VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Những điểm sáng tích cực của nền kinh tế Việt Nam

     – Ngân hàng Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và 7,8% vào năm 2021. Ngân hàng Thế giới cũng dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,5 đến 3% năm 2020.

.

   Ảnh minh họa.
Theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế xã hội tháng 10 cơ bản bình thường trở lại và tiếp tục có sự cải thiện hơn so với các tháng trước, khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 2 đã được kiểm soát. Nền kinh tế nước ta đã qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V trong quý III.
Đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế – IMF cho thấy, Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong ASEAN với GDP năm 2020 và 2021 lần lượt đạt tăng trưởng 1,6% và 6,7%. Với mức tăng này, quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore (337,5 tỷ USD), Malaysia (336,3 tỷ USD), đứng thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á. Ngân hàng Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và 7,8% vào năm 2021. Ngân hàng Thế giới cũng dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,5 đến 3% năm 2020.
Tổng cục Thống kê cho biết, trải qua 10 tháng đầu năm, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2020 tăng 0,09% so với tháng trước và so với tháng 12 năm trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 10 tháng năm 2020, CPI chỉ tăng 3,71% so với cùng kỳ năm trước, dưới mức Quốc hội giao.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng, tháng 10 và 10 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016 -2020 (tháng 10 tăng 42,2%; 10 tháng tăng 34,4%). Tuy nhiên, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện giảm 2,5%; vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh, mua cổ phần giảm 19,4%.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn là một điểm sáng; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 439 tỷ USD, tăng 2,5%; xuất khẩu ước đạt gần 229 tỷ USD, tăng 4,5%; nhập khẩu ước đạt hơn 210 tỷ USD, tăng 0,4%. Xuất siêu kỷ lục hơn 18,7 tỷ USD. Chúng ta đã có 31 mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu hơn 10 tỷ USD.
Nông nghiệp tiếp tục giữ ổn định thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Giá cả nông sản cơ bản ổn định; an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm. Nông nghiệp góp phần quan trọng thực hiện an sinh và ổn định xã hội. Sản xuất công nghiệp tháng 10/2020 tiếp tục khởi sắc, mở ra hy vọng sớm phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2020; đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Thương mại dịch vụ trong tháng 10 tiếp tục xu hướng tăng (tháng 10/2020 tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước); hàng hóa dồi dào, hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa được tích cực triển khai hiệu quả.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tháng 10 khởi sắc, tăng 18,4% so với tháng trước. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,4% so với cùng kỳ. 10 tháng có gần 111.200 doanh nghiệp thành lập mới.
Các lĩnh vực về văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đời sống dân cư trong 10 tháng năm 2020 giữ được ổn định. Tuy nhiên, do bão, mưa lớn, sạt lở, lốc xoáy tại một số địa phương, Chính phủ đã xuất cấp 11.500 tấn gạo và 500 tỷ đồng cho các tỉnh miền Trung bị bão lũ; Bộ Quốc phòng xuất cấp tổng cộng 77,5 tấn lương khô, 1.200 thùng mì tôm, 2 tấn gạo cho người dân vùng lũ; Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã cứu trợ khẩn cấp, đạt tổng giá trị 77 tỷ đồng.

Nguồn VnMedia-TT