mà doanh nghiệp phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép – trong năm 2018 đã giảm so với thời kỳ trước
Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam (PCI 2018) vừa công bố ghi nhận những cảm nhận tích cực của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh, về nỗ lực gần đây của chính quyền trong phòng chống tham nhũng và cắt giảm chi phí không chính thức. Theo đó, toàn bộ các chỉ tiêu đo lường chi phí không chính thức trong PCI 2018 đã có sự cải thiện so với năm trước đó, hiện tượng được ghi nhận lần đầu tiên từ năm 2006.
Chi phí không chính thức giảm
Theo kết quả điều tra PCI 2018, hiện tượng ‘tham nhũng vặt’ – chi phí bôi trơn nhỏ mà doanh nghiệp phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép – trong năm 2018 đã giảm so với thời kỳ trước. Cụ thể, mức độ phổ biến của hiện tượng này đã giảm, với tỷ lệ 54,8% doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức, mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (năm 2015 là 66,3%).
Quy mô chi trả chi phí không chính thức cũng đã nhỏ đi, khi chỉ có 7,1% doanh nghiệp cho biết phải chi trả trên 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức (năm 2015 là 11,1%). Có 58,2% doanh nghiệp cho biết tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu khi các bộ cơ quan nhà nước địa phương giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp (giảm so với mức cao nhất ghi nhận trong năm 2014 là 65,6%).
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Điều tra PCI 2018 cũng ghi nhận ‘tham nhũng lớn’ có dấu hiệu giảm bớt. Chỉ 30,8% doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai (giảm so với 32% vào năm ngoái). Ấn tượng hơn cả là con số 39,3% doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra (năm 2017 là 51,9%)
Năm 2018 có 48,4% doanh nghiệp đồng ý với nhận định ‘chi trả hoa hồng’ là cần thiết để có cơ hội thắng thầu (năm 2017 là 54,9%). Cuối cùng, tỷ lệ doanh nghiệp lo ngại ‘tình trạng chạy án’ là phổ biến trong hoạt động tố tụng qua tòa án chỉ còn 28,8% (năm 2017 là 31,6%).
Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn
Cũng theo kết quả điều tra PCI 2018, mức độ bình đẳng so với khu vực doanh nghiệp có vốn nhà nước hoặc doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã có sự cải thiện.
Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định ‘việc tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp” đã giảm từ con số 41,2% năm 2017, xuống còn 32,4% năm 2018. Chỉ 37% doanh nghiệp cho biết, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực kinh tế tư nhân, giảm đáng kể từ con số 45,7% của năm 2017.
“Hầu hết những hình thức ưu ái cụ thể đối với doanh nghiệp có phần vốn nhà nước hoặc doanh nghiệp FDI như thuận lợi hơn trong thủ tục hành chính, trong tiếp cận đất đai đều giảm so với năm 2017”, báo cáo PCI 2018 cho hay.
Dù vậy, báo cáo PCI 2018 cũng chỉ ra rằng, vẫn cần có những nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp dân doanh, nhất là trong tương quan so sánh với các doanh nghiệp lớn.
Một điểm đáng lưu ý được PCI 2018 đưa ra là, cảm nhận tích cực hơn về mức độ bình đẳng của môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp dân doanh cũng cho biết chính quyền cấp tỉnh linh hoạt, sáng tạo hơn trong việc đưa ra những sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Cụ thể, năm 2018 có 46,2% doanh nghiệp cho biết thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân là tích cực (liên tục gia tăng từ con số 35,1% của năm 2015). 76,3% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân”, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Cuối cùng, 60,9% doanh nghiệp nhận thấy “Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố rất năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh”, con số cao nhất kể từ năm 2009
Cái cách hành chính tiếp tục có bước tiến
Theo kết quả điều tra PCI 2018, hầu hết các chỉ tiêu đo lường bởi Chỉ số thành phần chi phí thời trong trong PCI 2018 đã ghi nhận những cải thiện kể từ năm 2015. Cụ thể, năm 2018, có 30,7% doanh nghiệp cho biết phải dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật của Nhà nước (năm 2015 là 35,5%); 74,7% doanh nghiệp nhận thấy “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả”, tăng so với mức 67,4% năm 2015; và 74,1% đánh giá ‘thủ tục giấy tờ đơn giản’ (năm 2015 là 51,2%.
Cùng với đó, một số chỉ tiêu ghi nhận về hoạt động thanh, kiểm tra doanh nghiệp cũng cho thấy những dấu hiệu cải thiện tích cực. Cụ thể, nếu như năm 2017 có 7,2% doanh nghiệp bị thanh kiểm tra từ 5 cuộc trở lên, thì năm 2018 chỉ còn là 6,42%. Đặc biệt là con số 10,8% doanh nghiệp cho biết nội dung làm việc của các đoàn thanh kiểm tra bị trùng lặp đã giảm rất đáng kể so với con số 25,8% của năm 2015  đây là năm nội dung này lần đầu tiên được hỏi trong điều tra PCI
Số giờ thanh, kiểm tra thuế cũng có dấu hiệu giảm bớt so với năm 2017. Điều này cho thấy Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ ký ngay tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 đang phát huy tác dụng.
Nguồn -TT